Đã đến lúc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, nhà nhà bắt đầu rộn ràng các công tác từ mua sắm đồ đạc đến dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Tuy nhiên, dù dọn hàng ngày hay thường niên thì nhiều người thường chỉ chú ý đến những khu vực bề mặt mà bỏ quên những nơi ẩn khuất dễ tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn.
Bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra 7 nơi trong nhà dễ bám bẩn, là những vùng đất vi khuẩn ẩn náu. Bạn tham khảo để nhanh chóng vệ sinh, tránh gây hại cho sức khỏe của gia đình nhé!
1. Ngăn đựng bột giặt của máy giặt
Thói quen vệ sinh máy giặt định kỳ là để tránh vi khuẩn, nấm mốc phát triển bên trong, gây ô nhiễm quần áo và ảnh hưởng xấu đến da. Tuy nhiên, có 1 sơ suất phổ biến là nhiều người chỉ vệ sinh lồng giặt và gioăng cao su mà quên mất ngăn đựng bột giặt – trong khi đây lại là nơi tích tụ vi khuẩn và nấm mốc nhiều hơn cả.
Ngăn này không chỉ là chỗ chứa bột giặt, nước giặt hay nước xả mà còn là vị trí của đường cấp nước. Vì luôn ẩm ướt nên đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Không để ý vệ sinh sạch sẽ đồng nghĩa với việc bạn đang giặt quần áo trong một chiếc máy chứa đầy vi khuẩn.
Cách vệ sinh ngăn đựng bột giặt khá đơn giản, bạn có thể làm theo các bước:
- Tháo ngăn ra và rửa sạch: Đối với hầu hết các máy giặt, chỉ cần ấn hoặc nhấc phần màu xanh ở giữa là có thể tháo ngăn ra. Nếu không có phần màu xanh, hãy nhấn vào góc lõm bên phải rồi kéo nhẹ ngăn ra ngoài.
- Làm sạch bên trong máy: Sau khi tháo ngăn, đừng quên vệ sinh cả phần thành máy bên trong. Nếu bỏ qua, việc làm sạch coi như vô ích vì nấm mốc vẫn còn.
-Duy trì thói quen: Sau mỗi lần giặt, hãy tháo ngăn ra để hong khô, tránh để ẩm ướt gây nấm mốc. Đặc biệt, với các dòng máy giặt thông minh có ngăn tự động đong nước giặt xả, việc vệ sinh càng cần làm thường xuyên hơn.
2. Vòi hoa sen
Bạn đã từng gặp tình trạng vòi sen sử dụng lâu ngày, một số lỗ phun nước không hoạt động không? Đây là dấu hiệu cho thấy bên trong vòi sen đã bị bám đầy cặn nước và vi khuẩn.
Nếu không làm sạch, vi khuẩn và cặn bẩn tích tụ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt với những ai có thói quen dùng vòi sen để súc miệng. Chưa kể tắm nước từ vòi sen bẩn cũng dễ khiến da bạn bị kích ứng, nổi ngứa.
Để vệ sinh vòi sen hiệu quả, bạn tham khảo 2 cách sau:
- Với vòi sen cầm tay: Tháo vòi sen ra và ngâm trong nước pha axit citric (hoặc nước chanh) khoảng 30 phút. Sau đó, dùng bàn chải nhỏ cọ sạch các lỗ phun nước để loại bỏ hoàn toàn cặn bẩn.
- Với vòi sen gắn cố định: Nếu tháo được, bạn cũng áp dụng cách ngâm như trên. Còn không thể tháo, hãy dùng một túi nhựa chứa nước axit citric, bọc kín đầu vòi sen lại và để ngâm trong khoảng 30 phút. Sau đó, xả nước mạnh để rửa sạch.
Hãy nhớ lên lịch vệ sinh vòi sen định kỳ, đặc biệt trong dịp tổng vệ sinh cuối năm để đảm bảo nguồn nước sạch khi tắm và bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
3. Rèm cửa
Bạn có nhớ lần cuối cùng giặt rèm cửa là khi nào không? Nhiều gia đình thường quên mất việc này, để rèm cửa tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh, làm giảm chất lượng không khí trong nhà.
Dịp cuối năm, dù bận rộn thế nào, bạn cũng nên dành thời gian tháo rèm cửa xuống để làm sạch. Rèm cửa sạch không chỉ giúp không gian tươi mới mà còn đảm bảo sức khỏe gia đình.
Vệ sinh rèm cửa ở nhà cũng không hề tốn công như bạn nghĩ. Rèm cửa hoàn toàn có thể giặt được bằng máy giặt.
- Với loại rèm có vòng treo (loại Roman): Dùng dây buộc các vòng treo lại, sau đó cho vào túi giặt và giặt máy.
- Rèm có móc treo: Dùng một đôi tất dày bao các móc lại để tránh phải tháo móc, giúp giặt dễ dàng hơn.
