Cha mẹ thường xuyên nói 3 câu này thì xin chúc mừng: Trẻ có EQ cực cao, đi đâu cũng được yêu thương, săn đón

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 10:10 16/08/2024
Chia sẻ

Con bạn có thường được nghe 3 câu này không?

Nếu cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái, thì ngược lại, con cái cũng chính là tấm gương phản chiếu khả năng làm cha mẹ của bạn. Theo thời gian, bản thân bạn cũng đã phải lùi lại một bước để nhận ra mình cần thay đổi những gì trong quá trình giao tiếp với con hàng ngày.

Jenny Woo là nhà nghiên cứu EQ, nhà giáo dục được đào tạo tại Harvard. Cô thường xuyên sử dụng 3 câu sau đây để giúp các con mình có EQ cao.

Cha mẹ thường xuyên nói 3 câu này thì xin chúc mừng: Trẻ có EQ cực cao, đi đâu cũng được yêu thương, săn đón- Ảnh 1.

"Lúc này con cảm thấy ra sao?"

Khi trẻ nổi cơn thịnh nộ, một phần là do chúng chưa đủ từ vựng diễn đạt nhằm thể hiện bản thân. Bởi vậy, nhiệm vụ của cha mẹ là giúp trẻ hiểu hơn về cảm xúc đang có bằng cách dạy thêm những từ miêu tả về cảm xúc cá nhân.

Cảm xúc không nhất thiết phải được xác định là tốt hay xấu mà là một phản ứng sinh học đối với một sự kiện bên ngoài mà đứa trẻ trải qua. Khi một đứa trẻ bắt đầu nhận thức và miêu tả được cảm xúc của bản thân thì đó chính là bước đầu tiên hình thành trí tuệ cảm xúc của con. Ban đầu, cách biểu đạt của trẻ có thể chỉ với vài từ đơn giản như "con buồn", và bị giới hạn với một số từ miêu tả cảm xúc cơ bản. Tuy nhiên, từng bước con sẽ dần hoàn thiện mình và có khả năng diễn tả cảm xúc phức tạp hơn khi trưởng thành.

Ví dụ, trẻ nói mình "buồn" là khi chúng thực sự cảm thấy cô đơn, xấu hổ hoặc bị hiểu lầm. Cha mẹ có thể giúp con nhận biết và diễn đạt cảm xúc cụ thể hơn bằng cách dạy chúng những cụm từ như "thất vọng", "chán nản" hay "lo lắng". Ngoài ra người lớn có thể đưa những từ vựng miêu tả cảm xúc vào thói quen hàng ngày để củng cố thêm khả năng tự nhận thức của trẻ.

Để giúp trẻ hiểu và biết cách diễn đạt cảm xúc, cha mẹ có thể dành thời gian trò chuyện, sử dụng sách tranh, video hoặc trò chơi để có thể vừa làm minh họa ví dụ, vừa giải thích các loại cảm xúc vui, buồn, tức giận, sợ hãi… nhằm giúp các bé có sự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp.

Sai lầm lớn nhất mà Jenny Woo quan sát thấy là cha mẹ thường dán nhãn cảm xúc là "tốt" hay "xấu". Thay vì phán xét một cảm giác, cha mẹ nên tập trung vào việc giúp con hiểu cảm giác đó tiết lộ điều gì về giá trị và nhu cầu của trẻ.

"Có vẻ hôm nay con đang không ổn nhưng không sao"

Ví như khi cha mẹ đang tức giận một việc gì đó, thay vì che giấu hay giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, hãy nên thành thật về sự khó chịu của mình cho con cái biết. Khi cha mẹ công khai cảm xúc của mình, họ đang chứng minh cho con cái thấy rằng việc có những cảm xúc mạnh mẽ là điều bình thường.

Căng thẳng và kìm nén cảm xúc quá mức có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tim. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia, ảnh hưởng đến huyết áp được nhân lên khi cơ thể bị căng thẳng. Bạn không thể cứ kìm nén những nỗi đau và sự thất vọng trong cuộc sống rồi mong đợi là mình sẽ khỏe mạnh, sẽ sống lâu trăm tuổi.

Bạn có thể nghĩ rằng trẻ em sẽ miễn nhiễm với điều này vì chúng chẳng có quá nhiều điều phải lo lắng, nhưng theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trẻ em không được miễn dịch khỏi bất cứ tình trạng bệnh nào.

Mặc dù hiếm khi trẻ bị các vấn đề về tim do căng thẳng, nhưng nó vẫn xảy ra. Tuy nhiên, trang bị cho chúng những công cụ thích hợp ngay từ khi còn nhỏ để xử lý căng thẳng một cách hiệu quả sẽ có ảnh hưởng đến chúng trong suốt cuộc đời.

"Cảm xúc của con là thật, nó có giá trị"

Cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của trẻ bằng cách cùng điều chỉnh với chúng. Theo đó, không được hạ thấp những cảm xúc vụn vặt của trẻ bằng những cụm từ mang tính bác bỏ như "cố phải chịu" hay "không có gì to tát cả". Đối với một đứa trẻ, cảm xúc là rất thật và có thể chiếm trọn tâm trí chúng.

Dưới đây là những gợi ý mà Jenny Woo khuyến nghị để giúp trẻ em và người lớn giải quyết các tình huống khó khăn:

- Hít một hơi thật chậm và sâu bằng mũi. Hãy tưởng tượng bạn đang tập hợp tất cả những cảm giác khó chịu. Thở ra và tưởng tượng mình đang thổi bay những cảm xúc đó như những đám mây đen. Hãy suy nghĩ: "Hít vào bình tĩnh, thở ra bão tố".

- Khi nghĩ về việc gì đáng xấu hổ mình đã làm, hãy thêm vào những chi tiết ngớ ngẩn, biến nó thành một câu chuyện cười.

- Hát thầm một giai điệu nào đó có thể làm dịu đi tâm trí đang tức giận.

Một đứa trẻ biết nhận diện cảm xúc, được lắng nghe, đồng cảm cũng có thể cảm nhận chính xác cảm giác của người khác. Đến một thời điểm nhất định trẻ tự nhận thức được hành vi của mình ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc và suy nghĩ của mọi người xung quanh.

Khi trẻ có thể đứng trên lập trường của người khác mà nhìn nhận chứng tỏ trẻ có khả năng nắm bắt, đồng cảm cũng như xử lý xung đột một cách hòa bình. Đây là thói quen tốt cần cho cuộc sống trong tương lai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày