Một trong những tính năng chụp ảnh trên smartphone được rất nhiều người yêu thích đó chính là chụp ảnh xóa phông. Hiện tại, không chỉ những máy cao cấp mà nhiều smartphone tầm trung cũng đã được trang bị tính năng này, nên cũng chẳng có gì xa lạ và khó khăn cho chúng ta trải nghiệm.
Nhưng xóa phông cũng rất dễ nhầm lẫn với một vài trường hợp chụp ra ảnh có nhiều điểm chung. Vì thế, chưa hẳn tất cả mọi người đều hiểu đúng về nó, và sau đây là những điều cần biết để tránh bị gọi là "gà mờ" chụp ảnh smartphone.
Đúng như câu hỏi của chủ nhân bức ảnh, liệu đây có phải là ảnh xóa phông không?
Chụp ảnh xóa phông là khi bức ảnh được chụp cho ra kết quả có chủ thể (đối tượng được chụp) nổi bật rõ nét, trong khi những vật có cự ly không ngang hàng, ở xa hơn trong khung cảnh phía sau hoặc phía trước bị làm mờ đi hẳn.
Đây là một trong những kỹ thuật chụp rất quen thuộc và đã có từ lâu, thường được yêu thích khi chụp ảnh chân dung vì người được chụp sẽ được làm nổi lên rất rõ, còn mọi thứ khác mờ đi để tôn vẻ đẹp và hướng sự chú ý vào người được chụp.
Cô gái trong ảnh được làm nổi bật rất rõ nét, còn cảnh vật phía sau thì mờ đi.
Về lý thuyết nói chung, chụp ảnh xóa phông có đẹp và "ảo" hay không dựa vào 3 yếu tố chính của thiết bị: Tiêu cự, cảm biến và khẩu độ.
Về phần tiêu cự, độ lớn của tiêu cự (độ zoom ảnh) tỷ lệ thuận với độ "mượt của xóa phông.
Cảm biến là bộ phận thu nhận và xử lý cho ra ảnh. Công nghệ cảm biến càng hiện đại, kích cỡ cảm biến càng lớn thì chất lượng xóa phông càng cao.
Khẩu độ là độ mở của ống kính, được quy định theo chỉ số f. Chỉ số càng thấp thì độ mở càng lớn và xóa phông càng dễ. Chẳng hạn, những Galaxy S8, Note 8 hiện tại có khẩu độ f/1.7 là độ mở lớn nhất làng smartphone (iPhone X mới là f/1.8, vẫn chưa bằng). Và trên thực tế, đây là điều được các thương hiệu smartphone khai thác nhiều và dễ nhất.
Smartphone có chỉ số khẩu độ lý tưởng
Như đã đề cập, khẩu độ có chỉ số càng nhỏ cũng đồng nghĩa rằng độ mở của ống kính camera càng lớn và độ xóa phông tốt hơn. Vì thế, không gì phù hợp hơn là việc chọn mặt gửi vàng ngay từ khi sắm một chiếc smartphone.
Samsung Galaxy S8 có khẩu độ tận f/1.7 - lý tưởng nhất làng smartphone.
Hiện tại, smartphone có độ mở lớn đạt đến f/1.8 không thiếu, kể cả những smartphone tầm trung và cận cao cấp. Những dòng Galaxy J, Galaxy A của Samsung đã được ưu ái cho điểm này từ lâu rồi, không cần phải nhờ tới Galaxy S8, Note 8 cao cấp.
Smartphone có camera kép
Không phải tự nhiên mà các thương hiệu từ lớn đến nhỏ đều chạy theo trào lưu nâng cấp smartphone của mình lên để có camera kép. Điều này xuất phát từ chính nhu cầu ngày một cao của chúng ta khi muốn chụp những bức ảnh "ảo" và đẹp hơn, trong khi không cần phải nhờ cậy đến máy ảnh chuyên nghiệp.
Nhờ có camera kép - bao gồm một ống kính góc rộng thông thường, một ống kính chụp phóng xa - smartphone sẽ nhận biết cự ly và đặc điểm chiều sâu của ảnh tốt hơn nhiều so với camera đơn truyền thống. Từ đó, khả năng xóa phông của máy cũng khỏi phải bàn cãi về độ cải thiện và nâng cấp.
iPhone X cũng rất tự hào về camera kép cùng tính năng chân dung xóa phông của họ.
Smartphone có công nghệ xử lý tân tiến, nhạy bén
Công nghệ tích hợp để hỗ trợ xử lý ảnh thông minh cũng rất quan trọng. Vì dù smartphone có đầy đủ cấu tạo hiện đại nhất như camera kép, khẩu độ lớn nhất thì hiện vẫn chưa thể nào so bì được với khả năng như một ống kính rời của máy ảnh "bằng xương bằng thịt". Muốn xóa phông hoàn thiện, nó vẫn cần phải có công nghệ hỗ trợ.
Tùy mỗi thương hiệu khác nhau mà kết quả cuối cùng có sự can thiệp của công nghệ cho ra cũng khác nhau. Đôi khi bạn sẽ thấy ảnh xóa phông của smartphone hãng này bị lỗi viền ở những điểm phức tạp như tóc, góc cạnh nhiều hơn của hãng khác. Ngược lại, có những cái tên làm tốt khoản công nghệ tích hợp này đến nỗi smartphone dùng camera đơn cũng xóa phông cực mượt - chính là Google.
Ảnh chụp từ Google Pixel 2 - không hề có camera kép, chỉ tận dụng tính năng có sẵn.
Tuy nhiên, như đã đề cập, một số người đã rơi vào trường hợp hiểu lầm khi chụp những bức ảnh tương tự như sau và cho đó là "xóa phông":
Đúng là khung cảnh phía sau vẫn được làm mờ, nhưng đây chính xác là thể loại chụp ảnh macro/close up - tức chụp cận cảnh, và chỉ cần đưa chủ thể gần sát vào ống kính là có thể tái tạo hiệu ứng xóa phông. Như bạn có thể thấy, thiết bị được dùng là iPhone 6 của hơn 3 năm trước hoàn toàn không có điểm gì đột phá ở camera hay công nghệ hỗ trợ xóa phông như hiện nay, và bông hoa cũng ở rất gần phải không?
Còn nếu muốn dùng smartphone cho ra đời những bức ảnh xóa phông hiệu quả đúng nghĩa thực sự kể cả ở xa, hãy chọn những cái tên như iPhone 7/8 Plus, iPhone X, Samsung Galaxy Note 8... và một số lựa chọn tin tưởng khác để được kết quả mãn nguyện thế này nhé:
Đây là khi bạn không cần phải chụp sát cận cảnh mà hệ thống vẫn cho ra những bức ảnh chân dung xóa phông rất nịnh mắt, được chụp chỉ bằng smartphone.