Châu Á từ hình mẫu chống dịch đến việc bị tụt hậu trong cuộc đua vaccine Covid-19

Kiều Anh, Theo VOV 20:21 27/05/2021

Dẫn đầu thế giới về khả năng thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nhưng châu Á lại đang bị tụt lại trong chiến dịch tiêm vaccine.

Cho tới cuối năm ngoái, châu Á vẫn dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Một số quốc gia thậm chí đã đưa số ca mắc tiến gần về con số 0. Trong số những nơi mà virus SARS-CoV-2 "càn quét" qua, hầu hết các nước châu Á đều có thể xoay xở với rất ít sự gián đoạn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với châu Âu hay Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 2/12/2020, vaccine của Pfizer/BioNTech lần đầu tiên được thông qua ở Anh và kể từ đó, tình hình đã thay đổi. Anh đủ khả năng cung cấp 91 liều vaccine trên 100 người, Mỹ có thể cung cấp 86 liều vaccine trên 100 người trong khi con số này ở EU là 50. Trái lại, vào thời điểm đó, Trung Quốc cung cấp được 37 liều vaccine trên 100 người trong khi con số này ở Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là 14, 11 và 7. Dẫn đầu thế giới về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nhưng châu Á lại đang bị tụt lại trong chiến dịch tiêm vaccine.

Tình hình thậm chí trở nên tồi tệ hơn khi khả năng kiểm soát virus SARS-CoV-2 của châu Á bắt đầu giảm dần. Đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Ấn Độ hiện nay là đợt bùng phát tồi tệ nhất thế giới. Covid-19 cũng đang tăng trở lại ở Đài Loan (Trung Quốc) với hàng trăm ca mỗi ngày. Hầu hết các thành phố lớn của Nhật Bản đều đặt trong tình trạng khẩn cấp. Thái Lan cũng đang trải qua đợt bùng phát tồi tệ nhất cho tới nay. Điều này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người.

Dịch bệnh ở châu Á cũng gây tác động lớn đến thế giới và nền kinh tế của châu lục này. Trong khi châu Á vẫn đối mặt với dịch bệnh lan rộng, các quốc gia không thể nối lại hoàn toàn các hoạt động đi lại quốc tế. Thế Vận Hội mùa hè ở Nhật Bản cũng đặt trong các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong khi bản thân sự kiện đang vấp phải sự phản đối từ phần lớn người dân nước này.

Rõ ràng, châu Á cần thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine nhưng nói thì luôn dễ hơn làm bởi những thắng lợi trong việc kiểm soát y tế công cộng lại có liên quan trực tiếp đến sự chậm chạp trong chiến dịch tiêm vaccine hiện nay. Vì không phải trải qua những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và tình trạng quá tải ở các bệnh viện trước đó nên các nước châu Á không đặt cược quá quyết liệt vào việc phát triển và thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm.

Trong suốt đại dịch, châu Á đã thể hiện năng lực của mình trong lĩnh vực y tế công cộng nhưng hiện nay là thời điểm để châu lục này vận dụng các kỹ năng đó vào việc lên kế hoạch và thúc đẩy các chiến dịch tiêm vaccine nhanh nhất có thể.