Theo quy định, sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu một khoản chi phí từ 20%-30% tổng giá trị gói thầu. Nhà thầu sử dụng số tiền này để trả lương cho công nhân, người lao động và thuê máy móc thiết bị, mua trước vật liệu...
Sau đó, nhà thầu phải chứng minh khoản tiền ấy được sử dụng đúng mục đích và đối tượng bằng cách nộp bảng sao các hóa đơn, chứng từ hoặc tài liệu liên quan cho chủ đầu tư và sẽ bị thu hồi số tiền tạm ứng nếu sử dụng không đúng mục đích. Tiền tạm ứng dù được chuyển cho nhà thầu nhưng chủ đầu tư vẫn giữ quyền sở hữu và có trách nhiệm kiểm soát, bảo đảm thực hiện các nội dung đã nêu trong hợp đồng.
Trường hợp liên doanh, ký hợp đồng giữa nhà thầu chính với nhà thầu phụ để thi công một phần hạng mục công việc đều phải có trong hồ sơ dự thầu trước đó hoặc được chủ đầu tư chấp thuận, kể cả tạm ứng hay thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho nhà thầu phụ.
Với các công trình lớn như đường bộ cao tốc có dự toán lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng, mỗi đợt thanh toán có kèm theo các công việc chi tiết. Vậy số tiền tạm ứng khá lớn sử dụng vào mục đích gì mà đến nay chưa trả lương cho công nhân?
Nhà thầu còn có trách nhiệm mua bảo hiểm cho công nhân, người lao động và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba cho các rủi ro trên công trường.
Tất cả các khoản chi phí này đều có trong hợp đồng được chủ đầu tư tạm ứng, thanh toán. Công nhật phải được nhà thầu ghi lại, kê khai chi phí, giám sát theo dõi và được chủ đầu tư đồng ý.
Quy trình, thủ tục xây dựng nước ta hiện nay khá chặt chẽ và kèm theo các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho công nhân, người lao động làm việc trên công trường.
Song, trong thực tế, không ít nhà thầu trốn tránh trách nhiệm hoặc sợ tốn kém nên không ký hợp đồng với người lao động, khi xảy ra sự cố thì gây tổn thất cho nạn nhân rất nhiều.
Vì vậy, cần có cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành pháp luật để kịp ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong xây dựng, thu hồi lại chi phí nào nhà thầu không thực hiện công việc liên quan trong hợp đồng. Nếu chậm trả lương còn phải tính thêm tiền lãi suất quá hạn ngân hàng, tránh các trường hợp nhà thầu cố tình kéo dài để hưởng lợi.
Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được thực hiện bằng vốn ngân sách, tạm ứng và thanh toán các chi phí đều phải theo đúng quy định. Không khó xác định nguyên nhân, trách nhiệm đến nay vẫn chưa trả lương cho công nhân. Kiểm tra dòng tiền tạm ứng, thanh toán, giải ngân đầu tư công sẽ rõ và giúp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.