Chẳng riêng AAA 2019 mà hàng loạt lễ trao giải Kpop cũng “đại trà hóa” Daesang, “đại giải thưởng” cao quý đang dần mất giá?

KLinh, Theo Helino 23:59 29/11/2019

Giải Daesang từng là giải thưởng cao quý, thiêng liêng, là mơ ước của nhiều nghệ sĩ vì mang số lượng giới hạn và vô cùng khó đạt. Tuy nhiên ngày càng nhiều lễ trao giải lạm dụng danh hiệu này khiến nhiều người nghi ngại về giá trị thực sự của nó.

Với các fan Kpop, "Daesang" không phải là khái niệm xa lạ. Đây là từ chỉ giải thưởng lớn nhất dành cho nghệ sĩ có thành tích đứng đầu ở các hạng mục như album, nhạc số,… ở các lễ trao giải âm nhạc Hàn Quốc. Cũng vì tính chất cao quý mà số lượng giải Daesang vô cùng ít ỏi, thậm chí có những lễ trao giải chỉ có một Daesang duy nhất. Do đó, giải Daesang là ước mơ cháy bỏng của nhiều ca sĩ, nhóm nhạc, có người còn coi được chạm tay vào giải thưởng này là mục tiêu lớn nhất sự nghiệp của mình.

Thế nhưng những năm gần đây, các lễ trao giải xứ Hàn không chỉ mọc lên như nấm sau mưa mà còn "bội thực" số lượng Daesang. Các buổi lễ thi nhau tạo Daesang mới, khiến giải thưởng hiếm hoi, danh giá ngày nào ngày càng phổ biến đến mức có những người mỉa mai cho rằng đây là cách chia giải để ai đi cũng có phần.

Từ giải thưởng hiếm hoi cao quý, nay nhiều như "nấm sau mưa"

Câu chuyện Daesang bị "đại trà hóa" dấy lên từ sau khi lễ trao giải Asia Artist Awards (AAA 2019) kết thúc. Nếu mọi năm AAA chỉ có trao 1 Daesang dành cho ca sĩ và diễn viên, thì năm nay lễ trao giải này "phá lệ" trao tới tận… 4 Daesang dành cho ca sĩ, bao gồm "Ca khúc của năm", "Album của năm", "Màn trình diễn của năm" và "Ca sĩ của năm". Đáng chú ý là ở hạng mục diễn viên vẫn chỉ có 1 Daesang duy nhất.

4 Daesang mới toanh của AAA 2019 được trao cho GOT7, TWICE, SEVENTEEN và Red Velvet

Việc bỗng dưng có đến 4 Daesang "mọc" ra ở AAA 2019 khiến nhiều người bất bình, cho là lễ trao giải đã trao Daesang một cách bừa phứa, khiến nó mất đi giá trị cao quý ban đầu. Trên các diễn đàn Hàn Quốc như theqoo, ngoài chỉ trích AAA trao giải theo phong cách "điểm danh" ai đi mới có phần, cư dân mạng còn đặt câu hỏi về chủ nhân của các Daesang năm nay, nhất là khi BTS – nhóm nhạc với hàng loạt thành tích phi thường lại "trắng tay": "AAA là lễ trao giải vô dụng nhất tôi từng xem, chúng ta cần loại bỏ nó", "Lễ trao giải này là 1 trò đùa. Có những ca sĩ có thành tích nhạc số tốt hơn tham dự buổi lễ nhưng lại chẳng được nhận giải", "Không tham gia = không có giải. Tiêu chí kì lạ nhất của 1 lễ trao giải là đây", "Kể cả là giải điểm danh đi chăng nữa thì cũng quá vô lý" khi không có BTS",…

Thế nhưng AAA không phải là lễ trao giải đầu tiên nở rộ về số lượng Daesang. Khi thông báo ra đời vào tháng 8/2018, lễ trao giải MBC Plus x Genie Music Awards (MGA) từng gây sốc khi công bố tới 4 giải Daesang – nhiều nhất trong số các lễ trao giải âm nhạc cuối năm tính đến thời điểm ấy. Nhưng rồi khi các giải thưởng đình đám, có tuổi đời kì cựu như Mnet Asian Music Awards (MAMA), Melon Music Awards (MMA),… dần nâng số lượng Daesang cho "bằng bạn bằng bè" thì công chúng cũng dần quen với điều này.

Chẳng riêng AAA 2019 mà hàng loạt lễ trao giải Kpop cũng “đại trà hóa” Daesang, “đại giải thưởng” cao quý đang dần mất giá? - Ảnh 2.

Lễ trao giải MGA từng gây sốc có đến 4 Daesang

Bắt đầu từ năm ngoái, MAMA công bố thêm Daesang "Wordwide Icon of the Year" bên cạnh 3 Daesang vốn có nhằm tìm ra biểu tượng toàn cầu với ứng cử viên được chọn ra nhờ… fan vote. Còn MMA cũng tạo thêm 1 Daesang là "Thu âm của năm", nâng tổng số giải thưởng lớn lên 4. Hiện tại, trung bình các lễ trao giải của Hàn Quốc đều có từ 3 đến 4 Daesang.

Chẳng riêng AAA 2019 mà hàng loạt lễ trao giải Kpop cũng “đại trà hóa” Daesang, “đại giải thưởng” cao quý đang dần mất giá? - Ảnh 3.

BTS là chủ nhân của "Worldwide Icon of the Year" - Daesang mới toanh ra mắt ở MAMA 2018

Chẳng riêng AAA 2019 mà hàng loạt lễ trao giải Kpop cũng “đại trà hóa” Daesang, “đại giải thưởng” cao quý đang dần mất giá? - Ảnh 4.

Wanna One chiến thắng Daesang mới "Thu âm của năm" tại MMA 2018 - năm đầu tiên giới thiệu danh hiệu này

Từ việc "bội thực" Daesang hiện tại, nhìn lại cách đây 10 năm, khi số lượng giải thưởng lớn chỉ quanh quẩn ở con số 2-3 với những cái tên quen thuộc như "Nghệ sĩ của năm", "Album của năm", "Ca khúc của năm" thì việc đạt danh hiệu này quả là một thử thách. Chỉ những nghệ sĩ mạnh về nhạc số, "bạo" về lượng bán album mới đủ sức trở thành chủ nhân những danh hiệu này, và Daesang được trao dựa trên thành tích giấy trắng mực đen rõ ràng, ít gây tranh cãi.

Còn nay, với những Daesang mang tên lạ hoắc lạ huơ như "The Top Music", "M2 The Top Video" (M2 X Genie Music Awards (MGMA), hay Daesang dựa phần lớn vào fan vote như "Worldwide Icon of the Year" (MAMA), công chúng quả thật lúng túng và hoài nghi về giá trị của chúng.

Chẳng riêng AAA 2019 mà hàng loạt lễ trao giải Kpop cũng “đại trà hóa” Daesang, “đại giải thưởng” cao quý đang dần mất giá? - Ảnh 5.

Độ "viral" của "Gee" cùng hàng loạt thành tích như 9 chiến thắng liên tiếp trên Music Bank, là single được download nhiều nhất của 1 girlgroup,... đã khiến ca khúc này mang về Daesang "Ca khúc của năm" cho SNSD tại MMA 2009

Daesang vốn là giải thưởng cao quý nhất trong 1 lễ trao giải, số lượng càng ít càng khiến danh hiệu này có giá trị và nâng tầm tên tuổi của chủ nhân nó. Việc ngày càng có nhiều Daesang xuất hiện phần nào khiến giải thưởng này xuống giá vì tạo cảm giác ai cũng có thể chạm tay vào; nó không còn là thứ các nghệ sĩ phải phấn đấu hết mình để "tranh giành" như trước. Mặt khác, nhiều Daesang thì nghi vấn chia giải lại càng tăng, để ai dự cũng có phần mang về khiến "cả làng đều vui", vô hình trung khiến uy tín của lễ trao giải cũng bị kéo xuống theo.

Daesang "vàng thau lẫn lộn", fan còn mong đợi gì ở những lễ trao giải cuối năm?

