Thành thật với nhau một chút nhé: Bạn bỏ qua cơ hội vào làm ở các công ty phát lương đều đặn mỗi tháng để ra đời khởi nghiệp bất chấp có thể lỗ sấp mặt, để làm gì?
Thực tế mà nói, ngoài việc theo đuổi đam mê thì khởi nghiệp cũng là một cách để kiếm tiền.
Bên cạnh lựa chọn làm công ty hay khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp ĐH, thì cũng có một bài toán hóc búa không kém được đặt ra với những người trẻ từ quê lên thành phố và muốn bám trụ lại nơi đây: Với đồng lương hơn 10 triệu đồng/tháng thì tích góp ki cóp đến bao giờ mới đủ tiền tỷ để mua nhà thủ đô, mua xe, cưới vợ, sinh con đây?
Nhiều người cùng có một câu hỏi song có người ngẫm nghĩ một hồi rồi thở ra cái xì, quyết định đi ngủ mai lại xách cặp đến công ty làm tiếp việc của ngày hôm qua. Có người bạo dạn rẽ lối.
Trương Văn Cường CEO Kohi Việt Nam là một chàng trai bạo dạn. Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội, Cường khởi nghiệp bằng một loạt nghề. Mục tiêu ban đầu của cậu là có tiền mua được nhà Hà Nội trong thời gian ngắn nhất. Từ cái mục tiêu ngỡ như rất bình thường ấy, Cường đã đi xa hơn suy nghĩ ban đầu của mình rất nhiều.
Tốt nghiệp năm 2013 đến năm 2018, Cường trở thành CEO của startup ứng dụng Học tiếng Nhật cùng Kohi Việt Nam với hơn 200.000 người đang sử dụng, quản lý 3 trung tâm tiếng Nhật tại Hà Hội và sắp sửa khai trương chi nhánh mới ở Sài Gòn. Dĩ nhiên, Cường đã mua được nhà Hà Nội như mơ ước, bắt đầu dư dả để du lịch, đầu tư…Thú vị hơn cả, Cường vừa gọi được 5 tỷ đồng vốn cho công ty từ Shark Khoa chỉ sau 15 phút gặp doanh nhân này trong một cuộc thi về khởi nghiệp.
Trong 5 năm ấy, chuyện gì đã xảy ra? Cường đã giải bài toán hóc búa của riêng mình như thế nào?
Khởi nghiệp hẳn không phải là lựa chọn dành cho những kẻ mộng mơ. Vì:
Không có vốn, khởi nghiệp kiểu gì đây? Không có chỗ dựa là gia đình dày truyền thống kinh doanh, khởi nghiệp kiểu gì đây? Không có kiến thức ở những lĩnh vực ngoài chuyên ngành được dạy ở trường ĐH, khởi nghiệp kiểu gì đây?
Vậy mà, Cường vẫn khởi nghiệp được, theo cách của riêng mình. Cậu nói: "Tôi thực tế lắm, kinh doanh là phải có lãi. Để có lãi, mọi thứ cần được tính toán kỹ lưỡng. Mẹ tôi nói, làm việc gì cũng cần bắt đầu từ cái nhỏ sau đó mới tiến lên làm cái lớn hơn. Tôi cũng bắt đầu những việc nhỏ nhặt nhất...".
Cường dành 1 tháng sau khi tốt nghiệp ĐH chỉ để quan sát cách mà thế giới cậu sống vận hành. Cậu xem những ông chủ bà chủ ngoài kia đang làm gì để thu về bộn tiền một ngày. Có hôm, Cường ngồi ở 1 quán cafe từ sáng đến chiều để đếm xem có tất cả bao nhiêu người khách đến quán tiêu tiền và nhẩm tính doanh thu.
Sau 1 tháng, Cường mở 1 quán cà phê cho mình.
Để có tiền mở quán cafe, Cường đem bán hết xe máy, laptop, điện thoại di động thu về được hơn 40 triệu. Khi hỏi Cường lúc cầm tiền đổi được từ những thứ tài sản thiết yếu với cuộc sống ấy để đầu tư mở quán cafe, có sợ thua lỗ không? Cậu đáp ngay: "Nếu khi đó mất hết tất cả, tôi vẫn còn tuổi trẻ phía trước mà. Với cả, được thì ăn cả ngã thì về… đi làm công ăn lương!".
Ơn trời, quán cà phê kinh doanh được. Cường nhanh chóng lấy lại vốn và lời mỗi tháng mấy chục triệu đồng nhưng đổi lại cậu phải quán xuyến cả việc quản lý nhân viên lẫn lăn ra pha cà phê phục vụ khách. Số giờ ở quán làm ông chủ kiêm phục vụ còn nhiều hơn thời gian Cường nằm trên giường.
Cực quá, chuyển nghề!
