Cho dù có thân thiết với cha mẹ đến đâu, cũng có lúc dường như những đứa trẻ không muốn mở lòng với cha mẹ. Lý do thì có nhiều, có thể do cha mẹ chưa dành nhiều thời gian cho con hoặc do trẻ có những mối quan tâm khác, thậm chí cả những lo lắng mà chúng không muốn cha mẹ biết. Đó là khi trẻ có những dấu hiệu bất ổn về tâm thần, cha mẹ cần hết sức chú ý chứ không nên bỏ qua.
Tiến sĩ Melinda Rees, nhà tâm lý học lâm sàng tư vấn và Giám đốc thương mại tại nền tảng hỗ trợ sức khỏe tâm thần Psyomics, cho rằng, mặc dù cha mẹ không thể để mắt đến con mọi lúc nhưng hãy tin vào bản năng của mình. Nếu thấy con có những biểu hiện chán nản hoặc lo lắng thì hãy nghĩ đến khả năng chúng đang bị sa sút tâm trạng. Ngoài ra, cũng theo tiến sĩ Melinda Rees, trẻ có 7 dấu hiệu dưới đây thì cũng là tín hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe tâm thần không ổn định.
1. Hạn chế tiếp xúc xã hội
Bỏ qua các hoạt động xã hội là một dấu hiệu bất ổn đối với trẻ em, nhất là trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Tiến sĩ Melinda nói: "Nếu bạn nhận thấy con mình dành ít thời gian hơn cho bạn bè và các thành viên trong gia đình, phần lớn thời gian thích ở một mình, thì đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Đặc biệt, nếu trước đây chúng thích gặp gỡ bạn bè, có bạn thân mà nay dường như bỏ qua tất cả thì điều này càng rõ hơn".
2. Luôn tỏ ra mệt mỏi
"Việc thanh thiếu niên muốn thức khuya và ngủ dậy muộn là điều bình thường, nhưng nếu con bạn dường như luôn kiệt sức, thực sự phải vật lộn để thức dậy và quá mệt mỏi để tham gia vào các hoạt động mà chúng từng yêu thích, thì đây là một dấu hiệu cảnh báo", Melinda nói.
Rất có thể đó là vì chúng đã không có được một giấc ngủ ngon vì quá nhiều tâm tư, suy nghĩ hoặc băn khoăn, trăn trở nào đó mà không thể nói ra, cho dù là nói với bố mẹ.
3. Dành nhiều thời gian cho mạng xã hội
"Hầu hết thanh thiếu niên hiện nay dành một phần thời gian cho các tương tác trên mạng xã hội, nhưng dành nhiều thời gian cho hoạt động này có thể làm sai lệch hiểu biết của chúng về thực tế cuộc sống và các mối quan hệ. Nếu con bạn tỏ ra đau khổ hoặc buồn bã sau khi dành thời gian sử dụng điện thoại để lên mạng xã hội, nhưng lại không thể không xem thì có nghĩa là nội dung chúng đang xem có thể đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của chúng", tiến sĩ Melinda giải thích.
Trong trường hợp này, cha mẹ cần kiểm tra điện thoại của con và có những cài đặt cần thiết để quản lý cũng như giới hạn thời gian cho con sử dụng.
4. Thường xuyên bỏ bữa
Bữa ăn gia đình là cơ hội tuyệt vời để mọi người chia sẻ câu chuyện, thông tin hay tâm tư của mình, nhưng nếu con bạn liên tục tránh những bữa ăn này thì có thể là do chúng đang cố gắng che giấu điều gì đó mà chúng đang ''vật lộn''. Đó cũng có thể là một dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống.
Trong trường hợp này, tiến sĩ Melinda khuyên cha mẹ nên thay đổi thực đơn bữa ăn để con có hứng thú tham gia ăn uống cùng gia đình để có cơ hội trò chuyện nhiều hơn.
5. Hay tức giận hoặc bật khóc bất ngờ
Con bạn có thường xuyên rơi nước mắt không?
Tiến sĩ Melinda nói, những cơn giận dữ hoặc òa khóc nức nở thường xuyên bùng nổ chỉ vì một kích hoạt nhỏ nhất, hoặc dường như không có lý do gì cả, là dấu hiệu cho thấy con bạn đang vật lộn để xử lý cảm xúc của mình. Có thể chúng đang phải vật lộn để đối phó với những suy nghĩ và cảm xúc nhất định.
Để hiểu con hơn, hãy để con bình tĩnh trở lại rồi mới nói chuyện. Và cha mẹ cũng đừng quên thường xuyên theo dõi những thay đổi ở con nhé.
6. Bắt đầu từ bỏ sở thích của mình
Hãy cảnh giác với việc con bạn không tham gia những việc chúng từng thích làm.
Melinda nói: "Nếu con bạn đột nhiên quyết định rời khỏi đội thể thao, câu lạc bộ hoặc từ bỏ sở thích của chúng mà không có lời giải thích, đặc biệt với những thứ trước đây chúng rất thích hoặc đã tham gia trong nhiều năm, thì các bậc cha mẹ hãy lưu ý, tìm hiểu xem nguyên nhân là gì đó. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất thường có liên quan đến tâm trạng của chúng".
7. Việc học hành của chúng đang trượt dốc
Một vài điểm kém xuất hiện có thể là do trẻ mất tập trung trong học tập, nhưng nếu trẻ có những thay đổi về điểm số và hành vi ở trường theo hướng đi xuống thì lại là dấu hiệu cảnh báo có vấn đề, bao gồm cả việc sức khỏe tâm thần của trẻ đang không ổn định.
"Giữ liên lạc thường xuyên với giáo viên của con là điều quan trọng đối với tất cả các bậc cha mẹ, vì giáo viên là người dễ dàng nhận thấy những thay đổi trong hành vi và thái độ của con bạn khi ở trường nhất", Melinda nói.
Nếu một giáo viên bắt đầu bày tỏ về việc con bạn bị "trượt dốc" trong học tập thì hãy kiểm tra xem có chuyện gì đang xảy ra với con, bởi nguyên nhân có thể không đơn thuần là lười biếng hoặc không theo kịp chương trình học.
Trẻ em chắc chắn cũng phải đối mặt với những căng thẳng của riêng mình, từ áp lực từ trường học, bạn bè, bạn học và thế giới nói chung - chưa kể đến sự thay đổi hormone của một cơ thể đang phát triển. Thêm vào đó, trẻ em chưa có kinh nghiệm và kiến thức để giải quyết mọi chuyện như người lớn nên chúng càng dễ phải chịu những căng thẳng về tâm lý khi có chuyện gì xảy ra.
Chính vì vậy, đừng để con một mình. Cha mẹ hãy luôn ở bên con để động viên, chia sẻ cũng như tìm cách gỡ rối giúp con, có như vậy, trẻ mới thêm tự tin, thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm cho cuộc sống sau này.
Nguồn: Thesun, HealthPartner