Chàng trai 23 tuổi tử vong sau 4 ngày nhiễm "bệnh nước tiểu chuột"

Mỹ Diệu, Theo thanhnienviet.vn 19:06 27/07/2025
Chia sẻ

Chỉ trong vòng 4 ngày, từ biểu hiện ban đầu là tiêu chảy và nôn ói, tình trạng của anh nhanh chóng chuyển biến xấu, dẫn đến suy đa tạng.

Một nam thanh niên 23 tuổi tại Malaysia vừa qua đời sau khi uống lon nước giải khát chưa được vệ sinh miệng lon. Theo truyền thông địa phương, người này là Mohamad Ikmar, bị nghi nhiễm bệnh Leptospirosis hay còn gọi là bệnh nước tiểu chuột.

Chỉ trong vòng 4 ngày, từ biểu hiện ban đầu là tiêu chảy và nôn ói, tình trạng của anh nhanh chóng chuyển biến xấu, dẫn đến suy đa tạng. Dù còn tỉnh táo trên đường tới bệnh viện và nói: “Tôi còn chịu được”, nhưng anh đã không qua khỏi trong đêm. Khám nghiệm tử thi cho thấy phổi, tim, thận và hệ thần kinh đều bị tổn thương nghiêm trọng bởi vi khuẩn gây bệnh.

Theo bác sĩ Amy Stanford, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bệnh nước tiểu chuột do vi khuẩn Leptospira gây ra. Loại vi khuẩn này tồn tại trong nước tiểu của chuột, chó, lợn... và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người qua các vết trầy xước, niêm mạc mắt hoặc như trong nghi án tại Malaysia qua miệng lon đồ uống bị chuột tiểu vào.

Chàng trai 23 tuổi tử vong sau 4 ngày nhiễm "bệnh nước tiểu chuột"- Ảnh 1.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng lưu ý: Dù đường lây nhiễm qua miệng lon là có thể về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế lại rất hiếm gặp. Dẫu vậy, việc rửa kỹ miệng lon và sử dụng ống hút hoặc rót ra cốc trước khi uống vẫn là điều nên làm.

Bệnh nước tiểu chuột giai đoạn đầu (1 đến 3 ngày) thường dễ nhầm lẫn với cảm cúm có các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, đau cơ, đỏ mắt. Giai đoạn nặng (từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7) có thể gây vàng da, suy thận cấp, xuất huyết phổi, với tỷ lệ tử vong lên đến 5 đến 20%. Một biến thể đặc biệt nguy hiểm được gọi là hội chứng Weil, có tỷ lệ tử vong lên đến 50-70%.

Vi khuẩn Leptospira tấn công lớp nội mạc mạch máu, gây vỡ mao mạch toàn thân, khiến các cơ quan nội tạng lần lượt ngừng hoạt động.

Một trường hợp khác tại Trung Quốc

Sau trận mưa lớn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, một thanh niên tên Lý ra đồng làm việc mà không mang giày. Chỉ vài ngày sau, anh bắt đầu sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi toàn thân. Khi vào viện, bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh nước tiểu chuột và phải chuyển vào phòng hồi sức tích cực do biến chứng nặng.

Bác sĩ cho biết, rất có thể trong quá trình đi chân trần, anh Lý đã tiếp xúc với nước có lẫn nước tiểu chuột. Đây là cách lây truyền phổ biến nhất của căn bệnh này ở những vùng nhiệt đới sau mưa lớn.

Để phòng tránh bệnh nước tiểu chuột, bác sĩ khuyên người dân nên:

- Rửa sạch lon, chai trước khi uống. Dùng cồn hoặc nước sạch chà kỹ khu vực miệng lon, đặc biệt là phần nắp và rãnh nắp.

- Không đi chân trần khi lội nước sau mưa, nên mang giày chống nước và đeo găng tay nếu tiếp xúc bùn đất.

- Không bơi trong ao hồ, sông suối không rõ nguồn nước, đặc biệt sau mưa lũ.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi trong nhà. Hạn chế tiếp xúc với chuột và các động vật gặm nhấm hoang dã.

- Tăng cường đề kháng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên.

- Sau mưa lớn: Đừng chỉ lo sạt lở, hãy cảnh giác cả dịch bệnh truyền nhiễm.

Nguồn và ảnh: QQ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày