Xuất phát điểm được cho là “kém sang” hơn các ứng viên khi đi xin việc vì tốt nghiệp đại học dân lập, Lưu Đình Hưng đã xác định cần phải nỗ lực ngay từ khi còn là sinh viên để có thể apply vào các công ty lớn. Thế nhưng, khi đã trở thành chuyên viên tư vấn phân tích và tư vấn chiến lược truyền thông tại công ty Media Tenor International có trụ sở tại Thụy Sỹ, Hưng nhìn lại về thực tế khi hỗ trợ tuyển dụng cho công ty và nhận ra: hầu hết các bạn trẻ mới ra trường đều không được đánh giá cao do thiếu khả năng ngoại ngữ, kỹ năng tư duy và làm việc chuyên nghiệp.
Trước vấn đề nhức nhối đó, chàng trai trẻ đã mạnh dạn từ bỏ công việc lương nghìn đô để bắt tay phát triển một dự án của riêng mình với khát vọng nâng tầm người trẻ Việt.
Từ “bi kịch thanh xuân” trượt đại học
Vì lý do sức khỏe, không may mắn trượt đại học ngành Luật ưa thích, Hưng lựa chọn Đại học Dân lập Thăng Long là nơi “làm lại từ đầu” với ngành Kinh doanh khá mới mẻ với bản thân. Dù là ngôi trường rất có tiếng trong công tác giảng dạy và đào tạo nhưng với xã hội, nó vẫn bị gắn mác “Dân lập”, đồng nghĩa với việc vị thế khi ra trường của Hưng sẽ bị kém cạnh so với những ứng viên khác. “Do đó mình xác định trong những năm đại học mình cần tập trung tôi luyện bản thân về khả năng ngôn ngữ, kỹ năng với các hoạt động ngoại khóa bên cạnh kiến thức chuyên môn, nhằm tạo dựng lợi thế cạnh tranh khi tốt nghiệp” - Hưng chia sẻ.
Khác với các bạn cùng trang lứa, Hưng không tán thành việc đi làm thêm đơn thuần để kiếm tiền mà thay vào đó, cậu bạn chọn những công việc, hoạt động vì cộng đồng cần “bán chất xám”, thậm chí không cần được trả lương để thu được những kỹ năng cần thiết. Quyết định như vậy, điểm đến đầu tiên của chàng sinh viên năm nhất là VPV Club - Volunteers for Peace Vietnam (một trong những tổ chức tình nguyện quốc tế lớn nhất Việt Nam năm 2012).
Trưởng thành trong NGO, NPO và suy nghĩ về thế hệ trẻ Việt
Tham gia câu lạc bộ (CLB), Hưng nhận thấy các bạn sinh viên hầu như chỉ quan tâm các hoạt động đó có lợi ích gì mà không thật sự hiểu sâu vào việc vận hành, quản lý và phát triển tổ chức. Vì vậy dù vẫn có mặt trong các hoạt động nhưng các bạn vẫn không có sự thay đổi đáng kể. “Để học hỏi và phát triển, bản thân mình không bao giờ nói “Em không biết có làm được không” mà luôn trả lời “Em sẽ thử và làm hết sức” đối với những nhiệm vụ mới và tìm mọi cách để thực hiện nó”. Đó là cách Hưng học thêm kiến thức mới và có được kỹ năng mới từ các hoạt động ngoại khóa. Hưng cũng chia sẻ: “Xuất phát điểm thua thiệt, trong tay lại không có gì thì phải lấy nỗ lực và tinh thần không sợ thua, không sợ thất bại ra để chiến đấu. Lúc ấy mình không có gì ngoài quyết tâm, nỗ lực cả”.
Càng tích cực tham gia hoạt động, Hưng càng nhận thấy có nhiều điều hầu như các bạn sinh viên sẽ không tiếp nhận được nếu cứ bị động phụ thuộc vào sách vở, thầy cô, trường lớp. Đó là khi “Global volunteering day” (sự kiện lớn nhất của VPV quy tụ các TNV nước ngoài đến từ hơn 30 quốc gia và sự tham gia của hơn 1000 bạn trẻ) lần đầu tiên được tổ chức. Với quy mô lớn, nhiệm vụ khó nhất khiến bao người lao đao, dù là sinh viên trường lớn trong ban lãnh đạo, đó là xin tài trợ. Hưng xung phong đảm nhận trọng trách này: “Không thử sao biết, mà thực tế đã chứng minh, chỉ nhờ một nhiệm vụ đó thôi mà mình trau dồi được bao điều: kỹ năng lãnh đạo (leadership), team-work, sale, quản lý tổ chức…”.
Chỉ sau 3 tháng tham gia, Hưng đã trở thành thành viên cốt cán của VPV, trong khi nhiều người phải mất đến 1 năm. Nối tiếp thành công tại VPV, Hưng tiếp tục tham gia nhiều hơn các hoạt động cộng đồng từ các NGO, NPO (non-government organization/non-profit organization: tổ chức phi chính phủ/phi lợi nhuận). Đó là tiền đề để Hưng sáng lập Sustainable Development Club - Tổ chức sinh viên đầu tiên hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam tại thời điểm năm 2012. Trong 2 năm làm chủ tịch, Hưng đã thành công trong việc đưa một sản phẩm xã hội ra thị trường, đem lại doanh thu và lợi nhuận hàng tháng cho CLB để có nguồn kinh phí hoạt động đều đặn.
Ngoài việc có thêm nhiều cơ hội, Hưng được gặp gỡ và học hỏi từ nhiều bậc tiền bối cùng CLB và trong các tổ chức phi lợi nhuận. Từ đó cậu bạn nhận ra điều mà các bạn sinh viên khác chưa nghĩ đến: Chủ động và nỗ lực không ngừng là điều quan trọng, nhưng tìm ra được một Mentor và tạo dựng một Network cho riêng mình mới là điều mà ai cũng cần để đi chắc, tiến xa.
