Cuộc gọi có khả năng làm "bốc hơi" hàng chục triệu đồng trong tài khoản

Huỳnh Duy, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22:32 22/01/2025
Chia sẻ

Việc gọi điện thoại để lừa đảo tuy không mới nhưng các đối tượng luôn dùng những chiêu trò mới với thủ đoạn tinh vi để lừa đảo.

Cuộc gọi từ công an giả mạo

Thời gian qua, nhiều người dân trong tỉnh phản ánh thường xuyên nhận được các cuộc gọi tự xưng là cán bộ Công an các phường, xã hoặc Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân để cập nhật, chỉnh sửa căn cước, cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID và thực hiện các dịch vụ công thông qua đường link lạ.

Thực chất, khi làm theo hướng dẫn của các đối tượng thì người dân sẽ bị các đường link có mã độc xâm chiếm, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc bị đối tượng lừa chuyển tiền để thực hiện các thủ tục.

Cuộc gọi có khả năng làm "bốc hơi" hàng chục triệu đồng trong tài khoản- Ảnh 1.

Hãy cảnh giác với thủ đoạn giả danh Công an yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin căn cước, cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID qua điện thoại. (Ảnh minh hoạ)

Khi người dân có thái độ phân vân, chần chừ thì các đối tượng thông báo nếu không thực hiện cập nhật, chỉnh sửa hoặc cài đặt thì sẽ mất thông tin, không được cấp căn cước hoặc sẽ bị xử phạt,… làm người dân lo lắng và nhanh chóng mắc "bẫy" của những kẻ lừa đảo.

Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo truy cập đường link để sửa sai, cập nhật thông tin cá nhân, cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID, thực hiện các thủ tục dịch vụ công, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân:

Thứ nhất, thông tin công dân, tài khoản định danh điện tử do cơ quan Công an trực tiếp quản lý, việc cập nhật, điều chỉnh thông tin công dân trên hệ thống phải được thực hiện trực tiếp tại cơ quan Công an, người dân không thể tự cập nhật, thay đổi thông tin. Vì vậy, cán bộ Công an không bao giờ gọi điện thoại hướng dẫn công dân vào zalo hoặc các trang mạng xã hội khác truy cập đường link để chỉnh sửa, cập nhật thông tin, cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID, thực hiện các thủ tục dịch vụ công từ các nguồn không chính thống.

Thứ hai, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên tìm đọc, chia sẻ những bài cảnh báo thủ đoạn tội phạm tương tự để cộng đồng biết, phòng tránh; khi gặp dấu hiệu nghi vấn, đáng ngờ cần liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, tuyệt đối không làm theo yêu cầu các trường hợp nghi vấn mạo danh Công an qua điện thoại, mạng xã hội.

Thứ ba, bảo vệ thông tin cá nhân, không công khai các thông tin như ngày tháng năm sinh, số CMND, CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo, cần chọn lọc thông tin trước khi chia sẻ công khai lên mạng xã hội./.

Cuộc gọi từ nhân viên bảo hiểm giả mạo

Theo VNCERT/CC, hành vi giả mạo thương hiệu doanh nghiệp bảo hiểm để gửi tin nhắn, gọi điện thoại với nội dung ‘được nhận tiền bảo hiểm’ hoặc đề nghị ‘thanh toán tiền bảo hiểm’ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cũng là chiêu lừa phổ biến khác.

Về thủ đoạn cụ thể, VNCERT/CC cho hay, đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại lạ, giả mạo để gửi tin nhắn, gọi điện thoại dẫn dụ người dân liên hệ với nhân viên của công ty bảo hiểm, đến địa chỉ chúng yêu cầu nhận tiền bảo hiểm hoặc liên hệ công an xác minh.

Cuộc gọi có khả năng làm "bốc hơi" hàng chục triệu đồng trong tài khoản- Ảnh 2.

VNCERT/CC khuyến nghị người dân không cung cấp cho đối tượng lạ các thông tin về hợp đồng bảo hiểm, CCCD, tài khoản ngân hàng,... (Ảnh minh hoạ)

Tiếp đó, với lý do cần xác thực cung cấp thông tin, cần nộp phí để nhận tiền bảo hiểm hoặc được thanh toán tiền bảo hiểm, các đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng gọi điện thoại để xác nhận thông tin, hoặc cung cấp các thông tin cá nhân quan trọng như số căn cước công dân, mật khẩu, mã PIN, mã OTP… Sau khi người dân cung cấp những thông tin này, kẻ lừa đảo thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. 

VNCERT/CC khuyến nghị người dân không cung cấp cho đối tượng lạ các thông tin về hợp đồng bảo hiểm; căn cước công dân, cũng như không cung cấp số tài khoản cá nhân và các chứng từ cá nhân khác… Người dùng cũng được khuyên nên vào các trang web chính thống của công ty bảo hiểm để tra cứu thông tin.

Cuộc gọi mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

Nhiều Ngân hàng tại Việt Nam đã cảnh báo thủ đoạn tiếp cận, chào mời hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc nâng hạn mức thẻ tín dụng, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ; đồng thời thông báo khách hàng sẽ nhận được 1 mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng).

Cuộc gọi có khả năng làm "bốc hơi" hàng chục triệu đồng trong tài khoản- Ảnh 5.

Nhiều ngân hàng khẳng định không có dịch vụ rút tiền qua thẻ tín dụng.

Theo đó, kẻ lừa đảo gọi điện, nhắn tin mời chào dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, dễ dàng đáo hạn hằng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp. Sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng vật lý hoặc thông tin thẻ (bao gồm số thẻ và mã CVV, thậm chí kẻ gian còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin), hình ảnh CMND/CCCD, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút.

Nếu khách hàng cung cấp mã số này, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày