CEO bột rau má đi gọi vốn khoe tài sản 20 tỷ nhưng sự thật chỉ có 700 triệu

Huyền Trang, Theo Trí Thức Trẻ 11:55 18/07/2022

Kết quả, các Shark đồng loạt từ chối đầu tư, startup đã phải ra về tay trắng.

Tập 7 của Shark Tank Việt Nam mùa 5 tiếp tục thu hút sự quan tâm của khán giả. Trong đó trường hợp của startup Nguyễn Ngọc Hương với sản phẩm bột rau má Orama (nghĩa là Ồ Rau Má, Organic Rau Má) đã gây tranh cãi ít nhiều.

Đến với chương trình, Ngọc Hương gọi vốn 5 tỷ cho 10 % cổ phần. Mục tiêu doanh số năm 2022 mà startup này đặt ra là 15 tỷ đồng, 3 năm tới là 25 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp nông sản triệu đô. 

Startup bột rau má liệt kê tài sản 20 tỷ, 2 trang trại

Giới thiệu kỹ hơn về sản phẩm, nữ doanh nhân cho biết rau má là loại rau nhiều chất dinh dưỡng, uống vào ngày hè rất mát. Để tránh cho người dùng mất nhiều thời gian, công sức chế biến và đoán trước xu hướng tiêu dùng thực phẩm tương lai, năm 2015, Ngọc Hương về Củ Chi mở trang trại trồng rau má. Sau khi nghiên cứu quy trình trồng, startup này ứng dụng công nghệ đã học từ người Nhật Bản và người Ấn Độ để tạo ra bột rau má dùng thay cho rau má tươi. 

CEO bột rau má đi gọi vốn khoe tài sản 20 tỷ nhưng sự thật chỉ có 700 triệu, loạt cá mập sợ mình trở thành cá khô - Ảnh 1.

Ngọc Hương

Sau 7 năm phát triển, Orama đã có được những chứng nhận và phân phối ở thị trường Hoa Kỳ, châu Âu. Sản phẩm đang phân phối qua các kênh online và có đặc quyền phân phối vào 2 hệ thống lớn là Satra và Co.op. Mỗi năm doanh thu tăng trưởng bình quân 20%, đặc biệt năm 2019 - 2020 đã tăng gấp 10 lần doanh số.

Khi được hỏi về thành phần sản phẩm, Ngọc Hương cho biết trong một gói bột rau má Orama có tỷ trọng khoảng 75% đường, khoảng 3g bột rau tươi tương đương với ăn khoảng 30 - 40gr rau má tươi. Trong tương lai, Orama có sản phẩm dùng năng lượng đường lạnh để giữ vị ngọt dù lượng đường rất thấp và một phiên bản nữa không có đường, 100% là rau.

Hiện tại Orama đang có 2 vùng nguyên liệu là Củ Chi (TP.HCM) - do startup sở hữu và đồng bằng sông Cửu Long - kết hợp với các nông hội ở đó. Ngọc Hương cho biết, tổng đầu tư đã gần 20 tỷ, Orama cũng đang vay vốn với chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của bên phía Thành Đoàn Tp.HCM. 

Cơ cấu vốn thật sự khiến các Shark ngỡ ngàng

Sau màn thuyết trình, khi được hỏi về cơ cấu vốn, Ngọc Hương lại đưa ra những con số hoàn toàn khác. Cô cho biết công ty đang có 3 cổ đông với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Trong đó tiền thực góp của nữ CEO là 500 triệu, 2 cổ đông còn lại là khoảng 100 triệu. 

Ngay lập tức, các Shark nhìn ra vấn đề, đó là sự chênh lệch với khoản đầu tư 20 tỷ được Ngọc Hương liệt kê phía trên. Nữ CEO đã thừa nhận 20 tỷ này ở một công ty khác chuyên về sản xuất do 2 vợ chồng cô làm chủ còn công ty đi gọi vốn chỉ tập trung vào phân phối và làm thương hiệu hàng hóa. 

