CEO Vũ Minh Trí là cái tên nổi bật trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam. Vị doanh nhân này cũng được rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ bởi "profile" cực khủng, từng nắm vị trí lãnh đạo cấp cao tại những tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam như: Sony Ericsson, Yahoo! Việt Nam, Microsoft Việt Nam,... Hiện tại, CEO Vũ Minh Trí đang là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ASIM Group.
Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực cần độ nhạy cao, nắm bắt xu hướng liên tục, gần gũi đội ngũ nhân viên trẻ, CEO Vũ Minh Trí có nhiều quan điểm mới trong cách làm việc. Đặc biệt, CEO còn dành nhiều sự quan tâm, kỳ vọng cho Gen Z - thế hệ những người sáng tạo, năng động.
Ngồi "ghế nóng" chương trình "Cơ hội cho ai - Whose chance?", CEO Vũ Minh Trí đang được nhiều ứng viên yêu thích bởi các tiêu chí tuyển dụng trẻ trung, cùng những lời khuyên hữu ích.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và tuyển dụng nhân tài, anh thấy tố chất nổi trội thường có ở người trẻ thành công là gì?
Đối với tôi, tôi chọn ứng viên có đủ hai tố chất: Giỏi chuyên môn và có thái độ tốt với công việc. Với các bạn có năng lực tốt mà thái độ không phù hợp sẽ khó có thể làm việc, phát triển trong doanh nghiệp.
Tại ASIM Group, chúng tôi đang trong giai đoạn khởi nghiệp, tôi đặc biệt quan tâm tới nhân sự có thái độ tốt, linh động trong suy nghĩ và hành động. Có bạn cho rằng, tôi được nhận để làm việc này, nhưng tôi lại phải làm một việc khác, không liên quan và tiêu cực trong phối hợp. Suy nghĩ đó của bạn không sai, nhưng sẽ không phù hợp với môi trường khởi nghiệp.
Những bạn linh động sẽ suy nghĩ rằng, tôi mạnh ở khía cạnh này, tôi được tuyển vào để làm việc này, nhưng với thế mạnh đó, tôi có thể góp sức cho những công việc khác nữa khi mà công ty cần. Và các bạn luôn sẵn sàng làm. Khi đó, các bạn nhận ra rằng, thế mạnh của các bạn chỉ là điểm bắt đầu thôi, khi làm thêm những việc ngoài thế mạnh đó thì các bạn sẽ học thêm nhiều kỹ năng khác nữa. Với những bạn có suy nghĩ như vậy, các bạn sẽ phát triển nhanh.
Tham gia Cơ Hội Cho Ai mùa này, anh đã chiêu mộ được ứng viên phù hợp với tiêu chí của mình chưa? Và anh đánh giá như thế nào về lực lượng lao động Gen Z nói chung?
Trong chương trình năm nay có rất nhiều các bạn thuộc thế hệ Z tham gia. Trong đó, một bạn trẻ Gen Z đã trở thành nhân viên của tập đoàn ASIM, phụ trách công việc phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội của công ty và đang hoàn thành tốt.
Nói về cách chiêu mộ, tập đoàn của tôi đang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực gắn liền với cuộc sống Gen Z như viễn thông di động, truyền hình, dịch vụ số, nên có nhiều lợi thế để hấp dẫn, thu hút các bạn trẻ. Cùng với đó, tập đoàn có các vị trí phù hợp với sở thích di chuyển, du lịch, sáng tạo cho phép các bạn có thể vừa đi chơi, vừa đi du lịch… mà vẫn làm việc, vẫn giới thiệu được dịch vụ tới tất cả mọi người.
Ngoài ra, với góc nhìn của người đi trước, tôi cũng hướng tới chia sẻ kinh nghiệm với các bạn để các bạn nhận ra động lực và thế mạnh của bản thân, sau đó sẽ có sự lựa chọn đúng.
Còn nếu để nhận xét chung về Gen Z, tôi nghĩ đây là thế hệ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận trí thức, kiến thức và phát triển các kỹ năng trong công việc. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa họ phải gánh nhiều kỳ vọng, nhiều áp lực và dễ mất cân bằng hơn.
Trong Tập đoàn, tỷ lệ nhân sự Gen Z ngày càng tăng lên. Các bạn trẻ nhiều năng lượng, cá tính, sáng tạo, chủ động. Có rất nhiều ý tưởng mới của các bạn đang được công ty phát triển, hiện thực hóa mong muốn "chuyển đổi cuộc sống số từ những điều bình thường nhất".
Cá nhân tôi thường xuyên tham gia các hoạt động team building trong Tập đoàn, những hoạt động do chính các bạn Gen Z trong công ty lên ý tưởng, đạo diễn và triển khai, tôi có ấn tượng rất tốt.
Anh từng chia sẻ: "Bây giờ đi làm văn phòng, 8 tiếng/ngày… xem ra không phù hợp Gen Z đâu, mà còn bị coi là lạc hậu". Vậy theo anh, họ nên làm mấy tiếng/ ngày thì sẽ phát huy tốt nhất hiệu quả công việc?
Tôi cũng muốn làm rõ hơn về chia sẻ này với các bạn.
