Sinh em bé cần tiết kiệm trước bao nhiêu tiền? Những khoản chi nào nên cân nhắc tính toán trước khi mang thai? Đây là 2 trong nhiều câu hỏi mà các cặp vợ chồng đang tìm lời giải trước khi quyết định có em bé. Trên thực tế, chuẩn bị tài chính càng kỹ càng, vợ chồng càng đỡ áp lực khi sinh con.
Trong quá trình mang thai cho sinh em bé, vợ chồng Thuỳ Dung (33 tuổi, Hà Nội) đã chi hơn 100 triệu đồng. Trong đó, cô chi khoảng 17-19 triệu đồng trong quá trình mang thai như siêu âm, mua sách, thực phẩm dưỡng thai, 45 triệu sinh mổ tại bệnh viện tư. Chi phí sau sinh khoảng 42,5 - 46,5 triệu đồng bao gồm 24,5 triệu tiêm chủng và tắm cho bé, 12-15 triệu tiền mua sắm đồ cho mẹ và bé, chăm sóc cho mẹ khoảng 6-7 triệu (dịch vụ massage sau sinh, thông tắc tia sữa...).
Thuỳ Dung
Bên cạnh đó, Mỹ Anh (31 tuổi, TP Hồ Chí Minh) hiện đang là mẹ của 2 bé gái xinh xắn chia sẻ rằng trước khi mang thai, cô không chuẩn bị quá nhiều. Cô chỉ mua những món đồ cơ bản, rồi sau khi bé ra đời sẽ sắm thêm tuỳ thuộc vào nhu cầu của con.
"Trong quá trình đi khám thai cho đến lúc đi sinh thực sự mình không nhớ chính xác được số tiền, vì mình không có thói quen ghi chép lại các khoản chi tiêu. Mình chỉ nhớ chi phí lúc sinh ở bệnh viện bé đầu tầm 35 triệu, còn bé sau khoảng 60 triệu".
Về số tiền cần chuẩn bị ít nhất khi sinh con, Mỹ Anh cho rằng điều này tùy vào hoàn cảnh và kinh tế của mỗi gia đình, không thể đưa ra con số cụ thể. "Một số người ở quê mình quen tiền viện phí sinh con chỉ hết tầm 2-3 triệu đồng. Do vậy, con số này sẽ thay đổi khá nhiều phụ thuộc vào lối sống của mỗi gia đình".
Cũng giống như Mỹ Anh và Thuỳ Dung, Linh Trần (30 tuổi, Hà Nội) đã chi khoảng 40 triệu tiền viện phí sinh con, và khoảng 100 triệu mua sắm bao gồm cũi, tủ, các loại máy móc (máy giặt, máy sấy riêng, máy hút bụi, máy lọc không khí, máy sưởi, máy hút sữa, bình sữa, quần áo, bảo hiểm nhân thọ,…).
"Mình nghĩ nếu sức khoẻ ổn định và sinh con tự nhiên, vợ chồng nên chuẩn bị khoảng 200 triệu. Vì trong quá trình mang thai và sau sinh con, gia đình sẽ cần chi tiêu rất nhiều khoản ngoài dự kiến, nhất là khi con còn nhỏ, việc ốm đau đi viện là rất khó tránh khỏi", Linh Trần chia sẻ.
Linh Trần
Để chuẩn bị cho quá trình có con, Linh Trần đã tiết kiệm trước 1 năm so với kế hoạch. Cô cài đặt tự động chuyển khoản vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng, đến đúng ngày có lương là tài khoản sẽ trừ tiền. Bên cạnh đó, tháng nào dư dả, cô sẽ mua 1 ít vàng để tích luỹ trong tương lai cũng như hạn chế chi tiêu lãng phí.
Còn đối với Thuỳ Dung, cô luôn chuẩn bị sẵn một khoản dành cho mang thai và sinh con nên tài chính trong giai đoạn này không bị ảnh hưởng quá nhiều. "Mình thấy việc tiết kiệm từ sớm ngay sau khi ra trường và bắt đầu đi làm đã giúp mình hình thành thói quen sử dụng ngân sách cá nhân khá tốt. Lời khuyên của mình là nên tiết kiệm tiền từ khi bắt đầu đi làm để chủ động hơn trong cuộc sống".
Mặt khác, Mỹ Anh gần như không thay đổi thói quen chi tiêu ngay cả trong quá trình mang thai. "Khi có thêm em bé, mình không chỉ sắm cho 2 vợ chồng, mà còn phải sắm thêm phần cho 2 bạn nhỏ. Do vậy, trước đó mỗi tháng bỏ tiết kiệm 10 đồng, nay có bé thì bớt tiền tiết kiệm lại còn 7-8 đồng".
Một trong những bài toán tài chính đau đầu của các cặp vợ chồng trẻ đó là tài chính như thế nào thì nên bắt đầu nghĩ đến việc sinh em bé. Theo Thuỳ Dung, vợ chồng sinh sống ở các thành phố lớn cần có thu nhập từ 25-30 triệu trở lên sẽ khá phù hợp để sinh con và nuôi con. "Mình nghĩ khi kết hôn và quyết định có con, các bạn trẻ cần có khoản tiết kiệm riêng dành cho việc mang thai và sinh con, cộng thêm tiền nuôi con cho đến khi bé tròn 1 tuổi".
Còn đối với Linh Trần, nếu muốn cuộc sống sau khi có con không quá vất vả, vợ chồng nên tiết kiệm được khoảng 200 triệu. Tổng lương của 2 vợ chồng khoảng 30 triệu trở lên. "Vợ chồng nên có công việc ổn định và có tích luỹ trước khi có con. Mình nghĩ không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của ông bà và càng không nên có tư tưởng 'cứ đẻ ra rồi tính'. Bởi vì như vậy, vợ chồng sẽ rất dễ rơi vào cảnh phụ thuộc cũng như áp lực tài chính".