Cô Trương (sống tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc) là một người yêu thích mua sắm qua mạng. Vào tháng 11 năm 2018, cô đã chi 4.500 NDT (khoảng 15 triệu đồng) để mua một chiếc dây chuyền trên mạng rồi tặng cho bạn trai làm quà sinh nhật. Không lâu sau, Trương chia tay với bạn trai. Sau khi đòi lại sợi dây chuyền, cô rời Thiên Tân để chuyển đến một thành phố khác sinh sống.
Đến tháng 5 năm 2020, cô Trương vô tình xem được quảng cáo về mẫu dây chuyền giống với chiếc từng mua vào năm 2018 trên nền tảng WeChat. Thấy chiếc vòng này quá tinh xảo và độc đáo, cô đã liên hệ với người bán để đặt mua với giá 9.500 NDT (khoảng 33 triệu đồng).
Sau khoảng 1 tuần chờ đợi, cô Trương cuối cùng cũng có thể cầm trên tay mẫu dây chuyền mà bản thân yêu thích. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau đó, cô đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vì có liên quan đến một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm. Lúc này, cô Trương mới biết 2 chiếc dây chuyền mà bản thân đã mua đều được làm từ sừng của 2 loài vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. Đó là chim hồng hoàng mũ cát và tê giác.
Trước đó, Cục chống buôn lậu Hải quan Côn Minh (Trung Quốc) đã nhận được manh mối về một đường dây mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều sản phẩm trang sức từ những loài động vật quý hiếm này được bán trên các nền tảng trực tuyến như WeChat. Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện cô Trương có liên quan đến hoạt động trái phép này.
Tại Trung Quốc, sừng của hồng hoàng mũ cát và tế giác thường được dùng để chạm khắc các tác phẩm có giá trị cao. Do bị săn bắt trong thời gian dài nên 2 loài vật này được liệt kê vào danh sách động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Cũng bởi hiếm có nên các sản phẩm làm từ sừng của hồng hoàng mũ cát và tê giác được bán với giá trị rất cao. Theo đó, sừng của chim hồng hoàng mũ cát hiện đã lên đến khoảng 6.150 USD/ kg - tức đắt gấp 3 lần ngà voi.
Trong trường hợp này, tòa án nhận thấy khi đặt mua 2 chiếc dây chuyền được làm từ sừng chim hồng hoàng mũ cát và tê giác, cô Trương không hề biết rằng đó là 2 loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Xét về mặt chủ quan, cô Trương không có ý định thu mua, vận chuyển, bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm và các sản phẩm liên quan.
Tuy nhiên, hành vi của cô Trương đã vi phạm quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc. Mặc dù cô Trương không có ý định phạm tội cố ý thu mua, vận chuyển hoặc bán trái phép động vật hoang dã, tuy nhiên cô cũng không hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ và không xem xét tính hợp pháp cũng như nguồn gốc của những sản phẩm đã mua. Bên cạnh đó, cô Trương cũng không tham khảo ý kiến của các bộ phận hoặc chuyên gia liên quan và không tuân thủ các quy định, thủ tục pháp lý liên quan. Vì vậy, cô Trương phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, tòa đã kết án cô Trương 10 năm tù và nộp phạt số tiền 460.000 NDT (khoảng 1,6 tỷ đồng), trong đó bao gồm 100.000 NDT vì hành vi gây nguy hiểm cho động vật hoang dã quý hiếm và 360.000 NDT vì hành vi gây tổn thất tài nguyên sinh thái.
Theo Toutiao