Sự thật này khiến các Shark ngỡ ngàng. "Thế em để lãi hết ở công ty sản xuất thì anh làm ăn gì" - Shark Phú nói. Shark Bình cũng ví von: "Em chuyển giá về công ty sản xuất thì cá mập thành cá khô ngay". Tiếp lời, Shark Liên nói: "Khô rồi còn gì"

Người có phản ứng gay gắt nhất là Shark Hưng. Vị cá mập này khẳng định Ngọc Hương đang gây ra hiểu lầm: "Em nói là em có 20 tỷ đồng, 12 tỷ nhà máy, 2 tỷ vốn lưu động... rồi cuối cùng đó là công ty của chồng em xong em gọi vốn cho công ty 1 tỷ là thế nào?".

CEO bột rau má đi gọi vốn khoe tài sản 20 tỷ nhưng sự thật chỉ có 700 triệu, loạt cá mập sợ mình trở thành cá khô - Ảnh 2.

"Quan trọng là em phải thành thật. Em lên gọi vốn anh hỏi tài sản bao nhiêu em kể ra vanh vách, sở hữu đất đai, sở hữu nhà xưởng,... cuối cùng vốn công ty em có 1 tỷ đồng" - Shark Hưng nói thêm. 

Quyết định cuối cùng của các Shark

Shark Hưng là người đưa ra quyết định đầu tiên với startup này. Phó Chủ tịch Cen Land không đầu tư vì: "Cơ cấu sở hữu loằng ngoằng, tài sản thực tế không có, là công ty thương mại thuần túy phân phối trong khi nhà cung cấp chính và duy nhất lại là công ty của em với chồng em. Riêng việc nhập nhằng về vốn, chuyển giá,... là anh đã không thể kiểm soát nổi rồi. Anh đang nghĩ em sở hữu từ nguồn nguyên liệu, chế biến, sản xuất rồi ra được sản phẩm anh khâm phục quá, nhưng hóa ra lại có mỗi công ty phân phối sản phẩm đóng gói này".

Shark Bình cũng khẳng định startup cũng sẽ không thể gọi vốn thành công vì cơ cấu nhập nhằng: "Anh có 1 lời khuyên là với cơ cấu như thế thì em sẽ chẳng gọi được vốn từ ai bởi nguy cơ chuyển giá và sự không minh bạch trong việc cơ cấu từ đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp. Em muốn gọi vốn thành công, chưa nói tới con số, thì phải gọi cả hai công ty. Tức là gộp lại chứ gọi vào một công ty thế này thì dù định giá rẻ bao nhiêu cũng chẳng ai đầu tư".

Shark Liên cũng bày tỏ sự thất vọng vì đang rất háo hức với startup này: "Có thể em chưa phân định được rõ ràng nên thật sự sẽ không kêu gọi được đâu em ạ!"

CEO bột rau má đi gọi vốn khoe tài sản 20 tỷ nhưng sự thật chỉ có 700 triệu, loạt cá mập sợ mình trở thành cá khô - Ảnh 3.

Các Shark đều từ chối đầu tư vào Orama

Shark Linh cũng từ chối đầu tư. Shark Linh cho biết cơ cấu công ty có thể điều chỉnh nhưng còn 1 vấn đề nữa là tỷ lệ đường của sản phẩm. Tỷ lệ đường cao như hiện tại sẽ khiến sản phẩm khó bán ở nước ngoài nên Shark Linh đề nghị nên xem lại cách làm ra sản phẩm chuẩn mực và thực sự tốt cho sức khỏe.

Trước khi quyết định, Shark Phú đã hỏi startup có đồng ý sát nhập 2 công ty thành 1 để đầu tư không thì nữ CEO từ chối và cho biết mình chưa sẵn sàng. Vì vậy Shark Phú cũng không đầu tư. Kết thúc màn gọi vốn, nữ startup ra về trắng tay. 

https://kenh14.vn/ceo-bot-rau-ma-di-goi-von-khoe-tai-san-20-ty-nhung-su-that-chi-co-700-trieu-loat-ca-map-so-minh-tro-thanh-ca-kho-20220718110349165.chn