Thời gian qua, cả nước đang đồng lòng hướng về việc cứu trợ và giúp đỡ cho đồng bào các tỉnh thành phía Bắc đối mặt với thiên tai. Bên cạnh quyên góp nhu yếu phẩm, nhiều người cũng liên tục chuyển khoản đến Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đơn vị nhà nước khác.
Việc gì liên quan đến tiền nong cũng dễ bị soi, và tất nhiên số tiền từ thiện cũng không phải ngoại lệ. Những người công khai số tiền từ thiện gặp nhiều phiền lòng khi một số netizen inbox, thậm chí comment thẳng vào bài đăng trên mạng cho rằng "nghệ sĩ mà cho có nhiêu đây", "anh làm giám đốc mà sao từ thiện có hơn 20 triệu", "Sao chưa thấy chị từ thiện, chị giàu vậy mà"...
Trước những câu nói mang tính "góp ý chứ không có ý gì đâu" nhiều người cho biết họ cảm thấy rất phiền lòng vì lòng tốt của mình được người ngoài mang ra cân đo đong đếm, so sánh nặng nhẹ. Có người chọn nói ra, có người chọn im lặng. Song, những bình luận "soi" chuyện từ thiện của người khác vẫn tràn lan trên MXH khiến một bộ phận những người lướt qua cảm thấy không hài lòng.
Điều này đã tạo nên làn sóng tranh cãi trên MXH. Phải khẳng định một điều, số tiền đóng góp từ thiện bao nhiêu là tuỳ tâm của mỗi người. Không thể chỉ vì cứ đến chức giám đốc thì phải ủng hộ số tiền quá lớn. Bởi biết đâu đằng sau họ cũng là rất nhiều gánh nặng kinh tế khác đang đè lên vai.
Trong đợt bão lũ vừa qua, nhiều lĩnh vực kinh doanh ở phía Bắc đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều công ty ở Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái… đã bị hư hỏng nặng nề, phải mất thêm tiền sửa chữa, lại gồng thêm chi phí mặt bằng và trả lương nhân viên… Rất nhiều chi phí đổ dồn lên vai người làm chủ - chứ không phải cứ làm đến CEO là phải đóng góp cả trăm triệu hay tỷ đồng mới xứng tầm.
Việc đóng góp hay từ thiện bao giờ cũng đến từ cái tâm, đừng nên đặt nặng vị thế của người này phải đóng góp bao nhiêu tiền mới xứng tầm. Điều này về lâu dài gây áp lực cho chính những người muốn đóng góp khi sợ bị phán xét, lo rằng số tiền của mình không bằng người khác. Dù là 100.000 đồng, 1 triệu, lên đến cả tỷ đồng... hay dù chỉ là 1 chiếc bánh mì và chai nước lúc đói - đều đáng quý như nhau cả.
Không chỉ đóng góp về tiền, còn nhiều hình thức quyên góp khác như làm bánh chưng, gửi đồ ăn lương thực... Cho nên dân tình cũng đang kêu gọi đừng phán xét và so sánh cách người ta quyên góp. Bởi chúng ta cũng chẳng thể nào biết được đằng sau những đồng tiền quyên góp quý giá đó, cũng là mồ hôi công sức kiếm tiền của người khác.
Một số bình luận nổi bật chia sẻ quan điểm về việc đóng góp khi từ thiện:
- "Chẳng lẽ cứ mang tiếng là doanh nhân, là CEO là phải ủng hộ trăm triệu với tiền tỷ à? Trong khi đó chi phí nuôi nhân viên, nuôi doanh nghiệp, chưa kể đủ thứ các loại chi phí... mà bạn đang phải gánh trên vai. Cái này là mình đang san sẻ cùng với đồng bào dựa theo sức lực của mỗi người chứ không phải là trách nhiệm của riêng ai cả".
- "Mình thì chỉ đăng lên để mọi người có động lực đóng góp thêm, có bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Mình biết, khi công khai số tiền vừa đóng góp thì người nhà, bạn bè nhìn vô sẽ nghĩ theo chiều hướng khác và người mình không quen biết nhìn vô cũng sẽ nghĩ theo hướng khác nữa. Hướng nào cũng sẽ gây thiệt về mình nên mình quyết định che lại ạ".
- "Có gì đâu mà buồn, tháng này mình thất nghiệp chứ không mình cũng muốn đóng góp cho đồng bào đây nè. Ai nói gì kệ thôi bạn ạ, có khi có người còn chẳng giúp được mấy, ngoài việc săm soi số tiền đóng góp. Giúp đỡ trong khả năng của mình là điều đàng tự hào rồi".
- "Ủng hộ từ cái tâm chứ sao đòi tương xứng với cái tầm. Câu nói mang tiếng không có ý gì, nhưng đầy vẻ phán xét và mong người ta đi theo hướng của mình. Không việc gì phải buồn đâu anh ạ. Mình đóng góp được bao nhiêu đều quý hết".
- "Đóng góp bao nhiêu là quyền của người ta, xuất phát từ tâm và từ khả năng tài chính của họ. Chứ tiền có phải là giấy, là lá ngoài đường đâu mà ủng hộ bất chấp? Ai có nhiều ủng hộ nhiều, ít thì ủng hộ ít. Số tiền đó cũng phải trầy trật mãi mới kiếm được mà".
- "Từ thiện là từ tâm. Lúc khó khăn đói rét thì 1 gói lương khô hay 1 manh áo ấm cũng đáng trân trọng. Chỉ mong những "góp ý" toxic kia nên dừng lại. Nếu không thể làm người tử tế xin hãy làm người bình thường".