Đúng là có những lễ trao giải lộ rõ tính chất "ai đi cũng có phần", 1 số Daesang mất giá vì "mọc lên như nấm" để chiều lòng số đông, tuy nhiên đó không phải tất cả. Vẫn còn những giải thưởng có tính hàn lâm mà ở đó, giải thưởng cao quý nhất vẫn giữ nguyên giá trị. Golden Disk Awards (GDA) – lễ trao giải được mệnh danh là "Grammy của Hàn Quốc" vẫn chỉ có đúng 2 Daesang ở mảng album và nhạc số. Hay như giải thưởng mang nặng tính hàn lâm Korean Music Awards (KMA) không hề thay đổi 3 Daesang dành cho nghệ sĩ, album và ca khúc xuất sắc nhất từ lần đầu tổ chức vào năm 2004 đến nay.

Chẳng riêng AAA 2019 mà hàng loạt lễ trao giải Kpop cũng “đại trà hóa” Daesang, “đại giải thưởng” cao quý đang dần mất giá? - Ảnh 6.

Những lễ trao giải uy tín như GDA, KMA vẫn không thay đổi số lượng Daesang, khiến những giải thưởng này giữ nguyên giá trị

Những lễ trao giải uy tín này phần nào vớt vát niềm tin của người hâm mộ về chất lượng của giải Daesang và trở thành dịp nhiều người mong đợi để được thấy những giải thưởng hợp lý, hợp tình. Nghệ sĩ nhận được Daesang từ các sự kiện này lại càng được đánh giá cao vì sở hữu giải thưởng được cả giới chuyên môn và công chúng công nhận.

Mặt khác, trong thời buổi "vàng thau lẫn lộn", người hâm mộ không chỉ xem lễ trao giải để thấy khoảnh khắc idol mình nhận giải, mà thứ níu chân họ còn là những màn trình diễn hoành tráng, được dàn dựng công phu. Chỉ ở những lễ trao giải, fan Kpop mới có thể chứng kiến sự quy tụ của đông đảo idol, đặc biệt là những nhóm nhạc hạng A nổi tiếng. Những tiết mục đỉnh cao, những màn kết hợp "trong mơ" giữa các nghệ sĩ hàng đầu khiến fan đã mắt, đã tai chính là "đặc sản" ở những lễ trao giải mà không nơi nào có.

Chẳng riêng AAA 2019 mà hàng loạt lễ trao giải Kpop cũng “đại trà hóa” Daesang, “đại giải thưởng” cao quý đang dần mất giá? - Ảnh 7.

Màn rap "diss" MAMA kinh điển của G-Dragon cùng sân khấu liên hoàn của anh với Taeyang tại MAMA 2014 đã đi vào lịch sử Kpop

Sân khấu liên hoàn của GD x Taeyang (MAMA 2014)

Chẳng riêng AAA 2019 mà hàng loạt lễ trao giải Kpop cũng “đại trà hóa” Daesang, “đại giải thưởng” cao quý đang dần mất giá? - Ảnh 9.

Màn trình diễn "IDOL" theo hướng "tân cổ giao duyên" của BTS đã trở thành tiết mục huyền thoại tại MMA 2018

"IDOL" - BTSz (MMA 2018)

Tạm kết

Tuy các giải Daesang xuất hiện ngày một nhiều khiến phần đông công chúng bất mãn, nhưng nhìn chung đây vẫn là những danh hiệu quý giá mà fan Kpop mong mỏi thần tượng đạt được trong sự nghiệp của mình.

Dù sao đi nữa thì giải thưởng vẫn là tấm huy chương công nhận thành tích, sự cống hiến của người nghệ sĩ, huống hồ Daesang còn là danh hiệu cao quý, đẳng cấp nhất của một lễ trao giải nên người nhận cũng được nâng tầm đẳng cấp theo. Nếu thần tượng được hưởng "trái ngọt" sau 1 năm làm việc vất vả thì đây vẫn là niềm vui của fan, dẫu họ thừa biết uy tín và chất lượng của giải thưởng không còn chính xác như trước.