Thời gian làm việc không giới hạn ở thời gian bạn ngồi tại văn phòng. Có rất nhiều không gian mở ngoài văn phòng có thể hỗ trợ tốt hơn cho kết quả công việc của nhân viên. Như bạn thấy, các tập đoàn công nghệ trên thế giới cũng hướng tới các không gian làm việc mở. Các bạn có thể làm việc ngay cả khi di chuyển, trong quán cafe… hoặc những địa điểm tạo cảm hứng tốt hơn cho việc sáng tạo của các bạn trẻ. Tại văn phòng của tôi, tôi cũng tạo ra một không gian làm việc mở, trẻ trung, linh hoạt, không cố định vị trí ngồi để tạo cảm hứng làm việc cho nhân viên.
Tôi không quản lý nhân viên trên số tiếng làm việc ngồi tại văn phòng, mà quản lý trên kết quả công việc. Tôi hướng tới sự linh hoạt để nhân viên chủ động sắp xếp và có trách nhiệm với công việc.
Và có những vị trí công việc thậm chí tôi không khuyến khích các bạn lên văn phòng thường xuyên, nhưng cũng không khuyến khích các bạn ở nhà. Ví dụ như bạn làm kinh doanh, tôi không ủng hộ bạn ngồi văn phòng quá nhiều, mà phải bám sát thị trường, bám sát khách hàng.
Có 1 thuật ngữ gần đây khá nổi đó là "nghỉ việc trong im lặng", nghĩa là nhân viên sẽ biến mất sau giờ hành chính, sếp sẽ không thể liên hệ hoặc giao việc ngoài giờ. Anh đánh giá như thế nào với những nhân viên đang muốn áp dụng cách làm việc này?
Tôi không thấy trường hợp "nghỉ việc trong im lặng" ở tập đoàn của mình. Trái lại, tôi thường xuyên bị nhân viên "ốp ngược" công việc ngoài giờ hành chính.
Theo tôi, khi bạn đã làm chủ được công việc, cam kết và "mê" nó, bạn sẽ luôn muốn công việc "chạy" được bất cứ lúc nào. Do vậy, tôi hướng tới việc mang lại cho nhân viên môi trường thoải mái, sáng tạo, mang lại quyền tự chủ, niềm tự hào về công việc và những đóng góp của họ trong công ty.
Hồi trẻ, anh có thích nhận việc ngoài giờ không?
Làm việc trong lĩnh vực công nghệ không có khái niệm "ngoài giờ". Bạn sẽ luôn nghĩ về công việc ngay cả khi bạn đang ngồi cafe cuối tuần. Công nghệ thay đổi mỗi ngày, nên bạn luôn luôn có rất nhiều thứ để bạn phải tìm hiểu và cập nhật thông tin.
Nếu như 8X, 9X ngày trước bị kinh tế đè nặng, dù công ty chế độ không tốt họ vẫn cố gắng bám trụ. Còn Gen Z ngày nay, họ sẵn sàng từ bỏ công ty/ từ bỏ sếp nếu nhận thấy không mang lại cho mình nhiều giá trị tinh thần. Đó gọi là cấp tiến hay là sướng quá hoá hư?
8X, 9X hay Gen Z đều có thể rời bỏ công ty nếu không thấy phù hợp.
Mỗi người sinh ra đã có 1 thiên bẩm là mình phù hợp với một công việc nào đó. Nếu làm đúng công việc sẽ giúp họ phát triển tối đa năng lực của bản thân. Việc nhận diện đúng bản thân, từ bỏ để tìm đến một cơ hội phù hợp hơn, tôi nghĩ đây là điều mà thế hệ trẻ, Gen Z đang làm rất tốt.
Do vậy tôi luôn đề cao việc phải tạo môi trường làm sao để mọi người được phát huy hết năng lực của bản thân. Bởi điều quan trọng nhất, là sự phù hợp.
Thà trả lương cao, đưa ra nhiều đãi ngộ để chiêu mộ 1 Gen Z thay vì tăng lương cho nhân sự cũ - đã có nhiều tuổi, có hay không thực trạng này ở các doanh nghiệp, công ty lớn hiện nay?
Với tôi nhân sự trong công ty sẽ gồm hai nhóm: nhân sự tài năng có kinh nghiệm, chuyên môn tốt và nhân sự tiềm năng có tố chất và thái độ tốt.
Tại ASIM Group tôi đưa vào áp dụng các nền tảng công nghệ để định lượng tốt nhất kết quả công việc của người lao động. Khi có một cơ chế đánh giá năng lực, KPI cụ thể sẽ kiểm soát tốt hơn việc đề bạt nâng lương cho nhân sự cũ hoặc tuyển dụng mới cho nhân mới, từ đó tạo "sự công bằng trong môi trường công sở".
Một giá trị/ quy tắc sẽ không bao giờ thay đổi trong môi trường công sở cũng như cuộc sống mà anh muốn chia sẻ với Gen Z?
Cũng giống như việc bạn ngồi trên một chiếc xe, nếu đặt mình vào vị trí cầm lái - "drive seat", bạn sẽ biết mình phải đi đâu bạn sẽ tìm cách để đến đích. Tức là bạn hiểu động lực khi bạn kiếm việc là gì, hiểu điểm mạnh yếu của bản thân bạn sẽ chủ động trong công việc, kiểm soát tốt cuộc sống.
Còn khi bạn đặt mình vào vị trí hành khách - "passenger seat" chắc chắn bạn sẽ bị động. Và nếu như trên hành trình có gặp trắc trở, những người ở vị trí này thường tìm lý do để đổ lỗi. Do vậy, hãy ở luôn đặt mình ở tâm thế "drive seat" và hiểu thật rõ động lực của mình trong công việc, cuộc sống.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Ảnh: NVCC