- Phơi rèm sau khi giặt: Nếu có chỗ phơi ngoài trời, hãy để rèm khô tự nhiên dưới nắng. Nếu không, bạn có thể treo rèm trực tiếp lại vị trí cũ để rèm tự khô. Vừa tiết kiệm công sức, vừa giúp rèm giữ phom dáng.
4. Cửa gió điều hòa
Vệ sinh điều hòa cũng rất quan trọng vì không chỉ giúp máy hoạt động hiệu quả mà còn đảm bảo không khí trong lành. Nhiều người nghĩ chỉ cần tháo lưới lọc ra rửa là đủ nhưng thực tế, cửa gió điều hòa mới là nơi tích tụ nhiều nấm mốc và vi khuẩn nhất. Vì nằm ở vị trí khuất, cửa gió thường bị lãng quên, tạo ra nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình.
Lời khuyên là thay vì tự làm thì bạn nên thuê dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp để tiến hành vệ sinh sâu toàn bộ điều hòa. Những bộ phận như cửa gió, quạt gió, lá tản nhiệt và dàn bay hơi đều cần được làm sạch kỹ lưỡng. Tự tháo lắp có thể gây hư hỏng nếu bạn không có kinh nghiệm.
Một lần vệ sinh chuyên sâu không chỉ giúp điều hòa hoạt động tốt hơn mà còn bảo vệ sức khỏe cả gia đình. Đừng đợi đến khi thấy mùi khó chịu hay điều hòa có dấu hiệu xuống cấp mà nhớ vệ sinh định kỳ nhé!
5. Bình đựng nước rửa chén
Nhiều bồn rửa hiện đại được trang bị bình đựng nước rửa chén tiện lợi, chỉ cần nhấn là xà phòng chảy ra. Tuy nhiên, bạn có biết bên trong bình này thường bị ẩm mốc và đen sạm do môi trường ẩm ướt?
Thử tưởng tượng, nước rửa chén của bạn chứa trong một bình đầy vi khuẩn, liệu chén bát sau khi rửa có sạch? Nguy hiểm hơn, những vi khuẩn này có thể bám vào bát đĩa nhưng mắt thường không thể nhìn thấy.
Vậy nên giải pháp tiện lợi và an toàn hơn là bạn nên bỏ bình nước rửa chén cũ đi và dùng ống mềm nối dài kết hợp với chai nước rửa chén thông thường. Một đầu nối trực tiếp với chai nước rửa chén, đầu kia nối với nút nhấn trên bồn rửa.
Ưu điểm của việc dùng ống nối dài là bạn không cần phải đổ đầy xà phòng vào bình thường xuyên, mà vệ sinh ống cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với vệ sinh bình chứa bị mốc.
6. Ruột gối
Chúng ta thường giặt vỏ gối định kỳ nhưng lại bỏ qua ruột gối. Thậm chí nhiều người dù thấy ruột gối đã ố vàng, đen sạm vẫn không nghĩ đến việc vệ sinh hay thay mới.
Thực tế, chính ruột gối mới là nơi tích tụ mồ hôi, dầu nhờn, tế bào da chết... tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và mạt bụi phát triển. Ngủ trên gối bẩn lâu ngày có thể làm bạn bị ngứa da đầu, kích ứng da hoặc gặp các vấn đề về hô hấp.
Do đó, khoảng 3 - 6 tháng, ít nhất 1 năm 1 lần, hãy vệ sinh định kỳ và nên thay mới ruột gối khoảng 2 năm/lần.
Bạn để ý là nếu ruột gối làm từ chất liệu có thể giặt (như bông hoặc polyester) thì giặt sạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Còn với các loại ruột không thể giặt (như cao su non) thì thay mới luôn để đảm bảo sức khoẻ.
7. Đệm
Chiếc đệm mà bạn sử dụng hàng ngày có thể là "ổ vi khuẩn và mạt bụi" nếu không được vệ sinh đúng cách, nhất là khi trên đệm có các vết bẩn như mồ hôi, thậm chí là nước tiểu hay kinh nguyệt. Cũng như ruột gối, lâu ngày đệm bẩn không chỉ gây khó chịu mà còn dẫn đến các vấn đề về da và hô hấp.
Để làm sạch đệm hiệu quả, bạn có thể tham khảo các cách dưới đây:
- Vệ sinh hàng ngày: Sử dụng máy hút bụi hoặc máy hút mạt bụi để loại bỏ bụi và mạt trên bề mặt.
- Làm sạch vết bẩn nhỏ, nhẹ: Chuẩn bị dung dịch gồm 100ml oxy già (hydrogen peroxide), vài giọt nước rửa chén và nước. Sau đó xịt dung dịch lên vết bẩn, để yên 10 phút. Tiếp theo là dùng khăn khô lau sạch và sấy khô bằng máy sấy tóc.
- Làm sạch vết bẩn nghiêm trọng: Nên thuê dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp để đảm bảo đệm sạch hoàn toàn.
Lưu ý là nên vệ sinh đệm 3-6 tháng/lần để duy trì không gian ngủ sạch sẽ. Nếu đệm đã quá cũ hoặc bị sụp lún thì cân nhắc thay mới.
Nguồn: Toutiao