Không dừng lại ở đó, Hưng đã có một bước ngoặt lớn trong tư tưởng khi trở thành Đại diện các tổ chức NGOs Việt Nam tham gia dự án Steps Toward Changes nằm trong dự án của Ủy ban châu Âu (EC), được tổ chức ở châu Âu. “Tại các buổi họp brainstorm, mình hoàn toàn bất ngờ với cách mọi người nhìn nhận và tiếp cận vấn đề. Trước giờ khi đưa ra một dự án cộng đồng, mình chưa bao giờ nghĩ đến nó có thể mang lại tác động tiêu cực cả, vì nó được dựng lên để giúp đỡ cộng đồng mà. Thế nhưng, tại các buổi thảo luận, mọi người đưa ra những cái nhìn rất đa chiều: dự án ngoài mang lại hiệu quả tích cực cho địa phương còn có khả năng mang lại tác động tiêu cực nào không? Ta cần làm gì để hạn chế tác động đó… Lúc đó mình bắt đầu băn khoăn tự hỏi làm thế nào để các bạn trẻ ở Việt Nam cũng có được lối tư duy như vậy.” - Hưng chia sẻ.
Băn khoăn nhiều hơn về năng lực cạnh tranh của sinh viên thời nay khi “thực chiến”
Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng khi còn trên ghế giảng đường, Hưng vẫn gặp nhiều chông gai trên con đường tìm kiếm một công việc lý tưởng. Liên tục tham gia các cuộc thi tuyển của các tập đoàn đa quốc gia, chàng trai 9x “sốc toàn tập” trong những cuộc thi đầu khi phải dừng chân rất sớm. Tuy chán nản, nhưng Hưng đã học hỏi được nhiều và có cái nhìn mới hơn về bản thân. “Càng thi, càng vào sâu trong các vòng sau, mình càng nhận ra khuyết điểm của bản thân để cải thiện. Đặc biệt, khi gặp các ứng viên là du học sinh, ứng viên từ Singapore, Malay hay Indonesia, mình mới thấy khoảng cách giữa ứng viên Việt Nam so với họ quá lớn. Các ứng viên này vừa xuất sắc ở khả năng ngôn ngữ lẫn tư duy và kỹ năng xử lý vấn đề. Họ thực sự nhạy bén và thành thạo những kỹ năng mà mình băn khoăn vì sao ứng viên như mình lại không thể được như vậy.” - Hưng ngậm ngùi kể.
Trải qua nhiều lần thi tuyển khắc nghiệt, Hưng đạt được “thành quả ngọt ngào” là vị trí chuyên viên tư vấn phân tích và tư vấn chiến lược truyền thông tại một công ty của Thụy Sỹ. Với năng lực vốn có cùng khả năng phân tích, đánh giá tốt, Hưng nhanh chóng trở thành nhân viên tiềm năng của công ty và được cử đi đào tạo tại Áo và Thụy Sỹ.
Tuy vậy, khi quan sát các bạn ứng tuyển vào công ty mình cũng gặp vấn đề tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn rất nhiều so với mình trước kia, Hưng không khỏi trăn trở: “Các bạn ứng viên Việt Nam thể hiện ra là họ có thể tốt tiếng Anh nhưng lại thiếu kỹ năng cá nhân hoặc ngược lại. Chính sự mất cân bằng này khiến chúng ta không chỉ thua kém so với các ứng viên quốc tế mà còn gặp trở ngại khi xin việc nói riêng và phát triển sự nghiệp nói chung”.
Một lần nữa tự thách thức bản thân...
Nhận thấy đây không còn là vấn đề của riêng những sinh viên mới ra trường mà là căn bệnh chung của cả thế hệ các bạn trẻ Việt, với những kinh nghiệm có được từ các hoạt động cộng đồng, Hưng suy ngẫm: phải chăng, nếu các bạn ấy có một mentor chỉ đường dẫn lối, đồng hành thì có lẽ việc cạnh tranh khi xin việc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Nhớ lại bài học nhìn xa hơn, rộng hơn, đa chiều hơn, dù đang là nhân sự xuất sắc tại công ty, Hưng quyết định từ bỏ công việc để cùng đồng sự thành lập Impactus - dự án khởi nghiệp giúp các bạn trẻ chuẩn bị toàn diện cho sự nghiệp, từ ngôn ngữ tới kỹ năng.
Lại một lần nữa tự thách thức bản thân, chàng trai 9x Lưu Đình Hưng khẳng định hướng đi của mình với thành công bước đầu của Impactus khi đồng hành cùng hàng ngàn bạn trẻ trên con đường sự nghiệp. Trong đó nhiều bạn đã ứng tuyển thành công tại United Nations, Samsung, H&M, Deloitte, PwC, Vietnam Airlines, Qatar Airways...
Chia sẻ về lời khuyên với các bạn trẻ, Hưng nói: “Tiếp xúc và giảng dạy cho hàng ngàn bạn trẻ, mình chỉ muốn khuyên các bạn rằng: trau dồi kỹ năng và ngôn ngữ quan trọng không kém việc học chuyên môn. Có kỹ năng thì mới phát triển được, có ngôn ngữ mới tiếp tục học hỏi được. Ngôn ngữ là chìa khóa của cánh cửa tri thức tiên tiến, các bạn càng làm chủ được nó bao nhiêu thì càng tiếp cận đến tri thức tiên tiến bấy nhiêu. Có như vậy, các bạn mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động khắc nghiệt”.