Vào năm 2014, Quang Phục Lý, một khu dân cư nằm giữa quận Phổ Đà sầm uất của Thượng Hải, Trung Quốc, từng được xem là “mảnh đất vàng” trong mắt các nhà đầu tư bất động sản. Với vị trí đắc địa, nằm ngay trung tâm một trong những thị trường bất động sản phát triển và đắt đỏ nhất thế giới, nơi đây trở thành mục tiêu săn đón của các nhà phát triển. Tuy nhiên, giấc mơ làm giàu nhanh chóng đã biến thành cơn ác mộng kéo dài hàng thập kỷ bởi sự bế tắc trong quá trình giải tỏa mặt bằng. Nhiều hộ dân ở đây kiên quyết không chịu di dời khỏi những căn nhà cũ kỹ, xuống cấp khiến quá trình quy hoạch, cải tạo gặp vô vàn khó khăn.
Trong số đó, nổi bật là câu chuyện của gia đình ông Giang – người được mệnh danh là chủ nhân của “ngôi nhà đinh đắt đỏ nhất Thượng Hải”. Căn nhà nhỏ chưa đầy 40m2 nhưng lại là tâm điểm của một cuộc tranh chấp gây chấn động dư luận Thượng Hải lúc bấy giờ. Chủ nhân căn nhà yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường số tiền lên tới 100 triệu NDT ( hơn 359 triệu đồng) để phá dỡ ngôi nhà của ông. Một con số không tưởng, ngay cả với một thành phố như Thượng Hải, nơi mà từng tấc đất đều có giá trị lên tới hàng triệu NDT.
Ảnh: Ifeng
Theo tìm hiểu, ngôi nhà này vốn chỉ có diện tích 33,3m². Ban đầu, đó là một căn nhà cấp bốn một tầng, không có gì đặc biệt so với hàng trăm căn nhà xung quanh. Tuy nhiên về sau, ông Giang nghe tin đồn rằng khu vực Quang Phục Lý sẽ bị giải tỏa trong tương lai gần. Với hy vọng nhận được mức đền bù cao hơn, người đàn ông này đã lén lút xây thêm 4 tầng nữa, biến ngôi nhà thành công trình 5 tầng cao chót vót, nổi bật giữa dãy nhà cũ kỹ. Thậm chí, ông Giang còn đưa thêm người thân, họ hàng đến sống chung, với mục đích “phân tách hộ khẩu” để tăng số lượng người được nhận được tiền bồi thường.
Hành động của ông Giang không chỉ khiến chính quyền địa phương đau đầu mà còn khiến nhiều người dân sống quanh đó bức xúc. Nhiều người hàng xóm đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả có thể xảy ra, rằng việc xây dựng trái phép sẽ không được công nhận khi tính toán phương án đền bù. Tuy nhiên ông Giang vẫn phớt lờ mọi lời khuyên, cho rằng với vị trí “vàng” như vậy, chính quyền địa phương buộc phải nhượng bộ vì nhà ông phải được bồi thường 100 triệu NDT mới xứng đáng.
Kết quả, khi khu vực trên được đưa vào diện giải tỏa để cải tạo, căn nhà của ông Giang vẫn chỉ được định giá và bồi thường theo diện tích hợp pháp ban đầu là 33,3m². Toàn bộ phần xây dựng trái phép không được tính vào giá trị bồi thường, khiến tổng số tiền ông nhận được chỉ vào khoảng 2-3 triệu NDT (hơn 7-10 tỷ đồng) – thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Khi biết tin, ông Giang phản ứng rất dữ dội vì cho rằng mình bị đối xử bất công. Dẫu vậy, chính quyền địa phương vẫn giữ vững quan điểm vì hành vi xây dựng trái phép của người đàn ông này không thể được hợp pháp hóa bằng tiền đền bù.
Ảnh: Ifeng
Sau đó, khu vực Quang Phục Lý được cải tạo hoàn chỉnh, giá bất động sản tại đây tăng vọt lên hơn 100.000 NDT/m². Nếu ban đầu ông Giang đồng thuận với phương án đền bù, có thể ông đã được nhận một căn hộ tái định cư giá trị cao hoặc một khoản tiền đền bù hấp dẫn. Nhưng do yêu cầu quá đáng, chủ đầu tư đã bỏ qua ông, dừng toàn bộ đàm phán và tiến hành tái thiết khu vực mà không cần thỏa thuận riêng với gia đình ông.
Câu chuyện về gia đình này nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán trên mạng xã hội Trung Quốc vào thời điểm đó. Nhiều người cho rằng gia chủ có quyền đưa ra mức giá theo mong muốn cá nhân. Tuy nhiên, số đông lại xem đây là minh chứng điển hình cho lòng tham vô độ, sự mù quáng trong tư duy trục lợi. Điều này đã khiến gia chủ phải nhận kết cục “tay trắng” trong khi những người khác đã kịp chuyển mình trong làn sóng đô thị hóa.
Không chỉ gia đình ông Giang, cho đến nay, khu Quang Phục Lý vẫn có nhiều hộ dân không chịu di dời đang sinh sống. Một số hộ dân ở đây hiện đã hối hận về quyết định của mình và muốn thỏa hiệp với chủ đầu tư, tuy nhiên các nhà phát triển hiện không còn muốn xuống tiền vào nơi này nữa.
Theo Ifeng, Chinese herald