Châu Á căng mình chống dịch Covid-19: Các kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ

Thu Hoài, Theo VOV 19:04 29/04/2021

Ấn Độ hôm nay (29/4) chứng kiến thêm một ngày kỷ lục về số ca mắc Covid-19 mới, trong khi nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang phải căng mình chống dịch.

Một bức tranh nhiều gam màu xám đã đặt các cơ quan y tế quốc gia và quốc tế trước tình trạng báo động cao nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các biến thể mới nguy hiểm và sự chậm trễ của các chiến dịch tiêm chủng, bất kỳ nước nào cũng có thể trải qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh như Ấn Độ nếu đồng thời nới lỏng các biện pháp phòng bệnh.

Ấn Độ hôm nay tiếp tục phá kỷ lục toàn cầu về số ca mắc, với 375.000 ca, cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nước này tới nay ghi nhận hơn 18,3 triệu ca mắc trên tổng số 1,4 tỷ dân, chỉ đứng sau Mỹ.

Là một trong những quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, song những gì diễn ra hiện nay tại Ấn Độ lại cho thấy một bức tranh rối ren và hỗn loạn. Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã áp đảo mọi hệ thống phòng thủ và nhấn chìm nước này trong những tháng ngày đen tối nhất của đại dịch Covid-19. Mặc dù tình trạng thiếu bình oxy đã giảm so với những ngày trước đây, song hình ảnh những chiếc xe cứu thương chở bệnh nhân Covid-19 kẹt cứng trước cổng các bệnh viện ở New Delhi và các thành phố lớn khác vẫn là điều không khó bắt gặp.

Ông Ganga Rana, giám đốc một bệnh viện ở thủ đô New Delhi chia sẻ: "Ưu tiên lớn nhất của chúng tôi lúc này là điều trị cho các bệnh nhân và giảm tải áp lực cho họ. Một điều nữa là cải thiện và tối ưu hóa chuỗi cung ứng thuốc, oxy hay thậm chí là nhân lực. Chúng tôi đang cố gắng giảm thiểu số người tử vong do Covid-19".

Trong khi đó, Pakistan, quốc gia láng giềng Ấn Độ mới đây cũng lần đầu tiên ghi nhận hơn 200 ca tử vong và hơn 5.000 ca mắc trong ngày vì dịch Covid-19. Người ta lo ngại Pakistan có thể theo chân Ấn Độ trở thành một điểm nóng Covid-19 khác. Không chỉ Ấn Độ hay Pakistan, nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang phải chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khỏi quan ngại. Trong khi Malaysia chứng kiến số ca mắc mới trong 24 giờ qua vượt 3.000 ca, cao nhất trong vòng 2 tháng qua, thì Philippines đang trên đường trở thành ổ dịch nóng nhất khu vực. Số ca mắc tại nước này tăng gấp đôi từ 500.000 ca lên hơn 1 triệu ca chỉ trong 3 tháng, gây áp lực lên hệ thống y tế quốc gia.

Bà Rosette Liquette, giám đốc một bệnh viện ở thủ đô Manila cho biết: "Mọi bệnh viện ở vùng đô thị Manila, đặc biệt là ở các bệnh viện công, đều đang gặp khó khăn. Chúng tôi đang ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại số ca bệnh kể từ tháng 3. Chúng tôi không có đủ giường cho bệnh nhân. Tất cả đều đã đầy rồi".

Lào và Campuchia, hai quốc gia tiếp giáp với Việt Nam cũng đang phải chứng kiến số ca mắc cao nhất kể từ đầu dịch. Nếu như số ca mắc mới trong một ngày tại Campuchia vẫn tiếp tục tăng ở mức 3 con số, thì Lào cũng đã trải qua nhiều ngày liên tiếp có số ca mắc mới ở mức 2 con số.

Thống kê cho thấy chỉ trong hơn 1 tuần qua, số ca mắc mới tại châu Á đã tăng hơn 30%, mạnh nhất từ đầu mùa dịch. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, nếu không được kiểm soát tốt, dịch bệnh sẽ không chừa bất kỳ quốc gia nào.

"Trên toàn cầu, đại dịch Covid-19 tiếp tục gia tăng. Các ca bệnh hiện đã tăng trong tuần thứ chín liên tiếp và số ca tử vong đã tăng trong tuần thứ sáu liên tiếp. Tổng số ca mắc trên toàn cầu trong tuần trước gần như tương đương với 5 tháng đầu tiên của đại dịch".

Hầu hết sự gia tăng những ca mắc mới và tử vong tại các nước thời gian gần đây đều liên quan tới các biến thể mới được đánh giá là có độc tính cao hơn và lây lan mạnh hơn, như biến thể tại Anh, Nam Phi, Brazil hay đặc biệt là "biến thể kép" B.1.617 tại Ấn Độ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể được cho là góp phần làm gia tăng các ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ đã được tìm thấy ở hơn một chục quốc gia.