Người đầu tiên tìm ra nó là một sơn tràng địa phương tên Hồ Khanh. Mặc dù xuất hiện trên nhiều bài báo quốc tế và được gọi bằng những mỹ từ như Vua hang động, Người dẫn đường số một… nhưng cuộc đời của ông không "lấp lánh" như trong những bộ phim anh hùng.
"Vua Hang động" chật vật mưu sinh
Phong Nha như một thung lũng lớn bao quanh bởi những dãy núi hùng vĩ với dòng sông Son nước xanh biếc vào mùa khô. Trước khi phát triển du lịch, Phong Nha nghèo. Người dân ngoài làm ruộng thì chủ yếu đi rừng, khai thác lâm sản, săn bắn hoặc tìm trầm.
Sông Son ở Phong Nha
Hồ Khanh sinh năm 1968, có nước da rám nắng đặc trưng của người địa phương và vóc dáng nhanh nhẹn. Sinh trưởng trong gia đình nông dân, đông anh em, từ tuổi mười tám đôi mươi, ông đã lăn lộn đi rừng kiếm kế sinh nhai.
Hồ Khanh kể, địa hình rừng núi ở đây là núi đá vôi, ở bên ngoài rất ít suối. Người đi rừng muốn kiếm nước uống thường phải tìm vào bên trong các hang động. Vì vậy, ông Khanh đã đặt chân vào cả trăm hang động trong khu vực vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
Được trời phú cho sự tinh nhanh và bản năng sinh tồn mạnh mẽ, Hồ Khanh trở thành sơn tràng có tiếng trong vùng về kỹ năng cũng như kinh nghiệm đi hang động. Tuy vậy, cuộc sống mưu sinh của ông lại xoay vần trong những khó khăn. Nuôi dê bị lũ cuốn, trồng lúa gặp thiên tai, làm trang trại thì bị giải tỏa lấy đất… Mặc dù luôn chăm chỉ làm lụng và xoay xở đủ nghề nhưng có những giai đoạn, cả gia đình 5 miệng ăn phải đắp đổi từng bữa qua ngày.
Ông Hồ Khanh (Ảnh báo điện tử Pháp luật)
Việc Hồ Khanh giỏi nhất, có lẽ là đi rừng và thám hiểm hang động. Sau này, khi các tổ chức hang động quốc tế đến Quảng Bình thì cái tài của ông đã có đất dựng võ. Ông trở thành người dẫn đường đáng tin cậy cho những nhóm chuyên gia hang động quốc tế, mặc dù ông không nói được tiếng Anh.
Năm 1990, trong một lần đi rừng, ông Hồ Khanh lần đầu tiên phát hiện cửa hang Sơn Đoòng. Điều khiến ông thấy đặc biệt là khi đứng ở cửa hang sẽ nhìn thấy sương mù bay cùng với gió to tương đương cấp 5,6 từ trong thổi ra.
"Hang đó thấy rộng hơn và có nhiều khác biệt hơn so với các hang trước đó nên sau này khi đi làm hang động thì tôi cũng nói với bên Hiệp Hội là năm 90 có gặp một cái hang khác các hang mình khám phá ở vùng này", ông Khanh nhớ lại.
Howart Limber, chuyên gia hang động nổi tiếng thế giới, khi nghe như vậy thì bảo "Nếu đúng như mày tả thì có thể đó là hang động lớn nhất ở khu vực này". Howart thúc giục Hồ Khanh cố gắng tìm lại vị trí cửa hang.
Sau nhiều lần cố gắng tìm kiếm nhưng thất bại, mọi người đều nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy cửa hang bí ẩn này. Mọi chuyện tưởng chừng kết thúc, tuy nhiên Hồ Khanh vẫn âm thầm tìm kiếm cửa hang bí ẩn trong nhiều năm sau đó.
Vào năm 2008, trong một chuyến đi săn khác, Hồ Khanh may mắn tìm lại được vị trí cửa hang tưởng chừng đã bị lãng quên. Ông cẩn trọng ghi lại đường đi trong đầu và tìm cách liên lạc với Howard.
Đến năm 2009, Hồ Khanh dẫn Howard, Deb và một số chuyên gia hang động khác quay lại cửa hang, mở đầu cho những chuyến khảo sát kỹ hơn sau này.
Có một quy tắc, người đầu tiên tìm ra hang động sẽ được quyền đặt tên cho hang động đó. Tên Sơn Đoòng được ông Khanh lấy theo tên gọi khu rừng có hang động - rừng Đoòng. Theo ông Khanh giải thích, đặt tên vậy để giữ được tên bản địa, khỏi mai một. Còn tên "Sơn", đơn giản là do miệng hang ở trên núi nên gọi là Sơn.
Cái tên Sơn Đoòng ra đời như vậy, mộc mạc như chính người đàn ông tìm ra nó.
