Ngay sau khi tâm bão số 8 vào bờ, lại xuất hiện bão số 9 trên Biển Đông
Chiều 23/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp khẩn ứng phó với bão số 8 và mưa lũ ở miền Trung. Dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cùng đại diện các bộ, ban ngành có liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, vào hồi 13h ngày 23/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 114,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Đến 13h ngày 25/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ vĩ bắc; 107,0 độ kinh đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
"Khả năng bão số 8 duy trì cường độ này đến đêm nay có khả năng suy yếu. Đến đêm 24 và ngày 25/10, bão số 8 sẽ gây ảnh hưởng tới đất liền. Từ sáng đến chiều 25/10 tâm bão sẽ trực tiếp vào bờ gây ảnh hưởng đến khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Với tác động của khối không khí lạnh khô nên bão số 8 sẽ suy yếu khá nhanh", ông Khiêm nhấn mạnh.
Theo ông Khiêm, mưa bắt đầu diễn ra từ đêm 24 đến ngày 25/10, trọng tâm mưa từ Hà Tĩnh - Quảng Nam - Đà Nẵng, mưa có nơi lên hơn 200mm.
Ông Khiêm cho biết thêm: "Hiện tại đã xuất hiện vùng áp thấp ở phía Đông Philippines, dự báo khoảng 70 - 80% sẽ đi vào Biển Đông và mạnh lên bão số 9. Ngay sau khi bão số 8 vào bờ thì sẽ xuất hiện bão số 9 trên Biển Đông".
"Chưa bao giờ trong một tháng có 5 cơn bão trên Biển Đông"
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Đến giờ phút này bão số 8 có cường độ vẫn rất mạnh, sáng 25/10 tâm bão bắt đầu tác động đến vùng đất liền nước ta cho đến chiều tối cùng ngày. Khi vào gần đất liền chịu tác động với gió mùa Đông Bắc khô khiến cường độ càng giảm. Mặt nước biển ở khu vực bờ Biển Đông tương đối lặng cũng góp phần tiêu năng".
"Chưa bao giờ lịch sử ghi nhận trong một tháng có 5 cơn bão. Từ năm 1983 đến nay, chưa bao giờ trong tháng 10 (tức tháng có nhiều bão nhất năm) lại xuất hiện dồn dập tới 5 cơn bão trong cùng một tháng như vậy, chưa tính các hiện tượng khác như áp thấp nhiệt đới, vùng áp thấp, không khí lạnh… rất khó lường, khó kiểm soát, cần hết sức cảnh giác. Hướng di chuyển của bão số 8 lại đổ bộ vào khu vực lũ chồng lũ, bão chồng bão ở miền Trung vì vậy tổn thương sẽ rất lớn. Chính vì vậy, dứt khoát khu vực hoạt động trên biển phải an toàn", ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường đề nghị: Tất cả hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 8 cần được quan tâm sát sao. Tổng rà soát lại các phương tiện tàu thuyền nhất là các hoạt động vãng lai để kêu gọi, đưa vào khu vực neo đậu an toàn; Các hoạt động dịch vụ du lịch, nhất là trên đảo, ven bờ đặc biệt lưu ý, không được chủ quan.
"Hoàn lưu bão gây mưa, khả năng mưa đợt này không quá lớn, cần hết sức chú ý vì chưa bao giờ miền Trung mưa tới 3.500mm trong 10 ngày trời. Toàn bộ khu vực Trung Trung Bộ đang bị trương hết nước, núi đồi rất dễ sạt lở. Toàn bộ khu vực hồ ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ cơ bản đầy ắp. Hết sức đề phòng về mức độ an toàn, nếu chủ quan sẽ xuất hiện rủi ro rất lớn. Công tác phục hồi sau bão lũ, sản xuất, môi trường,… phải được tập trung, hoạt động song song với công tác ứng phó. Đề nghị liên tục tăng tần suất dự báo, biên tập dễ nghe, dễ hiểu hơn để người dân hiểu rõ để đề phòng, ứng phó", Bộ trưởng Bộ NN&PTNN yêu cầu.