Mới đây, theo thống kê của Bộ Y tế, trên cả nước đã xuất hiện hàng nghìn ca mắc tay chân miệng. Trong đó đã có một trường hợp tử vong. Số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.
Tay chân miệng là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể gặp ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Dấu hiệu để nhận biết con bạn mắc bệnh tay chân miệng chia theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, trẻ bị tay chân miệng xuất hiện sốt nhẹ thoáng qua, đau họng, miệng tiết nước bọt liên tục, chán ăn, tiêu chảy nhẹ, nhiều trẻ bị nổi hạch ở cổ hoặc dưới hàm.
Ở giai đoạn khởi phát, bề mặt da của trẻ bắt đầu xuất hiện những nốt ban đỏ với đường kính 2-3mm, tập trung ở lòng bàn tay, bàn chân, xung quanh miệng. Chúng sẽ tiến triển thành những nốt ban đỏ, dạng phỏng nước.
Ở giai đoạn toàn phát (bệnh kéo dài 3-10 ngày), trẻ xuất hiện tình trạng loét miệng, toàn thân nổi phát ban ở dạng phỏng nước, trẻ dễ sốt cao, nôn ói, dễ gặp nguy cơ biến chứng liên quan đến hệ thần kinh, hô hấp và tim mạch.
Ngoài ra, trẻ mắc tay chân miệng nghiêm trọng sẽ quấy khóc, sốt cao liên tục không hạ, hay giật mình. Lúc này, cha mẹ cần đưa đi bệnh viện gấp. Bệnh ở giai đoạn mới chớm hoàn toàn có thể chữa khỏi tại nhà. Tuy nhiên, điều trị tại nhà cho trẻ bị tay chân miệng như thế nào thì không phải ai cũng biết.
Hỏi: Con em mấy nay quấy khóc, đau miệng, toàn cơ thể mọc nhiều nốt mụn. Đến hôm nay thì ở dưới lòng bàn chân đã chuyển thành dạng mụn có mủ, có nước. Có phải cháu đã bị tay chân miệng không ạ? Điều trị cho trẻ bị tay chân miệng tại nhà như thế nào ạ? Xin bác sĩ hướng dẫn. Em cảm ơn bác sĩ!
BS Đoàn Hải Đăng (có 5 năm kinh nghiệm làm việc tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) chia sẻ qua video dưới đây:
BS Đoàn Hải Đăng hướng dẫn cách chăm sóc bé bị tay chân miệng tại nhà
Chào bạn!
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà vốn không quá khó nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Cha mẹ vẫn cho con ăn uống, vệ sinh bình thường. Chú ý 5 điểm quan trọng sau đây:
- Hạn chế cho trẻ ăn đồ chua vì đồ chua có thể khiến bé bị đau miệng.
- Chú ý vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay cho con và cả người chăm sóc.
- Tắm rửa cho con bình thường.
- Người chăm sóc bé cần đeo khẩu trang trong toàn bộ quá trình tiếp xúc. Nếu có thể đeo khẩu trang cho bé trong thời gian bị tay chân miệng thì càng tốt.
- Nếu con bạn đã đi khám và được kê thuốc uống thì cần tuân thủ uống thuốc theo đơn. Ngoài ra, cha mẹ có thể bôi thuốc su bạc trực tiếp tại những nốt tổn thương thì bé sẽ thấy dễ chịu hơn.
Nếu bé bị đau miệng nhiều thì có thể uống thuốc giảm đau để giúp con ăn uống tốt hơn hoặc cũng có thể bôi thuốc giảm đau tại chỗ.
Nếu con bị ngứa ngáy nhiều, ngứa toàn thân thì có thể uống kháng histamin tùy theo tuổi để bé đỡ cảm giác ngứa ngáy.
Trong trường hợp bé nhà bạn có biểu hiện sốt cao kéo dài, lơ mơ, li bì, vật vã, hay giật mình thì đây là dấu hiệu biến chứng của bệnh tay chân miệng. Cha mẹ đừng chần chừ, nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt.
Chúc bé nhanh khỏe, cả nhà cùng vui!