Chủng "Omicron tàng hình" chiếm ưu thế ở Hà Nội và TP.HCM: Chuyên gia nói gì?

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 10:15 11/03/2022
Chia sẻ

Chuyên gia khuyến cáo người dân không nên hoang mang vì hiện nay chưa có bằng chứng chủng "Omicron tàng hình" gây bệnh nặng hơn so với các biến chủng khác.

Theo báo cáo của TP. Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã. Chủng này được đánh giá lưu hành chính so với Delta.

Tính đến ngày 9/3, 93/109 (chiếm 85,3%) mẫu bệnh phẩm các ca Covid-19 được giải trình tự gene ngẫu nhiên từ 4/12/2021 đến 1/3/2022, được xác định nhiễm biến chủng Omicron. Trong đó, biến thể phụ BA.2 (hay còn gọi là "Omicron tàng hình") chiếm ưu thế với 86/93 mẫu.

Hà Nội dự báo trong thời gian tới, số ca mắc tiếp tục tăng cao do khả năng lây nhiễm cao của biến chủng Omicron.

Tại TP.HCM, sau khi giải trình tự gene, cũng phát hiện chủng "Omicron tàng hình" chiếm ưu thế.

Theo Bộ Y tế, biến thể phụ BA.2 đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 (biến thể gốc) vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.

Ngoài ra, BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đến nay chưa có bằng chứng về việc người mắc BA.2 gây bệnh nặng hơn so với BA.1 hay các biến chủng khác.

Theo bác sĩ Cấp, hiện nay cũng chưa ghi nhận thông tin "Omicron tàng hình" lẩn tránh test nhanh. Nhưng trên thực tế, với chủng Omicron, test nhanh sẽ không nhạy bằng xét nghiệm PCR.

Thông thường, để xác định một biến chủng virus, người ta phải làm xét nghiệm giải trình tự gene. Riêng với biến chủng Omicron BA.1 do có đột biến khuyết thiếu một số gene nên có thể phát hiện được ngay bằng xét nghiệm PCR chứ không cần giải trình tự gene. 

Ngược lại với Omicron BA.2 do không có các đột biến này nên khi xét nghiệm PCR chỉ xác định được là virus SARS-CoV-2 chứ không xác định ngay được là Omicron, do vậy nó được gán tên là "Omicron tàng hình".

"Do chưa có bằng chứng gì về việc BA.2 có nguy hiểm hơn so với những chủng trước, nên người dân không cần quá hoang mang", bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Trước những thông tin "Người nhiễm Omicron nhẹ hơn so với mắc chủng Delta", theo bác sĩ Cấp thực tế các nhóm bệnh nhân hiện nay chủ yếu nhiễm Omicron và có tỷ lệ diễn biến nặng thấp hơn hẳn so với giai đoạn trước. 

Điều này không chỉ do chủng Omicron có tỷ lệ diễn biến nặng thấp hơn mà còn do quần thể dân cư đã được bao phủ vaccine đầy đủ hơn và hệ thống điều trị đã được củng cố tốt hơn, giúp quản lý bệnh nhân tốt ngay từ đầu để hạn chế tỷ lệ diễn biến nặng.

Chủng Omicron tàng hình chiếm ưu thế ở Hà Nội và TP.HCM: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Chủng "Omicron tàng hình" chiếm ưu thế ở Hà Nội và TP.HCM (Ảnh minh họa)

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, Omicron là chủng có 36 đột biến trong protein gai, giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người dẫn đến tốc độ lây lan nhanh.

Ông Phu nhấn mạnh Omicron lây lan nhanh, khiến số lượng bệnh nhân tăng vọt, gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt các địa phương dịch vốn đã rất căng thẳng. Nếu phân tầng điều trị không thích hợp sẽ làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong.

Ông Phu khuyến cáo các địa phương cần đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine Covid-19. Mặc dù Omicron liệu có vô hiệu hóa hay làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19 hay không vẫn chưa thực sự sáng tỏ, nhưng một số nghiên cứu của quốc tế cho rằng, tiêm vaccine mũi 3 sẽ có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước chủng mới.

Đặc biệt, vị chuyên gia lưu ý việc ưu tiên bảo vệ các đối tượng yếu thế trước Covid-19 như người cao tuổi, người có bệnh nền cần được đặt lên hàng đầu.

"Đây là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng cao. Việc hạn chế các ca bệnh nặng sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, đặc biệt là đơn vị cấp cứu - hồi sức, từ đó giảm tỷ lệ tử vong", ông Phu nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, một số loại kit test nhanh đời cũ, có thể ít nhạy với biến chủng Omicron dẫn đến "âm tính giả".

Ông khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng với "Omicron tàng hình". Nếu xuất hiện triệu chứng nhưng test nhanh "âm tính giả", theo ông có 2 nguy cơ.

Thứ nhất, lây lan dịch bệnh cho người khác, do đó người có yếu tố dịch tễ, từng tiếp xúc F0, khi có triệu chứng bệnh mà test nhanh vẫn âm tính thì nên tự cách ly, điều trị giống như đang mắc Covid-19.

Thứ hai, nguy cơ diễn biến nặng khi mắc Covid-19. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, nếu nhiễm chủng Omicron, bệnh sẽ nhẹ nhưng người dân vẫn phải theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Theo bác sĩ Khanh, sau biến thể Delta, nhiều người đã được nghe đến 2-3 biến thể như Lambda, Mu, Delta Plus. Tuy nhiên, 3 biến thể này đều không được nhắc đến nhiều bởi sự lây lan không bằng Delta.

Sau này, Omicron được nhắc đến nhiều bởi tốc độ lây nhanh hơn so với Delta. Như nghiên cứu hiện nay cho thấy, chỉ trong một tuần Omicron xuất hiện thì số ca mắc sẽ tăng gấp đôi. Vùng dịch xuất hiện Omicron chỉ cần 3-4 tuần là sẽ đạt đỉnh dịch và đi xuống.

Mặc dù số ca mắc tăng cao nhưng lại ít ca bệnh nặng, ca phải nhập viện, thở máy so với những làn sóng dịch trước rất thấp. Việc các biến thể có sự "cạnh tranh" lẫn nhau để tồn tại đã được ghi nhận trong lịch sử. Nếu cùng một loại virus, xuất hiện cùng một nơi mà có sự biến thể sẽ cạnh tranh lại nhau. Nguyên tắc của virus lây qua đường hô hấp này nếu không lây thêm được cho người khác thì nó sẽ tự biến mất.

Chủng Omicron tàng hình chiếm ưu thế ở Hà Nội và TP.HCM: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.
https://kenh14.vn/chung-omicron-tang-hinh-chiem-uu-the-o-ha-noi-va-tphcm-chuyen-gia-noi-gi-20220310175522506.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày