Chiêu trò lừa đảo xuất hiện tại Myanmar: Những người khốn cùng tiếp tục trở thành nạn nhân sau thảm họa

Phong Lam, Theo thanhnienviet.vn 15:42 15/04/2025
Chia sẻ

Tin giả lan rất nhanh, đặc biệt khi mạng xã hội trở thành nơi đầu tiên người ta tìm đến sau thảm họa.

Theo cảnh báo của các nhà hoạt động kỹ thuật số, những kẻ trục lợi đã ồ ạt tung tin giả và video dàn dựng lên mạng xã hội kể từ sau trận động đất mạnh tàn phá Myanmar hồi tháng trước, lợi dụng sự hỗn loạn để kiếm tiền từ các nội dung giật gân có thể mang về hàng chục nghìn USD (khoảng 500 triệu đồng cho đến 2,5 tỷ đồng) tiền quảng cáo.

Từ hình ảnh gây sốc lan truyền nhanh chóng đến các câu chuyện cứu hộ bịa đặt, những chiêu trò này khai thác nỗi sợ hãi và cơn khát thông tin thường bùng lên sau các thảm họa.

“Mọi người cần hiểu rằng có rất nhiều thông tin sai lệch đang lan truyền. Họ nên ý thức rằng có người đang kiếm tiền từ việc tung tin giả,” ông Darrell West, chuyên gia nghiên cứu công nghệ tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định.

Tổ chức cơ sở Digital Insight Lab là đơn vị vận hành các trang Facebook nhằm chống lại thông tin sai lệch và ngôn từ thù ghét tại Myanmar. Nhóm này cho biết họ đã phát hiện nhiều bài đăng lan truyền hình ảnh được cho là thiệt hại do động đất. Tuy nhiên, thực chất đó là video quay tại Syria và Malaysia, hoặc thậm chí được tạo ra hoàn toàn bởi trí tuệ nhân tạo.

“Nhiều nội dung kiểu này sử dụng lại ảnh và video từ những sự kiện không liên quan trước đây, trong khi một số khác lại dùng công nghệ AI để tạo ra những câu chuyện hoàn toàn hư cấu”, một nhân viên nghiên cứu có bí danh là Windy cho biết.

Chiêu trò lừa đảo xuất hiện tại Myanmar: Những người khốn cùng tiếp tục trở thành nạn nhân sau thảm họa- Ảnh 1.

Người dân đứng chờ bên vệ đường để nhận hàng cứu trợ sau trận động đất mạnh, tại Mandalay vào ngày 03/04

Thông tin sai lệch và tin giả thường xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội sau các thảm họa, theo cảnh báo từ các chuyên gia công nghệ số. Dù là hình ảnh chú thích sai, video dàn dựng hay những câu chuyện bịa đặt về công tác cứu hộ, tất cả đều có thể gây tác động tiêu cực.

“Khi xuất hiện thông tin sai lệch, nó có thể khiến người dân hoảng loạn, chậm trễ sơ tán. Nó làm suy giảm niềm tin vào lực lượng cứu hộ và cũng gây xao nhãng nghiêm trọng”, bà Jeanette Elsworth, trưởng bộ phận truyền thông của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai (UNDRR), nhận định.

Sau cơn bão Helene tàn phá một số khu vực ở Mỹ năm ngoái, mạng xã hội lan truyền tin đồn sai sự thật rằng chính phủ đã chuyển tiền cứu trợ liên bang cho người nhập cư trái phép.

Khi trận động đất lớn xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria năm 2023, khiến hơn 51.000 người thiệt mạng, những kẻ trục lợi đã đăng tải các video cũ ghi lại sóng thần tại Nhật Bản và Greenland, rồi tuyên bố đó là cảnh quay trực tiếp từ vùng thảm họa mới.

“Hiện nay môi trường mạng gần như ‘vô luật’. Ai cũng có thể đăng bất kỳ nội dung gì mà không bị kiểm soát. Luật pháp còn rất ít quy định rõ ràng về nội dung trực tuyến, trong khi các công ty công nghệ lại chưa thực sự có biện pháp bảo vệ người dùng”, ông West từ Viện Brookings nhận xét.

Tin giả cũng sinh lời

Theo nhóm nghiên cứu chính sách công nghệ What To Fix, các nền tảng mạng xã hội và người tạo nội dung đã thu về hơn 20 tỷ USD từ doanh thu quảng cáo trong năm 2024.

Người sáng lập tổ chức, bà Victoire Rio - từng nghiên cứu về tin giả tại Myanmar - cho biết: Người làm nội dung sử dụng các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok để chia sẻ doanh thu từ quảng cáo hiển thị kèm bài đăng của họ.

Mô hình này khuyến khích họ tạo ra những bài viết có khả năng lan truyền mạnh, dù thông tin có thể sai lệch hoặc do AI tạo ra. Càng có nhiều lượt xem và chia sẻ, họ càng kiếm được nhiều tiền.

Dù khó xác định con số chính xác, Rio cho biết từng có trường hợp những kẻ trục lợi kiếm được hàng chục nghìn USD trong các cuộc khủng hoảng trước đây.

Chiêu trò lừa đảo xuất hiện tại Myanmar: Những người khốn cùng tiếp tục trở thành nạn nhân sau thảm họa- Ảnh 2.

Một chiếc xe tải đậu cạnh đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy ở Mandalay vào ngày 02/04, 5 ngày sau khi trận động đất lớn xảy ra tại miền trung Myanmar

Một nghiên cứu năm 2021 của công ty kiểm tra thông tin NewsGuard và hãng phân tích Comscore cho thấy, các trang web phát tán tin giả có thể thu về tới 2,6 tỷ USD mỗi năm từ quảng cáo kỹ thuật số.

Theo tổ chức What To Fix, Meta - công ty sở hữu Facebook và Instagram - hiện chiếm hơn 60% thị phần quảng cáo mạng xã hội và có hơn 3,1 triệu tài khoản sáng tạo nội dung vào năm 2024, tăng 55% so với năm trước.

“Trong bối cảnh hiện tại ở Myanmar, phần lớn thông tin sai lệch lan truyền trên mạng đều xuất phát từ mục đích kiếm tiền”, bà Victoire Rio nhận định.

Meta cho biết họ đã gỡ bỏ các bài đăng vi phạm chính sách, hợp tác với các đối tác để xác minh thông tin sai lệch và đẩy các nội dung này xuống cuối bảng tin “để ít người nhìn thấy hơn”.

Tuy nhiên, hồi tháng 1, Meta đã dừng chương trình kiểm chứng thông tin tại Mỹ và chuyển hướng cách tiếp cận đối với nội dung chính trị.

TikTok cho biết nền tảng này cấm các nội dung gây hiểu lầm và sai sự thật. Sau trận động đất ở Myanmar, TikTok chủ động gỡ bỏ nhiều bài đăng không chính xác và hướng người dùng đến các nguồn thông tin đáng tin cậy. Nền tảng này nói thêm rằng họ có đội ngũ kiểm duyệt và đối tác xác minh thông tin hoạt động bằng hơn 50 ngôn ngữ.

Rio cho biết việc Myanmar thường xuyên bị ngắt kết nối internet cũng khiến tình trạng tin giả lan nhanh hơn.

“Có một cộng đồng lớn người Myanmar ở nước ngoài đang cố gắng tìm thông tin thông qua Facebook. Những người này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả vì họ đang tuyệt vọng đi tìm sự thật”, Rio nói.

Bà Htaike Htaike Aung - Giám đốc Dự án Internet Myanmar, đơn vị theo dõi tình trạng cắt mạng tại nước này - cảnh báo rằng điều đó đang khiến mạng sống bị đe dọa.

“Do tính chất giật gân và cách thuật toán mạng xã hội hoạt động, các bài đăng giả thường xuất hiện ở đầu bảng tin, khiến việc tiếp cận thông tin chính xác trở nên khó khăn hơn”, bà Aung cho biết.

“Điều này đang cản trở nỗ lực cứu trợ. Trong thời điểm này, quyền tiếp cận thông tin chính xác chính là vấn đề sống còn”.

Chiêu trò lừa đảo xuất hiện tại Myanmar: Những người khốn cùng tiếp tục trở thành nạn nhân sau thảm họa- Ảnh 3.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường một tòa nhà bị sập ở Mandalay ngày 30/3

Cách giảm thiểu rủi ro

Eliska Pirkova, nhà phân tích chính sách cấp cao tại tổ chức bảo vệ quyền kỹ thuật số Access Now, cho rằng các nền tảng mạng xã hội cần chủ động hơn trong việc ngăn chặn tin giả, thay vì chỉ dựa vào các nhóm cộng đồng báo cáo sau khi nội dung đã lan truyền.

“Thông tin luôn là sợi dây cứu sinh, đặc biệt trong thời điểm khủng hoảng. Vì vậy, các nền tảng cần có trách nhiệm cao hơn trong việc rà soát và kiểm soát nội dung”, bà nói.

“Các tổ chức xã hội dân sự địa phương thường phải gánh vác việc phát hiện và cảnh báo các trường hợp vi phạm. Trong khi đó, nguồn lực của họ vốn đã vô cùng hạn chế vì còn phải xử lý khủng hoảng thực địa”.

Chính phủ cũng được kêu gọi vào cuộc quyết liệt hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ dựa vào các nền tảng công nghệ hay chính sách quản lý là chưa đủ để giải quyết vấn đề tin giả. Các tổ chức xã hội, truyền thông và cộng đồng đều cần chung tay.

“Mọi người đều cần tham gia. Quan trọng là trao quyền để mỗi cá nhân có thể chủ động hành động”, Eliska Pirkova nhấn mạnh.

Nguồn: The Japan Times

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày