Chàng George bí ẩn của tâm thần học: Quẫn trí bắn vào đầu nhưng không chết mà còn chữa được tâm bệnh, phải sống tiếp chuỗi ngày cô độc

Đạt Lê, Theo Helino 10:39 01/08/2019

Viên đạn xuyên qua đầu vô tình khiến não bệnh nhân biến đổi, không còn ám ảnh với sự sạch sẽ như trước. Vụ việc tốn không ít giấy mực của báo chí vào thập niên 80, nhưng sau đó hầu như không có thêm thông tin đáng chú ý về nam bệnh nhân - người chỉ được biết đến với mỗi cái tên George.

Tháng 2/1988, nhiều tờ báo Mỹ - trong đó có The New York Times - đã dẫn lời bác sĩ tâm thần Leslie Solyom tại Bệnh viện Shaughnessy, thành phố Vancouver (Canada) về một bệnh nhân vô cùng đặc biệt.

Đó là chàng thanh niên chỉ được biết với tên George. Từ nhỏ cậu đã vô cùng thông minh, sáng dạ nhưng mắc phải chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Người mắc chứng này luôn bị ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng.

Chàng George bí ẩn của tâm thần học: Quẫn trí bắn vào đầu nhưng không chết mà còn chữa được tâm bệnh, phải sống tiếp chuỗi ngày cô độc - Ảnh 1.

George rửa tay hàng trăm lần hàng ngày vì nỗi sợ vi trùng (Ảnh minh họa: reachout.com)

Đối với George, hàng ngày cậu luôn e ngại có vi trùng xung quanh mình và phải rửa tay hàng trăm lần, tắm táp hàng chục lần để khỏa lấp nỗi sợ. Cũng vì chứng bệnh, George nhiều lần gián đoạn việc học ở trường, mãi đến năm 19 tuổi vẫn mắc kẹt ở trường cấp III và không thể kiếm việc làm. Điều đó giống như một tảng đá chồng lên một tảng đá khác, đè xuống cả nhà cậu.

Gia đình đã đưa George tìm đến bác sĩ Leslie. Tuy nhiên sau một năm điều trị, cậu vẫn không cảm thấy khá hơn và nung nấu ý định tự tử. Vào thời điểm thập niên 80, phương pháp điều trị OCD là cho uống thuốc chống trầm cảm và thực hiện các thủ thuật tâm lí giúp bệnh nhân tập quen với nỗi sợ, từ đó (hi vọng) có thể vượt qua chúng. Nói về phẫu thuật, ở Mỹ lúc đó đã diễn ra 20-30 ca mổ trị bệnh tâm thần nhưng kết quả không đồng bộ, gây ra nhiều tranh cãi.

Trong khi đó, các phụ huynh có con mắc phải OCD thường không hiểu được sự chịu đựng của đứa trẻ và đối xử tàn nhẫn. Năm 1983, trong một lần than thở với mẹ, George nhận lời câu đáp phũ phàng: "Này George, nếu cuộc đời đã tệ như vậy thì sao không tự bắn vào đầu mình đi!". Cậu thanh niên làm đúng như vậy. Bước xuống tầng hầm, George rút súng chĩa vào đầu và bóp còi.

Chàng George bí ẩn của tâm thần học: Quẫn trí bắn vào đầu nhưng không chết mà còn chữa được tâm bệnh, phải sống tiếp chuỗi ngày cô độc - Ảnh 2.

Tuy nhiên do được phẫu thuật kịp thời, các bác sĩ đã thành công lấy ra viên đạn .22 trong thùy phía trước bên trái não của George dù không thể loại bỏ hoàn toàn các mảnh vỡ. Điều thần kỳ là không những George đã sống sót mà não cũng chẳng bị tổn thương đáng kể, tâm bệnh thuyên giảm đáng kể. Viên đạn găm vào đầu gần giống như một "ca phẫu thuật bất đắc dĩ", loại bỏ phần não chịu trách nhiệm gây ra nỗi ám ảnh sạch sẽ.

5 năm sau ngày tự tử bất thành, bác sĩ tâm thần Leslie Solyom quyết định đã có thể báo cáo đầy đủ về trường hợp của George và đóng lại hồ sơ.

Ông viết, George vào năm 1988 đã là một anh sinh viên năm hai, dần lấy lại được chỉ số IQ như trước. Một số biểu hiện của OCD vẫn còn hiện hữu, ví dụ như George sẽ đóng cửa sổ 2 lần để đảm bảo nó đã khép chặt và rửa bát đĩa vô cùng kĩ lưỡng sau khi ăn... Thế nhưng các biểu hiện này không đáng kể và cũng không khiến cuộc sống của cậu lâm vào bế tắc như trước.

Chàng George bí ẩn của tâm thần học: Quẫn trí bắn vào đầu nhưng không chết mà còn chữa được tâm bệnh, phải sống tiếp chuỗi ngày cô độc - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: shutterstock)

George sống một mình và chỉ về nhà vào những dịp đặc biệt nhất. "Cậu ấy vẫn là một người cô độc" - bác sĩ Leslie bày tỏ. "Nhưng chúng tôi không có cách để chữa trị điều đó".

George hiện giờ chỉ còn xuất hiện trong các hồ sơ bệnh án và những cuộc thảo luận hiếu kỳ của cư dân mạng. Tờ Business Insider năm 2013 đã cố gắng đào xới tìm hiểu nhưng cũng không rõ về phần đời sau này của George. Cậu thanh niên ấy mãi là một điều bí ẩn nho nhỏ của ngành tâm thần học.

(Theo NY Times, LA Times)