Chú hổ lập kỷ lục "đi bụi" dài nhất lịch sử nhà Dần: di chuyển hơn 1300km, lý do vì đói và... hứng tình

J.D, Theo Helino 12:15 04/12/2019

Thời gian FA quá lâu mà không tìm ra đối tác phù hợp, cộng thêm cơn đói giày vò có lẽ đã khiến chú hổ này rời xa quê hương để đi tìm miền đất hứa.

Là con người, dù ở thời đại nào thì cũng cần được đáp ứng những nhu cầu cơ bản: được ăn, được ở, và được yêu.

Với các động vật, nhu cầu của chúng được rút lại còn ăn và yêu thôi, nhưng trong thời đại này thì không phải khi nào cũng được đáp ứng. Dưới tác động của con người, hệ sinh thái đang dần co hẹp lại. Các loài vật không những giảm thức ăn, mà số lượng cũng giảm đi, dẫn đến việc đôi lứa chẳng thể tiếp cận đến nhau. Câu chuyện của chú hổ "đi bụi" mới đây là một ví dụ điển hình của vấn đề này.

Chuyện xảy ra ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Tipeshwar - một khu vườn quốc gia tại phía tây của Maharashtra (Ấn Độ). Các chuyên gia tại đây đang rất nỗ lực bảo vệ loài hổ, và họ quyết định theo dõi một đàn hổ bằng vòng cổ phát sóng radio. Trong đàn, có một con hổ đực 2 tuổi rưỡi mang tên C1.

Thế rồi đến một ngày nọ, C1 biến mất. 

Chú hổ lập kỷ lục đi bụi dài nhất lịch sử nhà Dần: di chuyển hơn 1300km, lý do vì đói và... hứng tình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Từ tháng 6/2019, cậu hổ C1 đã rời bỏ mái ấm của mình tại Tipeshwar, bắt đầu cuộc hành trình xuyên quốc gia. Cậu vượt qua nhiều ngôi làng, băng qua nhiều con đường, thung lũng, sông suối. Sau 6 tháng, cậu hổ đi qua 7 quận của bang Maharashtra và Telangana, rồi đặt chân đến Dnyanganga vào ngày 1/12. Tổng cộng, quãng đường cu cậu đã đi dài hơn 1300km.

Nhưng tại sao cậu lại bỏ đi? Lý do cũng không có gì khó hiểu: để đi tìm thức ăn mới, lãnh thổ mới, và một tình yêu mới.

"Hành trình của con hổ có thể là để tìm một địa điểm mới, nơi có thức ăn và một cô hổ cái "ngon lành" hơn đang chờ đợi. Thực ra thì hầu hết các lãnh thổ có hổ tại Ấn Độ đã chật chội rồi, và những con hổ mới sẽ buộc phải đi thám hiểm nhiều hơn," - tiến sĩ Bilal Habib, chuyên gia động vật học tại Viện Động vật hoang dã Ấn Độ cho biết.

Trên hành trình của mình, cậu hổ nhởn nhơ săn lợn rừng và thi thoảng "hack" tạm một ít gia súc của người dân để tiếp năng lượng. Bằng cách nào đó, cu cậu lẩn trốn được người địa phương - có thể nhờ việc lén lút vượt qua các trang trại và luồn lách qua sân sau của người dân. Tuy nhiên tại quận Hingoli, cậu đã có cuộc đụng độ với con người và khiến một anh nông dân bị thương nhẹ.

Chú hổ lập kỷ lục đi bụi dài nhất lịch sử nhà Dần: di chuyển hơn 1300km, lý do vì đói và... hứng tình - Ảnh 2.

Được biết, các loài hổ (Panthera tigris) đều đang bị liệt hạng mục nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế). Hiện tại chỉ có khoảng 2100 - 3100 cá thể hổ còn tồn tại ngoài tự nhiên, sống lẩn trốn trong các khu rừng tại Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số quốc gia khác tại châu Á.

Xét một cách tổng thể, số lượng hổ trên thế giới đang ngày càng giảm đi, nhưng may mắn là tình hình tại Ấn Độ không đến nỗi bi thảm khi chứng kiến dân số của chúng tăng dần trong những năm gần đây. Tháng 7/2019, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố số lượng hổ tại quốc gia này đã tăng thêm 30% - từ 2,226 năm 2014 lên 2967 cá thể vào năm 2018. Một con số rất đáng mừng, dù bị nhiều người cho rằng đã được phóng đại ít nhiều.

Chú hổ lập kỷ lục đi bụi dài nhất lịch sử nhà Dần: di chuyển hơn 1300km, lý do vì đói và... hứng tình - Ảnh 3.

Dĩ nhiên, việc số lượng hổ tăng lên là một tin tốt lành đối với giới bảo tồn động vật, nhưng vô tình mang đến nhiều thách thức. Hổ tăng lên, các thành phố của loài người cũng nở rộng, để rồi tỉ lệ chạm mặt nhau giữa cả 2 ngày càng tăng. Tháng 11/2018, con hổ tên Avni đã bị bắn hạ trong rừng Maharashtra sau 2 năm tấn công con người, gây ra cái chết của 13 người và làm hàng chục nạn nhân khác bị thương.

Quay trở lại với câu chuyện của C1, chuyến đi bụi của cu cậu cũng phần nào cho thấy ảnh hưởng từ môi trường sống gây ra đến phạm vi di cư của loài hổ.

Chú hổ lập kỷ lục đi bụi dài nhất lịch sử nhà Dần: di chuyển hơn 1300km, lý do vì đói và... hứng tình - Ảnh 4.

Hổ Avni bị bắn sau khi tấn công và khiến 13 người thiệt mạng

"Nó cho thấy loài hổ có thể di chuyển ở khoảng cách xa như thế nào, chạm đến cả những khu vực bị con người chiếm đóng, những nơi vốn không có rừng, chỉ để tìm lãnh thổ và bạn tình. Điều này nằm ngoài hiểu biết từ trước đến nay của chúng ta," - Govekar Ravikiran, giám đốc trung tâm Bảo tồn Hổ Pench tại Ấn Độ chia sẻ. 

Tham khảo: IFL Science