Chiêu trò lừa đảo ngay trong ngân hàng
Nữ nhân viên Tây Vệ công tác tại một ngân hàng ở Trịnh Châu (Trung Quốc) từ năm 2004 với mức lương khoảng 6.000 NDT (21 triệu đồng). Sau khi làm việc 5 năm và nhận được tín nhiệm từ khách hàng, Tây Vệ bắt đầu làm giả con dấu của ngân hàng để tạo ra một loạt hợp đồng mua sản phẩm tài chính giả. Cô đã lôi kéo khách hàng đầu tư với lời hứa hấp dẫn như “bảo đảm tiền gốc và lãi, lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm, giao dịch an toàn”.
Từ năm 2009 đến 2022, Tây Vệ đã lừa 31 người với tổng số tiền thu về hơn 160 triệu NDT (hơn 585 tỷ đồng). Trong số này, nhiều khách hàng chỉ thu lại được một phần tiền lãi trong giai đoạn đầu, sau đó không thể nhận lợi nhuận như lời hứa hẹn của Tây Vệ.
Một trong những yếu tố khiến nhiều người “sập bẫy” Tây Vệ là việc các cuộc gặp đều diễn ra trong phòng giao dịch chính thức của ngân hàng. Thậm chí, các hợp đồng giả được in bằng máy tính của ngân hàng, có dấu đỏ rõ ràng, khiến khách hàng hoàn toàn không nghi ngờ.
Ảnh minh hoạ
Một nạn nhân họ Chu cho biết vợ ông từng được chính Tây Vệ trực tiếp tư vấn tại phòng giao dịch của chi nhánh. Sau khi một sản phẩm tài chính trước đó đáo hạn, Tây Vệ chủ động liên hệ và giới thiệu các gói đầu tư mới hấp dẫn. Cảm giác an toàn trong không gian ngân hàng đã khiến vợ chồng ông Chu ký hợp đồng chuyển 8,55 triệu NDT (hơn 31 tỷ đồng) vào tài khoản do Tây Vệ chỉ định.
Người đầu tiên phát hiện hành vi gian lận của Tây Vệ là ông Giang, một khách hàng đã bị lừa 4 triệu NDT (khoảng 14,6 tỷ đồng). Khi không nhận được khoản lãi mong muốn, ông nghi ngờ và chất vấn Tây Vệ nhưng nữ nhân viên không đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Vị khách này sau đó đã báo cảnh sát địa phương về hành vi của Tây Vệ.
Dùng tiền lừa đảo chi cho sở thích cá nhân
Ban đầu, Tây Vệ chỉ thừa nhận đã lừa ông Giang và đe dọa rằng nếu báo cảnh sát, ông sẽ “không được hoàn lại một xu nào”. Tuy nhiên, sau khi cảnh sát khám xét nơi ở của Tây Vệ và phát hiện hàng loạt con dấu giả cùng hợp đồng tài chính giả mạo, vụ việc nhanh chóng mở rộng.
Kết quả điều tra cho thấy hơn 60 triệu NDT (hơn 219 tỷ đồng) trong tổng số tiền lừa đảo đã được Tây Vệ sử dụng để tặng phần thưởng cho streamer trên các nền tảng livestream. Trong 6 năm, nữ nhân viên đã nạp tiền vào tài khoản xem livestream hơn 4.400 lần nạp tiền, tặng cho 2.797 streamer chủ yếu là nam. Thậm chí, Tây Vệ đã từng liên tục tặng tiền cho một nam streamer để người này hát cho cô nghe trong vòng 8 tiếng.
Bất động sản của Tây Vệ bị tịch thu
Tháng 10/2023, Tòa án nhân dân cấp trung Trịnh Châu (Trung Quốc) tuyên phạt Tây Vệ tù chung thân, tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân và phải bồi thường cho 31 nạn nhân. Nền tảng livestream và một số streamer cũng bị yêu cầu hoàn trả lại một phần số tiền Tây Vệ đã tặng thường do đây là nguồn tiền bất hợp pháp.
Một số nạn nhân đã khởi kiện chi nhánh nơi Tây Vệ làm việc. Kết quả, chi nhánh này bị phạt 500.000 NDT (1,8 tỷ đồng) vì “kiểm soát hệ thống nội bộ lỏng lẻo dẫn đến thiệt hại cho khách hàng”.
(Theo Toutiao)