Hang Sơn Đoòng - Hình ảnh: Oxalis
Sau khi Sơn Đoòng được đo đạc và công nhận là hang động lớn nhất thế giới, tên tuổi ông Khanh trở nên nổi tiếng. Ông xuất hiện trong nhiều thước phim tài liệu và các bài báo quốc tế.
Một ngày tháng 10 năm 2022, khi được hỏi, cuộc sống của ông thay đổi như thế nào sau khi phát hiện ra hang động lớn nhất thế giới, ông Khanh chỉ cười "Nói thật là hồi xưa chú đi rừng hay vào các hang động để tìm các nguồn nước (suối). Thời điểm đó chú vào không nghĩ nó là hang động lớn nhất thế giới hay sau này để du lịch đâu".
Trên thực tế, sau khi Sơn Đoòng được công nhận là hang động lớn nhất thế giới vào năm 2009, người tìm ra nó vẫn chật vật trong bài toán mưu sinh nuôi 3 con ăn học.
Có một lần vợ chồng chuyên gia hang động Howart Limbert được một công ty lữ hành hàng đầu mời về Phong Nha làm cố vấn, họ gặp lại Hồ Khanh cùng vợ đang nhặt cỏ trong khu vườn trồng khoai mùa giáp hạt bên sông Son. Vợ chồng Howart khi đó không cầm nổi nước mắt bởi "người dẫn đường số một" có cuộc sống quá nghèo.
Ông Howart và Hồ Khanh (Ảnh báo Pháp luật điện tử)
Nói đến quán cà phê, đó là sự nghiệp kinh doanh đầu tiên của vợ chồng Hồ Khanh. Sau 2 năm làm trang trại rồi bị giải tỏa, ông Khanh xoay qua mở một quán cà phê nhỏ có tên là Hồ trên núi để vợ có việc làm. Du lịch Phong Nha khi đó chưa phát triển, khách chủ yếu là những người đến rừng quốc gia Phong Nha công tác như các đoàn nghiên cứu, thám hiểm, kiểm lâm.
Năm 2004, năm đầu tiên được công nhận là di sản Thiên nhiên Thế giới, du khách đến thăm Phong Nha - Kẻ Bàng tăng đột biến. Từ 196.227 lượt khách đến thăm Phong Nha Kẻ Bàng trong năm 2003 đã tăng lên 329.438 lượt khách, tăng 68%.
Quán cafe của vợ chồng ông Khanh có thêm một lượng khách du lịch, một số khách quốc tế được những chuyên gia từng làm việc với ông như Howart Limbert giới thiệu.
Việc kinh doanh quán cà phê của Hồ Khanh dừng lại khi năm 2012, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, ông quyết định đầu tư làm homestay với 3 phòng đầu tiên.
Hai năm 2013 - 2014 khách du lịch đông, ông Khanh mạnh dạn vay tiền ngân hàng đầu tư thêm 5 phòng vào năm 2014.
Ảnh: Pv
Nguồn khách của Homestay chủ yếu đến từ bạn bè, người quen giới thiệu. Có những người biết tên tuổi của ông nên tò mò muốn đến ghé nghỉ, gặp mặt, nói chuyện và chụp ảnh cùng.
Những năm này cùng với công việc tại Oxalis, cuộc sống gia đình ông Khanh mới dần đi vào ổn định.
Từ "Người dẫn đường" trở thành "Thủ lĩnh porter" và công việc kinh doanh khó khăn sau Covid
Năm 2013, khi tour mạo hiểm Sơn Đoòng được công ty du lịch Oxalis đưa vào khai thác, ông Khanh trở thành porter (người khuôn vác), đưa các đoàn khách, đoàn làm phim, hãng thông tấn nước ngoài thám hiểm hang động lớn nhất thế giới trên chính quê hương mình.
Công việc này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho ông Khanh, chấm dứt chuỗi ngày bấp bênh với cây khoai, cây lúa. Hiện tại ông là đội trưởng quản lý một đội porter của Oxalis, gồm 125 người, toàn bộ là dân địa phương.
Theo ông Khanh, bình quân một nhân viên porter tại Oxalis có thể có thu nhập trung bình khoảng 8-10 triệu đồng/tháng với 14 - 15 ngày làm việc.
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Oxalis)
Ông Khanh đánh giá, kỹ năng quan trọng nhất với porter là kỹ năng sinh tồn và ứng phó tình huống, nhiều người có sức khỏe nhưng không có kỹ năng cũng không đi được rừng. Bản thân ông hiện nay đã ngoài 50 tuổi, không thường xuyên đi tour nhưng khi có những đoàn khách đông, quan trọng, ông Khanh sẽ trực tiếp đi điều hành, chỉ đạo đội nhóm.
Bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm cùng niềm đam mê khám phá hang động của ông đã truyền lửa cho các thế hệ sau. Hỏi nhà ông Hồ Khanh ở đất Phong Nha là một việc làm đơn giản, vì người dân đều biết ông.
