Chân dung vị tỷ phú người Ấn Độ đang làm “dậy sóng” giới siêu giàu thế giới

Mỹ Linh, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 20:30 28/03/2021

Sau hai thập kỷ xây dựng đế chế kinh doanh tập trung vào than đá, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani hiện muốn tiến sâu hơn vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch nhằm củng cố tương lai cho tập đoàn của ông.

Adani đã nổi lên là một "ông vua" cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh của mình từ mỏ, cảng và nhà máy điện cho đến sân bay, trung tâm dữ liệu và quốc phòng - những lĩnh vực mà Thủ tướng Modi cho là rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu kinh tế của Ấn Độ. Các nhà đầu tư rất đề cao các mũi nhọn kinh tế này, đặt cược chiến lược của ông trùm trong việc kết hợp lợi ích cá nhân với chương trình phát triển của chính phủ sẽ đem lại thành công.

Chân dung vị tỷ phú người Ấn Độ đang làm “dậy sóng” giới siêu giàu thế giới - Ảnh 1.

Giá trị vốn hoá của 6 công ty niêm yết của tập đoàn tăng thêm 75 tỷ USD trong năm qua khi đại dịch bùng phát, chứng kiến đợt tăng giá trong 12 tháng tốt nhất lịch sử. Đó là con số tốt thứ ba, chỉ đứng sau hai đế chế kinh doanh lớn nhất của quốc gia là Tata Group và Reliance Industries do tỷ phú Mukesh Ambani đứng đầu. Những blue-chip hàng đầu của ngành, bao gồm "gã khổng lồ" dầu khí Pháp - Total SE và Warburg Pincus LLC đã đầu tư tiền vào các công ty của Adani.

Trong vòng chưa đầy hai năm, Adani đã giành được quyền kiểm soát bảy sân bay và gần một phần tư lưu lượng hàng không của Ấn Độ. Ông đã tiết lộ kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo của mình lên gần gấp tám lần vào năm 2025, tin rằng mình sẽ được hưởng lợi khi chính phủ tiến hành các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính ròng vào giữa thế kỷ này. Tuần trước, ông đã giành được hợp đồng phát triển một bến cảng ở Sri Lanka, một nước láng giềng mà Ấn Độ đang muốn thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc lên khu vực này. Adani Enterprises đã ký một thỏa thuận vào tháng trước với EdgeConneX để phát triển và vận hành các trung tâm dữ liệu trên khắp Ấn Độ.

Đi lên từ than đá

Chân dung vị tỷ phú người Ấn Độ đang làm “dậy sóng” giới siêu giàu thế giới - Ảnh 2.

Các công ty Adani gần như phụ thuộc hoàn toàn vào than đá - chiếm 80% trong tổng số 13 tỷ USD doanh thu của tập đoàn (Nguồn: Bloomberg)

Tim Buckley, giám đốc tài chính năng lượng của Úc và Nam Á tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, gọi tắt là IEEFA, cho biết: "Adani rất am hiểu về chính trị và đầu tư vào hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng hợp lý, lâu đời. Miễn là Ấn Độ duy trì được sự tăng trưởng mạnh mẽ, tập đoàn này sẽ ngày càng thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của ông ấy và chứng kiến ​​sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu tăng vọt".

"Việc tập trung vào cơ sở hạ tầng của Ấn Độ hình thành 'cốt lõi của triết lý' trong xây dựng quốc gia của chúng tôi, và tập đoàn đã tạo ra hàng nghìn việc làm cũng như mang lại giá trị chưa từng có cho các cổ đông của mình" - Adani phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ JPMorgan vào tháng 9. Sau khi khởi nghiệp với tư cách là một nhà kinh doanh hàng hóa vào cuối những năm 1980, Adani hiện giàu hơn Jack Ma và là người giàu thứ hai Ấn Độ với giá trị tài sản ròng lên đến 56 tỷ USD. Ông đã đóng góp 50 tỷ USD vào khối tài sản của mình trong năm qua, nhiều hơn khoảng 5 tỷ USD so với Ambani, người đàn ông giàu nhất châu Á, theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg. Giá trị tài sản ròng của Adani đã tăng nhiều hơn bất kỳ tỷ phú nào khác trong năm nay.

Adani đã trở thành tâm điểm của quốc tế khi ông giành được một dự án than ở Úc vào năm 2010. Kể từ đó, ông liên tục nhận phải chỉ trích từ các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu bao gồm cả Greta Thunberg. Chiến dịch "Ngăn chặn Adani" của các nhà bảo vệ môi trường đã làm gián đoạn sự phát triển, với áp lực buộc các bên cho vay phải ngừng cấp tín dụng cho tập đoàn của ông. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019 với Bloomberg News, Adani cho biết mục tiêu của dự án là an ninh năng lượng cho Ấn Độ và việc làm cho người dân địa phương.

Nhưng ở quê nhà, Adani cũng lại là trung tâm của một cuộc tranh cãi khác ngày càng lớn hơn, đặc biệt là sau khi Modi trở thành thủ tướng vào năm 2014. Những người phản đối nhà lãnh đạo quyền lực cho rằng thành công của Adani phần lớn là nhờ sự thân thiết của ông với Modi - một cáo buộc bị ông trùm phủ nhận - và xu hướng điều chỉnh các khoản đầu tư của mình với các mục tiêu chính sách của Modi.

Các nhà phê bình chỉ ra các báo cáo rằng chính phủ liên bang dưới thời Modi đã nới lỏng các quy tắc đấu thầu sân bay, giúp nhóm của Adani đủ điều kiện mặc dù chưa có kinh nghiệm điều hành sân bay trước đó. Hợp đồng cho thuê mà tập đoàn giành được ở bang Kerala, miền Nam nước này đã phải đối mặt với thách thức trước tòa, với một bộ trưởng địa phương vào năm ngoái gọi việc trúng thầu là "một hành động của chủ nghĩa thân hữu trơ trẽn".

Những mối liên quan cũ

Giống như Modi, Adani đến từ bang Gujarat, miền tây Ấn Độ. Khoảng hai thập kỷ trước, Adani đã công khai ủng hộ ông Modi khi một cuộc khủng hoảng đe dọa chấm dứt sự nghiệp của chính trị gia đang lên. Modi đã bị tấn công bởi các đối thủ và doanh nhân, những người cáo buộc ông đã không ngăn chặn được các cuộc bạo động giáo phái đẫm máu ở quê nhà vào năm 2002. Adani đã tạo ra một hành lang công nghiệp khu vực và giúp khởi động hội nghị thượng đỉnh đầu tư toàn cầu hai năm một lần ở Gujarat vào năm 2003, gia tăng uy tín cho Modi trong lĩnh vực kinh doanh.

Nilanjan Mukhopadhyay, một nhà phân tích chính trị đã viết cuốn tiểu sử Narendra Modi: The Man, The Times, cho biết: "Mối quan hệ hệ giữa Modi và Adani đã được hình thành trong năm 2003. Vận may của Adani chắc chắn sẽ lụn bại nếu Modi không lên nắm quyền. Nếu điều đó xảy ra, ông ta sẽ phải bắt đầu thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với đảng cầm quyền mới".

Cải cách một cách khéo léo

Thị trường tín dụng sôi động đã giúp thúc đẩy sự mở rộng của Adani. Adani Ports & Special Economic Zone đã bán trái phiếu USD kỳ hạn 10 năm vào tháng 1 với mức lãi suất giảm xuống còn 3,10%, so với 4,375% vào tháng 6 năm 2019. Adani Green Energy đã ký một khoản vay 1,35 tỷ USD vào tuần trước từ 12 ngân hàng bao gồm Standard Chartered Plc và Sumitomo Mitsui Banking Corp., một trong những khoản vay tái tạo lớn nhất ở châu Á.

Trong khi Credit Suisse Group AG ước tính tổng nợ của tập đoàn đã tăng 29%, lên 24 tỷ USD trong sáu tháng đến tháng 9 so với một năm trước đó, một loạt hành động như "hàng rào khoanh vùng" (ring fencing) và thương mại hóa tài sản trí tuệ năm 2015 của tập đoàn đã làm các chủ nợ yên lòng hơn.

Mối đe dọa lớn nhất mà Adani phải đối mặt là than đá. Các tổ chức tài chính trên khắp thế giới đang ngày càng chịu áp lực trong việc tránh cấp vốn cho các dự án năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch - được cho là "bẩn nhất". Các khoản đầu tư hơn 2 tỷ USD của ông vào Úc đang gặp nhiều thách thức và chậm trễ, và có thể gây rủi ro cho bất kỳ đơn vị nào tham gia tài trợ cho sự phát triển. "Adani biết rằng than đá là một tài sản không có triển vọng", IEEFA’s Buckley cho biết.

Chân dung vị tỷ phú người Ấn Độ đang làm “dậy sóng” giới siêu giàu thế giới - Ảnh 3.

Tập đoàn đã vay nợ ngày càng lớn nhằm đạt được những mục tiêu tăng trưởng của mình (Nguồn: Bloomberg)

Theo Bloomberg