Dưới đây là câu chuyện có thật của biên tập viên Jesa Marie Calaor trên tạp chí Allure ở Mỹ. Jesa kể về 1 hội chứng tâm lí khiến cô luôn nghĩ về cơ thể không hoàn hảo của mình và cách thoát khỏi nó.
Người bị ám ảnh cơ thể không nhận ra vấn đề của mình
Rối loạn ám ảnh cơ thể khác với "cuồng bản thân". Cả 2 đều lo lắng, chăm chút quá mức cho mình, nhưng người yêu bản thân biết và có phần chủ động về điều đó.
Còn người bị hội chứng tâm lí "ám ảnh cơ thể" thì không. Họ nhìn vào đâu cũng thấy cơ thể mình kém xinh, không thể nào gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực ấy.
Ví dụ như tôi chỉ cao 1m55 nhưng thường được nhận xét là "khỏe mạnh", "thể thao". Ngược lại, tôi lúc nào cũng tự thấy mình béo. Ở bất kì mặt phẳng nào có thể phản chiếu, tôi đều đặt tay lên eo, ngắm mình trong đó rồi... thất vọng!
Món sốt phô mai của cô bạn thật ngon, và cô ấy ăn thoải mái mà chẳng lên cân. Còn tôi, tôi nhìn lại phần ăn buồn tẻ của mình.
Tôi luôn ghen tỵ với vóc dáng và khẩu phần ăn của người khác. Mọi chuyện còn tệ hơn khi tôi vào đại học. Lúc đó, tôi chẳng ngại ngần trốn học để đến phòng gym do ám ảnh về các số đo cân nặng.
Cứ như vậy, suốt nhiều năm, tôi chẳng biết mình gặp rắc rối tâm lí. Bạn bè, người thân cũng chỉ cho rằng tôi quá cầu toàn mà thôi!
Phải làm sao đây để tôi phát hiện rắc rối?
Tôi biết được là do có lần tình cờ thấy ảnh ngày xưa, chụp với chiếc áo yêu thích. Ôi, tôi từng gầy trơ xương đến vậy sao? Nhưng rõ ràng khi chụp ảnh này, tôi còn cau có vì mình chẳng khác gì cá voi cơ mà?
Đó là lúc tôi bắt đầu hiểu có chuyện gì đó không ổn. Một người bạn thân nghe chuyện đã khuyên tôi đến gặp bác sĩ tâm lí.
Bác sĩ của tôi, ông Miller từ NYU Langone giải thích chi tiết: "Ai cũng từng than phiền về cơ thể.
Nhưng đến mức ám ảnh và phiền nhiễu mọi lúc, rất có thể họ đã mắc Body Dysmorphic Disorder (BDD) – tức là rối loạn ám ảnh cơ thể".
Biểu hiện rõ nhất của bệnh là người ta luôn chú ý đến một khiếm khuyết cơ thể. Với tôi, đó chính là cân nặng. Có thể với người khác là chiếc mũi hay vết sẹo...
Điểm chung là chúng tôi đều suy nghĩ tiêu cực và làm trầm trọng hơn khuyết điểm vật lí đó.
Mọi người bên ngoài lại nghĩ chúng tôi "lố", họ chẳng biết những gì tôi phải trải qua!
Khi ám ảnh bao trùm
Ám ảnh về cân nặng khiến tôi ra sức tập luyện. Nhưng nhiều người lại ám ảnh cùng cực với chiếc mũi, bờ môi hay ngực của họ.
"Người gặp BDD thường có những hành vi lặp đi lặp lại. Họ soi mình trong gương, chạm vào những bộ phận không hài lòng, hỏi người khác về ngoại hình của mình, dùng lại mỹ phẩm sau mỗi giờ, so sánh bản thân với người khác...", bác sĩ Miller cho biết.
Cuối cùng, họ viện đến phẫu thuật thẩm mĩ để sửa lại phần không mong muốn.
Thế nhưng nguyên nhân thực sự đâu nằm ở mũi, môi... mà nằm sâu trong tâm trí. Kết quả là sự hài lòng chẳng đến sau những lần "dao kéo" đó.
Điều kéo tôi ra khỏi ám ảnh
Các bác sĩ tâm lí đã giúp tôi rất nhiều. Họ áp dụng "Liệu pháp hành vi – nhận thức" giúp bệnh nhân nhìn nhận đúng về cơ thể mình.
Tôi còn chủ động đọc sách để hiểu về cơ thể, về cân bằng giữa tập luyện và dinh dưỡng. Những kiến thức đó giúp tôi "lùi bước về sau" để thấy mình rõ hơn!
Tôi gặp những người bạn có suy nghĩ tích cực về cơ thể. Ví dụ như người bạn cũ nhướn mày lên khi nghe tôi than thở về thân hình. Cô ấy nhắc tôi nhớ rằng mỗi người đều đẹp theo những cách riêng. Hay một chị bạn khen trang phục tôi thật "bảnh" và tôn dáng cực kì.
Vậy nên, bạn hãy đón lấy những suy nghĩ tích cực và mở lòng ra với... chính mình. Có những khuyết điểm không lớn như chúng ta vẫn tưởng, bạn hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với nó!
Nguồn: Allure