Cho con mượn iPhone chơi game, một bác sĩ phải bán xe trả nợ

Huỳnh Phương, Theo Trí Thức Trẻ 06:00 13/07/2021
Chia sẻ

Được biết con trai của vị bác sĩ này đã sử dụng iPhone của bố để mua vật phẩm trong game.

Cụ thể, ông Muhammad Mutaza, 41 tuổi, là một bác sĩ, hiện đang sinh sống và làm việc tại Vương quốc Anh, đã "tá hoả" khi nhận được hoá đơn từ Apple, có giá trị lên đến 1.300 Bảng Anh (tương đương 1.800 USD).

Qua tìm hiểu, ông này phát hiện ra, thủ phạm chính là cậu con trai Ashaz 7 tuổi của mình. Theo đó, sau khi mượn iPhone của bố để chơi game, Ashaz đã thực hiện một loạt các giao dịch mua hàng trong tựa game phiêu lưu hành động Dragons: Rise of Berk do hãng DreamWorks phát hành.

Cho con mượn iPhone 1 tiếng để chơi game, một bác sĩ người Anh phải bán xe để trả nợ - Ảnh 1.

Bác sĩ Muhammad và cậu con trai Ashaz

Ban đầu, bác sĩ Muhammad còn tưởng mình đã bị lừa đảo và tiến hành khiếu nại với Apple nhằm lấy lại khoản tiền đã thanh toán mà không hề biết rằng, trò chơi Dragons: Rise of Berk mà ông tưởng là miễn phí lại có tính năng mua thêm vật phẩm bằng tiền thật ngay bên trong ứng dụng.

Trớ trêu hơn, cậu nhóc 7 tuổi Ashaz đã nhớ được mật khẩu Apple ID của bố mình và tiến hành tổng cộng 29 giao dịch có giá trị từ 1,99-99,99 Bảng Anh. Toàn bộ những giao dịch này đều được gửi biên nhận đến email của Muhammad nhưng ông này đã không hề kiểm tra.

Cho con mượn iPhone 1 tiếng để chơi game, một bác sĩ người Anh phải bán xe để trả nợ - Ảnh 2.

Tuy là một game miễn phí nhưng Dragons: Rise of Berk cho phép người chơi mua thêm vật phẩm trong game

Sau khi khiếu nại lên Apple, vị bác sĩ "đen đủi" của chúng ta đã được "Táo Khuyết" hoàn trả lại 207 Bảng Anh. Do đó, với số nợ khổng lồ còn lại, ông này đã phải bán đi chiếc Toyota Aygo của mình để chi trả. Ông cho biết mình sẽ không chi thêm bất cứ khoản tiền nào cho Apple nữa.

Cho con mượn iPhone 1 tiếng để chơi game, một bác sĩ người Anh phải bán xe để trả nợ - Ảnh 3.

Chiếc Toyota Aygo "xấu số"

Trên thực tế, Apple đã có trang bị trên iPhone rất nhiều tính năng để quản lý trẻ em, trong đó có Ask To Buy hay Hỏi Trước Khi Mua. Khi được kích hoạt, mỗi khi có một giao dịch được thực thi, iPhone sẽ cảnh báo và yêu cầu xác thực từ phụ huynh nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc. Đáng buồn thay, ông Mutaza đã không hề sử dụng tính năng này và dẫn đến sự cố "dở khóc dở cười" trên.

Theo: Dailymail

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày