Cha mẹ tranh thủ dạy con những điều này thì Tết nhất "nở mày nở mặt", đi đâu cũng được khen gia giáo

Thanh Hương, Theo Phụ nữ số 17:04 22/01/2025
Chia sẻ

Những đứa trẻ có giáo dưỡng không chỉ được người khác khen ngợi và tôn trọng trong cuộc sống, mà còn có cơ hội tốt hơn trong sự nghiệp tương lai.

Hành vi và cử chỉ của những đứa trẻ có giáo dưỡng mang lại cảm giác thoải mái cho người khác, từ đó dễ dàng chiếm được lòng tin và sự hợp tác của mọi người. Mối quan hệ tốt đẹp này chắc chắn sẽ mang lại nhiều may mắn và cơ hội tốt cho chúng trong tương lai.

Bên cạnh đó, phẩm chất biết lễ nghĩa và giữ quy tắc cũng là một nét truyền thống cần được tiếp nối. Cha mẹ nên rèn luyện và dạy dỗ con từ khi còn nhỏ, để chúng trở thành những đứa trẻ biết lễ phép và giữ quy tắc.

Dạy con 3 phép lịch sự quan trọng trong ngày Tết

1. Lịch sự khi đến thăm nhà họ hàng ngày Tết

- Khi đến nhà họ hàng, hãy gõ cửa ba lần, tuyệt đối không được đập cửa mạnh.

- Gặp ai cũng chào “Chúc mừng năm mới” (hoặc “Tết an lành”), đợi khi họ hàng mời “Mời ngồi” thì mới ngồi xuống. Tốt nhất là chờ người lớn ngồi trước rồi trẻ mới được ngồi.

- Khi họ hàng đưa trái cây hoặc bánh kẹo cho trẻ, hãy nhắc trẻ cúi người, dùng hai tay nhận lấy và mỉm cười nói: “Cảm ơn”.

- Không được tự ý lục lọi đồ đạc của nhà họ hàng mà chưa được phép, càng không được tự ý ra vào phòng ngủ của người khác hoặc ngồi lên giường của họ.

- Khi rời khỏi nhà họ hàng, hãy chủ động chào tạm biệt với thái độ vui vẻ.

Cha mẹ tranh thủ dạy con những điều này thì Tết nhất

Ảnh minh hoạ

2. Lịch sự khi nhận lì xì

Ngày Tết, trẻ thường được nhận lì xì từ người thân và bạn bè. Tuy nhiên, nhận lì xì cũng cần có những phép lịch sự riêng để tránh gây khó xử hoặc làm mất lòng người khác.

Vì vậy, hãy dạy trẻ những quy tắc sau khi nhận lì xì:

- Khi nhận lì xì từ người lớn, phải dùng hai tay để nhận và nói: “Cảm ơn, chúc cô/chú/bác/dì sức khỏe dồi dào”. Đây không chỉ là phép lịch sự mà còn là biểu hiện của sự tôn trọng.

- Không bóc lì xì ngay trước mặt người tặng, cũng không so sánh số tiền với những đứa trẻ khác. Khi nhận lì xì từ người lớn, không nên mở ra xem ngay, càng không được so sánh số tiền bên trong với bạn bè. Hành động này sẽ khiến người tặng cảm thấy khó xử và cho thấy trẻ không biết điều.

Dù biết trong lì xì có bao nhiêu tiền, trẻ vẫn cần giữ thái độ khiêm tốn và lễ phép. Nếu số tiền không như mong đợi, cũng không được thể hiện sự thất vọng mà thay vào đó nên bày tỏ lòng cảm kích và niềm vui.

- Sau khi nhận lì xì, hãy nói với cha mẹ ai là người đã tặng. Lì xì không chỉ là món quà vật chất mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự chúc phúc và tình cảm. Trong văn hóa của nhiều quốc gia châu Á, khi trẻ nhận lì xì từ họ hàng, cha mẹ thường chuẩn bị quà hoặc lì xì đáp lễ để thể hiện sự biết ơn và tôn trọng.

Quá trình trao đổi này không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Nếu trẻ nhận lì xì mà không nói với cha mẹ, dẫn đến việc cha mẹ không đáp lễ, điều này sẽ bị coi là bất lịch sự.

3. Lịch sự khi ngồi bàn ăn

Ngày Tết, khi đi thăm nhà ai, chủ nhà thường chuẩn bị một bàn tiệc đầy ắp thức ăn ngon để tiếp đãi. Tuy nhiên, một số trẻ khi đối mặt với bàn tiệc phong phú lại quên mất phép lịch sự trên bàn ăn.

- Trước khi ăn, hãy chờ người lớn gắp món trước, sau đó trẻ mới được gắp. Cố gắng chờ khi đĩa thức ăn được xoay về phía mình rồi mới gắp, không được lật qua lật lại đĩa để chọn món mình thích.

- Không nhai thức ăn lớn tiếng, nói chuyện quá to, ho hoặc hắt hơi khi ngồi ăn, vì điều này ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng của người khác.

- Khi ăn cần giữ đúng tư thế và phép lịch sự, không được làm rơi rớt chén đũa gây tiếng động hoặc ngậm thìa vào miệng.

- Khi ăn xong và rời bàn, hãy dạy trẻ lễ phép nói: “Con ăn xong rồi, mời mọi người tiếp tục dùng bữa”. Sau đó xếp lại ghế ngay ngắn. Nếu có trái cây hoặc món tráng miệng sau bữa ăn, hãy để người lớn lấy trước, rồi trẻ mới lấy.

Phép lịch sự trên bàn ăn thực ra là một phần của văn hóa, đồng thời cũng là sự tôn trọng người khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày