Từ lúc thế hệ iPhone 2G đầu tiên của Apple ra mắt, thế giới đã phải công nhận rằng mẫu smartphone độc tôn của thương hiệu nhà Táo quả thật có một sức hút khó cưỡng. Nhưng trái ngược với những sự kiện được hàng triệu con mắt dõi theo, có những phiên bản iPhone trước đó lại dành cả thanh xuân và cả vòng đời để nằm khuất khỏi sự hiểu biết của chúng ta, gần như không được một ai biết đến.
Mẫu iPhone với mã hiệu P này xuất hiện trước cả khi iPhone 2G đầu tiên ra mắt. Tất nhiên chúng đã từng qua vòng "duyệt" của Steve Jobs trước kia và hàng loạt các tên tuổi lãnh đạo cấp cao khác của Apple. Hiện có 2 nguyên mẫu đang nằm trong tay Hap Plain - nhà sưu tập thiết bị Apple nổi tiếng trong làng công nghệ.
Hệ điều hành chạy trên những chiếc iPhone P này không phải iOS, mà là một nền tảng có tên gọi Acorn OS. Màn hình chính của một thiết bị hiển thị loạt biểu tượng khá thô sơ so với những đường nét thiết kế giao diện mượt mà ngày nay, còn lại thì là chương trình nghe nhạc với nút bánh xe giả lập cảm ứng như trên những chiếc iPod cổ điển.
2 nguyên mẫu này được coi như những cổ vật thực sự may mắn vì đúng hơn, vì chúng lẽ ra không được cho phép hoàn thiện và xuất hiện "bằng xương bằng thịt" như thế này nữa. Nhưng việc tìm kiếm và sở hữu chúng trước khi viễn cảnh đó xảy ra không hẳn là một điều quá khó khăn với Hap Plain.
"Nhiều khả năng Steve Jobs và Tony Fadell (một trong số những người sáng chế nên iPod) là 2 người giữ những mẫu iPhone này. Họ có những quyết định riêng khi thiết kế chúng, một chiếc có giao diện bánh xe xoay ảo như iPod, và một chiếc thì sử dụng bàn phím nhiều hơn. Ai cũng biết kết quả như thế nào ngày nay khi một thiết kế phải được bỏ đi, từ đó dần dần tạo nên một đế chế và con đường riêng cho iPhone hiện giờ," Hap Plain trả lời phỏng vấn.
Thắc mắc rằng chúng có còn hoạt động được không ư? Đừng lo, máy vẫn còn chạy mượt mà lắm:
2 nguyên mẫu iPhone P
Trước khi phiên bản chính thức cả về phần cứng và phần mềm của chiếc iPhone 2G đầu tiên ra đời, Steve Jobs khi đó đã chỉ đạo 2 team nghiên cứu và thiết kế hệ thống, yêu cầu họ cùng ganh đua với nhau để tạo ra một hệ điều hành tốt nhất dựa trên cơ sở màn hình cảm ứng. Tony Fadell - cha đẻ của iPod - lãnh đạo 1 team, còn lại là nhóm của Scott Forstall - chuyên gia về máy tính Mac khi đó.
Đúng như sở trường của mình, Fadell vẫn đem cách điều khiển bánh xe của iPod lên màn thử nghiệm lần này, còn Forstall thì bắt đầu với những nút chức năng vuông vức, gán cho từng vai trò nhất định để chọn. Ý tưởng của họ được chia ra ứng dụng ở chính 2 nguyên mẫu iPhone P trên.
Trông không có quá nhiều điểm khác nhau ban đầu.
Dĩ nhiên, cách triển khai biểu tượng chức năng của Forstall đã thắng và được lựa chọn chính thức để phát triển. iOS ngày nay đã nảy sinh từ những thứ đơn giản và thô sơ như chúng ta thấy đó.
Hap Plain tin rằng có khoảng 20 người hiện nay đang cầm trong tay những nguyên mẫu giống như vậy, vì đã có nhiều phiên bản được Apple sản xuất tạm trước để các chuyên gia của mình trải nghiệm rồi góp ý. Thời kỳ đầu, Apple khá dễ dàng và thoải mái khi Steve Jobs không đả động gì đến việc dùng chúng bên ngoài, nhưng về sau đã có những luật lệ bắt buộc thu lại sau một dự án thử nghiệm, và đánh dấu một mã hiệu đi kèm với tên nhân viên dùng nó.
Không giống như những nguyên mẫu iPod, những chiếc iPhone P này lại được làm ra nhiều hơn vì nhu cầu thử nghiệm và hoàn thiện gắt gao, đặc biệt là phải trên phạm vi toàn thế giới cũng như cả... độ cao để test khả năng bắt sóng và một vài chức năng khác.