Chẳng có phép màu nào cho người xem Đàn Cá Gỗ

Van Nguyen , Theo phunuso.baophunuthudo.vn 14:06 18/07/2025
Chia sẻ

Những gì đọng lại của Đàn Cá Gỗ chủ yếu là một vài khung hình ấn tượng hay đoạn nhạc vang lên đúng lúc - những yếu tố thường thấy trong các MV ca nhạc chất lượng chứ không phải là cốt lõi nên có ở một phim ngắn.

Là phim ngắn dài khoảng 30 phút do Nguyễn Phạm Thành Đạt đạo diễn, Đàn Cá Gỗđược chú ý ngay từ khi chưa ra mắt nhờ ca khúc Phép Màu - bản OST đầy cảm xúc do nhóm MAYDAYs và Minh Tốc thể hiện. Ca khúc mang âm hưởng ballad nhẹ nhàng, chậm rãi như dòng chảy nội tâm của nhân vật chính, nói về sự mất mát và khát vọng được kết nối lại với điều từng yêu thương. Chính phần nhạc phim với giai điệu sâu lắng, lời ca dễ viral đã tạo nên một cú hích truyền thông ban đầu cho bộ phim, khiến nhiều khán giả trẻ tìm đến rạp để mong được chạm vào một phép màu bằng hình ảnh. Phim theo chân Cường, một thanh niên từng có mơ ước theo đuổi âm nhạc nhưng buộc phải gác lại để ra khơi, tiếp nối công việc của cha sau khi ông qua đời. Câu chuyện là hành trình giằng xé trong nội tâm của Cường, giữa nghĩa vụ và đam mê, giữa thực tế khắc nghiệt và những cảm xúc bị chối từ. Dù chỉ là một phim ngắn chiếu rạp trong thời gian giới hạn, Đàn Cá Gỗ vẫn tạo được bất ngờ lớn khi vượt qua bom tấn Superman ngay ngày công chiếu. Trong 24 giờ đầu tiên, phim bán ra hơn 44 nghìn vé và thu về hơn 1,8 tỷ, một con số hiếm có đối với một tác phẩm chưa đầy 30 phút. Thế nhưng chất lượng của bộ phim có tương xứng với thành tích?

Chẳng có phép màu nào cho người xem Đàn Cá Gỗ- Ảnh 1.

Một câu chuyện đẹp nhưng nhạt

Đàn Cá Gỗ lấy bối cảnh ở một làng chài miền Trung, nơi Cường (Nguyễn Quốc Hùng thủ vai) lớn lên cùng giấc mơ làm nhạc nhưng sớm phải gác lại khi biến cố ập đến. Cái chết của người cha khiến cậu trai trẻ khoác lên mình tấm áo trưởng thành, thay cha ra khơi sống một cuộc đời lặng lẽ giữa mùi muối biển và tiếng sóng vỗ mòn mỏi năm tháng. Từ bỏ âm nhạc không phải là lựa chọn tự nguyện, nhưng Cường buộc phải làm vậy để giữ lấy những gì còn sót lại từ một gia đình đang dần mất phương hướng. Anh sống với người vợ tên Hoa (Nguyễn Minh Hà thủ vai) trong một căn nhà nhỏ nơi biển đã cạn dần cá, nơi mỗi chuyến ra khơi đều là một lần thua lỗ. Trong khi Hoa hy vọng bán chiếc tàu để Cường có thể lên Hà Nội theo đuổi đam mê, thì Cường chần chừ trước một ngã rẽ tưởng như đơn giản nhưng thực chất chất chứa vô vàn điều không nói thành lời. Một bên là ký ức của người cha, là di sản của cả một đời gắn bó với biển. Bên còn lại là giấc mơ lấp lánh nhưng xa vời, không biết có đủ khả năng để đổi lấy một cuộc sống tốt hơn hay không.

Chẳng có phép màu nào cho người xem Đàn Cá Gỗ- Ảnh 2.

Bộ phim chỉ kéo dài ba mươi phút, không có điểm mở rõ ràng cũng không tạo được sự kết thúc đủ thuyết phục. Cách kể chuyện đi theo hướng tối giản, tuyến tính và rất ít đối thoại. Nhịp phim chậm đến mức gần như đứng lại, như thể cố tình nhấn vào những khoảng lặng nhiều hơn là dẫn dắt cảm xúc người xem bằng cao trào hay xung đột cụ thể. Và với thời lượng hạn chế, sự chậm rãi ấy đã trở thành rào cản. Mọi thứ như chỉ vừa kịp gợi ra đã vội kết thúc, với những chi tiết có ý đồ chưa đủ thời gian đào sâu thì câu chuyện đã khép lại. Cảm giác trôi tuột xuất hiện ngay từ giữa phim và kéo dài đến cuối, dù đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt cố gắng dựng nên một không gian gợi mở. Tất cả chỉ dừng ở mức chạm nhẹ vào một vài khía cạnh quen thuộc của người trẻ mà không thể biến những chất liệu ấy thành cảm xúc thật sự sống động hay đáng nhớ.

Chẳng có phép màu nào cho người xem Đàn Cá Gỗ- Ảnh 3.