Cậu bắt tay vào lĩnh vực cho thuê nhà trọ dù chẳng có lấy 1 căn nhà ở Hà Nội. Mô hình kinh doanh của chàng trai hai mấy tuổi đầu hoạt động theo hình thức đi thuê nhà của người có nhà, bỏ tiền ra sửa sang rồi lại tiếp tục cho người khác thuê lại. Đồng tiền xoay vần, lãi tự khắc chảy vào túi Cường.
Dù là người cẩn trọng song Cường vẫn có lúc bước hụt trong lĩnh vực mới này. Có lần tin tưởng khách hàng nên Cường là không lấy tiền cọc. Hậu quả, khách hàng ở xong bùng tiền nhà "khoắn" cả đồ nội thất cao chạy xa bay. Sau lần đó, Cường tỉnh cả người.
Giờ thì cậu quả quyết: "Người cầm tiền là người thắng cuộc ". Không bao giờ Cường để mình vào thế đưa tiền của mình cho người khác nắm. Đó cũng là một trong những bài học kinh doanh mà cậu bạn gom góp được trong suốt quãng thời gian lăn lóc khởi nghiệp.
Không thể phủ nhận rằng điều khiến Cường đi nhanh trên con đường khởi nghiệp (với nhiều ngành nghề) chính là sự lanh lợi và thức thời của cậu. Năm 2016 có một câu chuyện thể hiện rõ sự thức thời này của chàng trai quê Thanh Hóa.
Cường đi học tiếng Nhật theo mong muốn của gia đình là kiếm một công việc văn phòng ổn định. Đến lớp học 2 buổi thì Cường ngồi không yên khi thấy người quản lý trung tâm thu của học viên hàng chục triệu đồng mỗi đêm.
"Vì sao mình đến đây nộp tiền cho họ trong khi nhìn thấy cơ hội kiếm tiền rất tốt? Đầu tư vào giáo dục cũng hấp dẫn đấy chứ?", nghĩ vậy, Cường ôm hết số vốn có được từ việc cho thuê nhà trọ để đầu tư xây dựng trung tâm tiếng Nhật của chính mình - Trung tâm đào tạo tiếng Nhật Kohi Việt Nam. Từ một học viên, Cường biến thành ông chủ. Năm đó, Cường mới 26 tuổi.
Không phải là thiên tài cái gì cũng biết song những năm tháng ngồi trên giảng đường Bách Khoa đã rèn cho Cường lối tư duy vận hành hệ thống và quản lý chuỗi cực tốt. Cái gì không biết/không giỏi - Cường không tiếc bỏ tiền thuê người giỏi về giúp mình. Cậu nói mình thích đóng vai trò là người ngoài cuộc để có cái nhìn bao quát trong quản lý hơn là việc gì cũng xắn tay áo xông vào giải quyết.
Kiến thức quản lý chuỗi được Cường áp dụng cực tốt trong việc quản lý trung tâm của mình. Tuy nhiên, chuyện kinh doanh giáo dục chẳng giống như đi bán cà phê hay môi giới cho thuê nhà trò. Nó là một lĩnh vực mới và rất khác!
Tiền tích luỹ từ việc cho thuê trọ đắp hết vào trung tâm dạy tiếng Nhật, trong khi trung tâm vẫn chưa mang về giá trị tương xứng khiến Cường rơi vào khủng hoảng tài chính.
"Có lúc, để có tiền trả lương cho nhân viên tôi đã đi cắm sổ hộ khẩu và bằng đại học. Tôi hiểu được cảm giác của người đi làm trông chờ đồng lương mỗi cuối tháng nên không thể để họ thất vọng về mình được", suy nghĩ chín chắn của CEO khi đó mới chỉ 25 tuổi.
Cái khó ló cái khôn, Cường nảy ra ý định cho thuê phòng học trống tại trung tâm của mình. Đối tượng của cậu là các cô giáo cấp 2,3 cần phòng dạy học. Giá thuê phòng dạy học là 70k/giờ. Chẳng mấy chốc, bài toán về tiền được Cường giải xong: Tiền cho thuê phòng học trống vừa đủ bằng tiền Cương trả lương cho nhân viên, nuôi công ty.
Có tiền nuôi nhân viên rồi, bài toán tiếp theo thách thức Cường: Thu hút học viên đến trung tâm tiếng Nhật như thế nào?
"Tôi nghĩ một trong những hạn chế của giáo dục hiện nay chính là cung cấp kiến thức cho người học nhưng không giúp họ giải quyết được vấn đề việc làm sau khi học xong - tức là đầu ra có vấn đề. Nhiều người trẻ học xong, cầm bằng cấp trên tay vẫn thất nghiệp. Tôi kinh doanh về giáo dục và muốn tìm một hướng đi mới mẻ trên thị trường.
Kohi Việt Nam không chỉ là một trung tâm dạy tiếng Nhật có 3 cơ sở ở Hà Nội lúc nào cũng đông nghịt học viên. Nó còn có mặt trên ứng dụng di động giúp học viên có thể theo dõi lại những bài học mà mình đã bỏ lỡ trên lớp. Ứng dụng học tiếng Nhật Kohi Việt Nam trên di động còn giúp bạn đặt lịch học, làm bài thi, mua các gói học tiếng Nhật, đánh giá chất lượng giáo viên tại trung tâm theo thang điểm chấm sao như đi Grab. Và hơn cả, app Kohi Việt Nam có thể giúp bạn tìm kiếm việc làm sau khi hoàn thành 1 chứng chỉ tiếng Nhật. Tôi như chiếc cầu nối giúp những học viên của mình tìm thấy cơ hội nghề nghiệp phù hợp quanh họ sau khi đã học xong. Đó là điều làm trung tâm của tôi trở nên khác biệt và ngày càng thu hút thêm nhiều học viên mới".
Như vậy, Cường đã tìm ra một hướng rẽ mới cho mình. Cậu kinh doanh về giáo dục và không dừng lại ở việc đào tạo con người. Cậu xây dựng mô hình học và làm theo một quy trình khép kín đầy thực tế: Đến trung tâm/học qua app để thu nạp kiến thức - Rèn luyện kỹ năng - Có việc làm.
Sau 2 năm thử sức ở lĩnh vực giáo dục, app "Học tiếng Nhật cùng Kohi" của Cường đã thu hút hơn 200.000 lượt tải và trở thành app giáo dục được ưa chuộng khiến đội ngũ sáng tạo cũng phải ngạc nhiên. Tham vọng của Cường là đến cuối năm 2019, con số này sẽ là 1 triệu lượt tải.
Đặt tham vọng cao song Cường không phải là người ảo tưởng trong kinh doanh. Cậu có những mục tiêu và cách tiếp cận rõ ràng để biến những mục tiêu khó thành sự thật.
Trong năm nay, Cường tham gia một cuộc thi dành cho các startup tên: "Việt Nam Startup Wheel". Trung tâm của Cường lọt vào top 10 những doanh nghiệp trẻ triển vọng. Cuộc thi đã mang đến cho Cường cơ hội gặp và nói chuyện với Shark Khoa (Lê Đăng Khoa - doanh nhân trẻ rất nổi trong lĩnh vực khởi nghiệp và đầu tư hiện nay, được biết đến nhiều hơn qua chương trình gọi vốn Shark Tank.
Cường chỉ có vỏn vẹn 15 phút để giới thiệu với Shark Khoa về mô hình kinh doanh mình đang có và mong muốn nhận được mức đầu tư 10 tỷ cho 40% cổ phần công ty. Sau 15 phút, Cường gật đầu nhận 5 tỷ đồng cho 40% cổ phần công ty với điều kiện Shark Khoa sẽ giúp mình xây dựng Kohi thành một thương hiệu đào tạo tiếng Nhật hàng đầu Việt Nam trong giảng dạy lẫn phát triển việc học trực tuyến trên app Kohi.
"Em thành công thì anh có 40% trong thành công đó của em. Vì thế, anh càng muốn em thành công hơn", Shark Khoa bắt tay Cường và nói sau thương vụ 15 phút.
1 tháng sau buổi gặp mặt chớp nhoáng ấy, Cường nhận được 5 tỷ từ Shark Khoa và chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cậu sẽ khai trương trung tâm dạy tiếng Nhật Kohi Việt Nam ở Sài Gòn.
Nhiều người nói Cường đã thành công khi trở thành CEO và thấy tương lai rõ ràng của mình ở phía trước. Song, cậu lại nghĩ: "Tôi chưa thấy mình thành công. Thành công với tôi ngoài việc có tiền thì còn cần có cả một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống tinh thần đủ đầy, người thân khoẻ mạnh… Tôi vẫn đang trên hành trình tìm kiếm và gom nhặt những điều đó".
5 năm trước, Cường làm đủ nghề mà cậu nghĩ mình có khả năng để kiếm tiền với mơ ước mua nhà Hà Nội. Cậu đã làm được điều đó ở năm thứ 2 sau khi tốt nghiệp ĐH. Cường chẳng ngại nói rằng:"Tôi là người mê kiếm tiền". Vậy bây giờ khi đã có tiền rồi, cậu dùng tiền để làm gì?
Tôi đi du lịch. Đi tới đâu tôi cũng xem người sống ở đó kinh doanh cái gì như thế nào để học hỏi.
Tôi gặp bạn bè và lắng nghe những ý tưởng kinh doanh từ họ. Tôi đã từng khởi nghiệp khi không có nhiều vốn, nay tôi có tiền rồi tôi sẽ cho bạn bè mình mượn để làm ăn. Tôi gọi đó là đầu tư và giúp bạn.
Mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Với Cường chặng đường vừa qua mới chỉ là một bước đệm cho những thành công của cậu sau này. Vẫn còn nụ cười hiền hậu, gương mặt điển trai và cái tâm trong sáng - Cường sẽ còn tiến xa trên con đường kiếm tiền và dùng nó làm công cụ mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, gia đình, xã hội.