Ảnh: NVCC
Công việc tại Oxalis đem lại cho ông Khanh và hàng trăm gia đình ở Phong Nha sinh kế ổn định. Từ việc khai thác rừng từ xa xưa, họ trở thành những người làm du lịch bảo tồn, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái động thực vật đa dạng của khu vực vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
Thế hệ thứ hai trong gia đình được ông Khanh định hướng học ngoại ngữ để về làm du lịch. Cậu con trai của ông hiện đang thực tập vị trí hướng dẫn viên tại Oxalis.
Ông chia sẻ "Tôi muốn để con cái hoặc con em địa phương làm tại địa phương mình. Hay hơn. Dù sao nó gần gũi nhà cửa và quê hương của nó nó có sự đam mê, có ý thức giữ gìn, bảo tồn hơn".
Đi dọc theo con đường lát xi măng với hàng cau thẳng tắp và bờ tường thấp xếp bằng đá tảng, tôi vào đến bên trong khu homestay. Hai dãy nhà xinh xắn cách nhau bởi khoảng sân rộng lát gạch đỏ sạch sẽ hướng ra sông Son. Không gian trong veo sau cơn mưa điểm thêm tiếng chim hót, tiếng trẻ em râm ran nói cười, tiếng thuyền máy rẽ nước chở khách vào động Phong Nha...
Ảnh : PV
Tìm kiếm thông tin về Hồ Khanh Homestay trên các trang du lịch, tôi đọc được khá nhiều feedback tích cực từ cách đây mấy năm.
"Chúng tôi ở lại ba đêm tại homestay của Ho Khanh. Nó nằm ngay trên dòng sông, và cảnh quan tuyệt đẹp. Tất cả mọi thứ được sạch sẽ và duy trì tốt. Bữa sáng rất ngon và gia đình đảm bảo chúng tôi có mọi thứ cần thiết. Họ đã giúp chúng tôi vé tàu, di chuyển đến và đi từ ga xe lửa (thậm chí cho chúng tôi ăn sáng để có thể có thứ gì đó vào bụng trước chuyến đi khi chúng tôi rời đi sớm), giặt giũ cho chúng tôi sau chuyến đi và mang trà gừng đến", Allison G đến từ Washington DC đánh giá vào năm 2018.
Đó hẳn là quãng thời gian huy hoàng trong sự nghiệp kinh doanh lưu trú của gia đình ông Khanh. Trái ngược với khung cảnh hiện tại, phòng ốc đóng cửa đìu hiu.
Năm 2020, cơn bão Covid bắt đầu quét qua, như các doanh nghiệp lưu trú khác trên địa bàn, ông Khanh cùng gia đình cũng có hai năm đứt khách đầy khó khăn. Đến hiện tại, ông Khanh cho biết lượt khách vẫn không thể phục hồi như trước.
Nhân sự làm việc cho homestay đã nghỉ hết từ dạo Covid, chỉ còn vợ và con gái (đã lập gia đình) của ông Khanh quản lý. Nợ ngân hàng chưa trả hết. Hàng ngày, gia đình ông phải lau chùi dọn dẹp và chạy quạt sấy để giữ phòng sạch sẽ, không xuống cấp khi không có khách nghỉ.
"Phải chạy máy hút ẩm không phòng hỏng hết. Thiệt hại kinh tế mỗi tháng 2 đến 2,5 triệu tiền điện duy trì", ông Khanh cho biết.
"Ở Phong Nha nhiều homestay, có mười mấy cái. Đợt Covid những homestay của tư nhân nhỏ bị đuối về tài chính cũng phải đóng cửa. Giờ người nào còn trụ được có lẽ sẽ trụ được", Minh, một người địa phương ở Phong Nha nói với tôi.
Ảnh: PV
Sau cơn mưa, nắng lên để lộ ra những ngôi nhà xinh xắn với mái ngói đỏ và tường vàng nằm bên tán cây xanh. Tôi ngỏ ý hỏi, ông có ý định phát triển gì để thu hút khách đến với Hồ Khanh Homestay, ông Khanh cười:
"Không có ý định gì. Tuổi to rồi, sau này hai thằng con muốn làm gì là quyền của nó. Mình làm lạc hậu".
Trước đó khi nhắc đến những chuyến đi vào rừng thám hiểm hang động, ông chưa từng nhận mình già!
Sự xuất sắc và đam mê của một đời người, có lẽ đã tỏa sáng hết trong lĩnh vực sở trường của ông - thám hiểm hang động. Dẫu sao, nhờ có điều đó Sơn Đoòng mới được tìm ra năm 2009, góp phần thúc đẩy du lịch Phong Nha - Quảng Bình, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho hàng nghìn người dân địa phương.
Ông Hồ Khanh bên bộ bàn ghế xi măng tại khu homestay (Ảnh: PV)