Cùng với đó, dàn diễn viên với nhiều gương mặt mới cũng trở thành điểm yếu của phim. Dù nam diễn viên Nguyễn Quốc Hùng có gương mặt hợp vai và giữ được vẻ đăm chiêu cần thiết cho nhân vật Cường, nhưng phần thể hiện của anh vẫn chưa đủ tạo chiều sâu cho những giằng xé bên trong. Những ánh mắt lạc lõng, sự im lặng kéo dài hay sự lặp lại của các cảnh sinh hoạt thường ngày đều hướng tới một cảm giác bế tắc đều thiếu lực để khơi lên đồng cảm. Minh Hà trong vai Hoa có phần dịu dàng và điềm tĩnh, nhưng vai trò của cô quá mờ để tạo nên một đối trọng cần thiết cho lựa chọn của nhân vật nam chính. Lãnh Thanh xuất hiện ít đến mức gần như không để lại bất kỳ ấn tượng nào. Tất cả những điều đó khiến mạch phim dù có chủ đích rõ ràng vẫn không đủ đầy để trở thành một câu chuyện trọn vẹn. Người xem rời rạp với một khoảng lặng khó gọi tên, không phải vì câu chuyện quá đau mà vì nó chưa thực sự chạm tới những kỳ vọng của khán giả, nhất là khi chúng ta đã có một “Phép màu” quá thành công từ 5 tháng trước.

Chẳng có phép màu nào cho người xem Đàn Cá Gỗ- Ảnh 4.

Hình ảnh có hồn nhưng phim thì không

Dễ thấy nhất ở Đàn Cá Gỗ là sự đầu tư kỹ lưỡng cho phần hình ảnh và âm thanh. Những khung hình trau chuốt, những cú máy bay bổng, cách xử lý ánh sáng có chủ ý đều góp phần tạo nên một lớp vỏ điện ảnh đầy mê hoặc. Phân đoạn Cường chìm xuống đáy biển giữa vòng xoáy cá gỗ và tiếng đàn vang vọng là một minh chứng tiêu biểu - đẹp, ám ảnh, nhiều lớp nghĩa và gần như đạt tới sự thăng hoa về mặt thị giác. Nhưng đây là những thứ duy nhất có thể khen ngợi ở Đàn Cá Gỗ. Thậm chí nếu phải định nghĩa thể loại, đây giống một MV dài được kể với nhiều lớp lang hơn là một bộ phim ngắn có cấu trúc rõ ràng. Có thể thấy, tác phẩm đặt nhiều niềm tin vào khả năng liên tưởng của khán giả nhưng lại không cung cấp đủ nền tảng để dẫn họ đi đến một cảm xúc cụ thể.

Chẳng có phép màu nào cho người xem Đàn Cá Gỗ- Ảnh 5.

Phần hình ảnh mộng mị hay âm nhạc ám ảnh đều rời rạc, không có một mạch kể dẫn dắt hay bất kỳ điểm tựa cảm xúc nào đủ sâu để khán giả bám víu. Biển cả được đạo diễn lựa chọn như một biểu tượng nhiều tầng lớp: vừa là nơi khởi đầu, là miền ký ức nối liền tuổi thơ và truyền thống gia đình, vừa là chốn mưu sinh khắc nghiệt và là cái bẫy khiến nhân vật chính mắc kẹt trong vòng lặp. Ngược lại, cây đàn là biểu tượng cho đam mê và sự tự do - một thế giới thuần khiết mà Cường luôn hướng tới. Sự giằng co giữa biển và đàn, giữa mưu sinh và mơ ước, lặp đi lặp lại xuyên suốt phim. Nhưng thay vì khiến người xem cảm thấy đồng cảm hay suy ngẫm, cách kể chuyện quá tối giản lại khiến khán giả bị bỏ rơi giữa chừng bởi không biết mình đang xem gì và vì sao mọi chuyện lại diễn ra như thế. Tác phẩm dường như quá mải mê xây dựng một thế giới biểu tượng cho riêng mình mà quên rằng khán giả cũng cần được dẫn dắt, cần được lắng nghe và được chạm tới cảm xúc. Tất cả trôi qua như một bài thơ thị giác, không dễ hiểu và cũng chẳng để lại dư vị gì rõ ràng.

Chẳng có phép màu nào cho người xem Đàn Cá Gỗ- Ảnh 6.

Chấm điểm: 2/5

Dù mang dáng dấp của một tác phẩm nghệ thuật chỉn chu, Đàn Cá Gỗ vẫn không thể vượt qua ngưỡng thị giác để thực sự chạm vào cảm xúc người xem. Những gì còn đọng lại chủ yếu là một vài khung hình ấn tượng hay đoạn nhạc vang lên đúng lúc - những yếu tố thường thấy trong các MV ca nhạc chất lượng chứ không phải là cốt lõi nên có ở một phim ngắn. Cách kể chuyện quá thiên về hình thức khiến mạch cảm xúc bị đứt đoạn, từ đó khiến mâu thuẫn nội tâm của nhân vật bị làm cho thiếu chất liệu sống dù đã cố gắng kể lại bằng những hình ảnh ẩn dụ. Với tất cả những gì đã thể hiện, bộ phim xứng đáng là một nỗ lực nghệ thuật nhưng còn quá non nớt để nhận được những tràng pháo tay và cái gật đầu từ khán giả.

Có lẽ, nếu bạn là fan nhạc phim hoặc cần tìm chút cảm hứng hình ảnh, Đàn Cá Gỗ có thể là lựa chọn tạm ổn cho một buổi tối rảnh rỗi. Còn nếu kỳ vọng vào một bộ phim thực sự - xin lỗi, ở đây không có phép màu nào cả!

Chẳng có phép màu nào cho người xem Đàn Cá Gỗ- Ảnh 7.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày