Adele D. Haimovic, bác sĩ da liễu kiêm phó giáo sư tại Trung tâm Y tế Langone trực thuộc Đại học New York cho biết, mụn nấm là một loại nhiễm trùng hình thành trong các nang lông và bắt nguồn từ sự phát triển quá mức của một loại nấm mang tên Malassezia furfur. Bạn có thể dễ dàng phát hiện chúng trên lưng, ngực và cánh tay, hiếm khi xuất hiện ở mặt.
Dù là một loại nấm xuất hiện tự nhiên trên da, Malassezia furfur phát triển quá mức có thể gây mụn. Rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có thói quen mặc quần áo ướt đẫm mồ hôi quá lâu, dùng thuốc như thuốc kháng sinh hoặc sống trong môi trường ấm và ẩm ướt khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
Làm thế nào để phân biệt mụn nấm với mụn thông thường?
Mặc quần áo chật, không thoáng khí thường góp phần khiến mụn bùng phát dữ dội
Trên thực tế, theo bác sĩ Adele, mụn nấm thường bị nhầm lẫn với mụn trứng cá do chúng tạo ra những nốt mụn nhỏ và đồng đều trên mặt. Tuy nhiên, bạn có thể phân biệt hai loại mụn này nhờ ngứa. Nhiều người bị mụn nấm cảm thấy rất ngứa và sưng tấy. Nếu bạn không chắc chắn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu. Điều quan trọng nhất vẫn là xác định chính xác loại mụn bản thân đang phải đối mặt và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Cần làm gì để điều trị mụn nấm?
Vì loại mụn này bắt nguồn từ sự phát triển quá mức của nấm, bạn nên sử dụng một số loại thuốc chống nấm không kê đơn hoặc kê đơn từ bác sĩ
Bác sĩ Adele khuyên, mọi người nên tìm tới những loại thuốc chứa các thành phần như ketoconazole, econazole nitrate hoặc clotrimazole.
Thông thường, sử dụng thuốc bôi sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, loại thuốc này lại không thể kiểm soát mụn nấm khi chúng đã trở nên nghiêm trọng và dai dẳng. Vì vậy, nếu nhận thấy việc dùng thuốc bôi ngoài da không phù hợp hoặc hiệu quả, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được kê thuốc uống.
Dầu gội trị gàu có chứa kẽm pyrithione hoặc selen sulfide cũng góp phần chống lại mụn nấm. Bạn có thể sử dụng những sản phẩm này như một chất tẩy rửa để vệ sinh vùng da chịu ảnh hưởng do mụn khi tắm.
Do mụn nấm dễ bị nhầm lẫn với mụn do vi khuẩn gây ra, nhiều người có xu hướng sử dụng các loại kem và sữa rửa mặt thông thường ở hiệu thuốc. Các chuyên gia cảnh báo không nên làm điều này nếu biết bản thân đang mắc mụn nấm vì những sản phẩm không chuyên dụng có khả năng khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Bác sĩ Adele giải thích, chúng không có hiệu quả để chống lại mụn do sự phát triển quá mức của nấm gây ra.
Liệu có cách ngăn ngừa mụn nấm?
Nếu mụn nấm không được kiểm soát sau khoảng ba tuần kể từ khi bùng phát, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn
Bác sĩ Adele cho biết, một số nguyên nhân phổ biến gây ra mụn nấm như mặc quần áo thể dục quá lâu có thể dễ dàng được khắc phục bằng cách chọn quần áo rộng rãi và tắm rửa thường xuyên sau khi vận động cường độ mạnh.
Dưỡng ẩm là yếu tố cũng rất quan trọng, đặc biệt nếu bạn sở hữu làn da khô và da dầu. Do đó, hãy dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên và tránh lựa chọn loại có hương thơm để không gây kích ứng da.
Ngoài ra, thuốc kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn trên da, tạo môi trường phù hợp cho nấm phát triển. Do vậy, bạn hãy tránh dùng loại thuốc này nếu có thể. Bác sĩ Adele khuyên, không dùng thuốc kháng sinh khi mắc bệnh do virus gây ra như cảm lạnh hoặc cúm vì chúng sẽ không đem lại hiệu quả. Nói chung, mụn nấm dễ bị nhầm lẫn với mụn trứng cá và các phương pháp điều trị hai tình trạng này rất khác nhau. Thay vì sử dụng kem chống mụn không kê đơn, bạn có thể cần bôi thuốc kháng nấm tại chỗ.
Thật không may, mụn nấm hoàn toàn có khả năng tái phát, đặc biệt là ngay sau khi khỏi hẳn. Một số yếu tố như kháng thuốc, chuyển mùa và thay đổi thói quen sống đều có thể góp phần khiến cho mụn bùng phát trở lại.
Nếu bạn không biết mụn nấm xuất phát do đâu hoặc lần đầu tiên phải đối mặt với tình trạng này, hãy đến gặp các chuyên gia da liễu để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị thích hợp.
(Nguồn: Womenshealthmag)