Thời gian gần đây, tại Việt Nam, nhiều hình thức lừa đảo tinh vi với sự hỗ trợ của công nghệ đã xuất hiện, nhắm đến những người có nhu cầu tìm việc làm.
Các đối tượng lừa đảo thường chuẩn bị kế hoạch tỉ mỉ, tận dụng tâm lý và nhu cầu của người tìm việc để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản. Một trong những chiêu trò phổ biến là mạo danh các công ty lớn, đưa ra lời mời làm việc, lương thưởng hấp dẫn rồi chiếm đoạt tài sản nạn nhân.
Điều này khiến cộng đồng mạng đặc biệt cảnh giác với các thông tin tuyển dụng trên mạng. Thậm chí, ngay cả chính chủ cũng “vạ lây” vì bị tưởng nhầm là lừa đảo như trường hợp của CEO Meta Vietnam mới đây.
Cụ thể, trong bài đăng trên nền tảng Threads, CEO Meta Vietnam - Khôi Lê cho biết đang tìm thêm đồng đội cho team Meta làm việc toàn thời gian ở văn phòng Meta ở Singapore, hoặc là Manila, Philippines.
“Vị trí lần này là mình đang tìm là: Marketing Science Partner. Bạn này sẽ làm việc cùng với team sales và trực tiếp với các khách hàng và đối tác lớn nhất của Meta tại Việt Nam và Philippines. Tiếng Việt là bắt buộc. Chi tiết về công việc và link apply bên dưới comment nhé”, bài đăng tuyển dụng của CEO Meta Vietnam - Khôi Lê cho hay.
Tuy nhiên, bên dưới bài đăng, nhiều cư dân mạng lại lầm tưởng đây là chiêu lừa tuyển dụng, rồi đưa sang các đường dây lừa đảo vốn đang được nhiều người quan tâm thời gian gần đây.
Thực tế, các tập đoàn toàn cầu thường sử dụng mạng xã hội như một kênh quan trọng để đăng tải thông tin tuyển dụng tại khu vực Đông Nam Á. Việc này giúp họ tiếp cận một lượng lớn ứng viên tiềm năng và đa dạng trong khu vực.
LinkedIn là mạng xã hội chuyên nghiệp phổ biến, được nhiều công ty sử dụng để tìm kiếm ứng viên. Với hơn 660 triệu người dùng trên toàn cầu, LinkedIn mang lại cơ hội tuyển dụng to lớn cho các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng. Nền tảng này cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân chuyên nghiệp, kết nối với các chuyên gia trong ngành và tìm kiếm việc làm phù hợp với kỹ năng và sở thích của mình. Đối với nhà tuyển dụng, LinkedIn cung cấp các công cụ mạnh mẽ để tìm kiếm và tiếp cận ứng viên phù hợp.
Facebook, Threads
Facebook, Threads thuộc Meta cũng là những kênh tuyển dụng hiệu quả. Với số lượng người dùng khổng lồ trên toàn thế giới, các nền tảng mạng xã hội của Meta mang lại khả năng tiếp cận lớn cho nhà tuyển dụng. Người dùng cũng có thể tìm kiếm công việc phù hợp và ứng tuyển trực tiếp thông qua nền tảng này.
Việc sử dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến giúp các công ty toàn cầu tiếp cận được nguồn nhân tài đa dạng và phong phú tại Đông Nam Á, đồng thời tăng cường hiệu quả trong quá trình tuyển dụng.
Sau khi ứng viên nộp đơn, nhóm tuyển dụng sẽ đánh giá hồ sơ để xác định mức độ phù hợp với vị trí ứng tuyển và có quá trình sàng lọc kỹ càng thông qua nhiều giai đoạn.
Để cảnh giác tránh bị lừa, các ứng viên nên kiểm tra kỹ các thông tin và liên hệ trực tiếp với tập đoàn, doanh nghiệp qua các kênh liên lạc chính thức để xác nhận thông tin tuyển dụng trước khi tiến hành cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào.
5 dấu hiệu lừa đảo tuyển dụng:
Mập mờ và trải qua nhiều công đoạn quá mức cần thiết là các dấu hiệu thường gặp của lừa đảo việc làm qua mạng. Dưới đây là 5 dấu hiệu giúp bạn xác định tin tuyển dụng mình đang đọc có phải là "cái bẫy" hay không.
1. Yêu cầu đặt cọc hoặc nộp phí
Những đối tượng lừa đảo giới thiệu việc làm sẽ yêu cầu ứng viên nộp phí đăng ký, phí xét tuyển hoặc một loại chi phí ngẫu nhiên nào đó. Hãy nhớ rằng không có một doanh nghiệp uy tín nào lại yêu cầu người lao động đóng tiền hay đặt cọc trước cả khi tuyển dụng.
2. Tin tuyển dụng không rõ ràng
Đã là mạo danh thì chắc chắn không thể cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp. Vì vậy, các thông tin tuyển dụng thường mơ hồ, chung chung và không bao giờ xuất hiện trên các trang web tìm việc uy tín.
3. Sử dụng tài khoản Facebook, Zalo ảo
Để không bị phát hiện, tội phạm chủ yếu liên lạc qua các tài khoản ảo trên Facebook và các mạng xã hội. Đôi khi là qua email nhằm tạo lòng tin, đánh lừa người lao động. Tuy nhiên, profile mạng xã hội của nhà tuyển dụng thật sự sẽ trông rất chuyên nghiệp và trải qua quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân bài bản.
4. Nhấn mạnh “việc nhẹ lương cao”
Nắm bắt tâm lý muốn nhanh chóng kiếm tiền của nhiều người lao động, thủ phạm thường giới thiệu các thông tin tuyển dụng với mức lương hấp dẫn, công việc dễ dàng nhưng lại không yêu cầu kinh nghiệm hoặc trình độ chuyên môn cao. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ trước khi đặt niềm tin vào những tin tuyển dụng!
5. Yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm
Trên danh nghĩa nhà tuyển dụng, những đối tượng lừa đảo sẽ cố gắng lấy được số CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu đăng nhập các tài khoản cá nhân trên mạng của ứng viên để thực hiện các hành vi bất chính.
Công an TP.HCM khuyến cáo mỗi cá nhân có nhu cầu tìm việc nên liên hệ trực tiếp các công ty, doanh nghiệp trên các kênh chính thức, trực tiếp đến công ty xác nhận để đảm bảo an toàn. Đồng thời, các công ty, doanh nghiệp bị mạo danh cần kịp thời ra thông báo cảnh báo hành vi giả mạo, báo cáo công an về hành vi giả mạo lừa đảo trên để đấu tranh, xử lý theo quy định.
"Các thương hiệu lớn đều chủ trương công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, tuyển dụng… Vì vậy, người lao động khi nhận được bất kỳ lời mời ứng tuyển nào thì cần thận trọng kiểm tra thông tin ở các nguồn tin chính thống của doanh nghiệp, website chính thức, gọi điện thoại trực tiếp vào số hotline", Công an TP.HCM khuyến cáo.