Vài năm trở lại đây, thị trường thương mại mạng xã hội đang ngày càng phát triển và cũng đầy những thách thức. Đặc biệt trong giai đoạn giãn cách kéo dài, nhu cầu mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng đã tăng lên rất cao.
Mặt khác, sự phát triển hình thức kinh doanh của các nhà bán lẻ, gia tăng số lượng người dùng cũng như các việc các nền tảng mạng xã hội đẩy mạnh tính năng thúc đẩy mua hàng đã góp phần không nhỏ giúp mua hàng trực tuyến trở thành một xu hướng.
Nắm bắt được xu hướng mua sắm này thì các nhãn hàng cải thiện có thể gia tăng chỉ số tăng trưởng. Nhưng làm thế nào để tiếp cận và chiếm được trái tim người tiêu dùng trên mạng xã hội như Facebook, Tik Tok hay YouTube trong bối cảnh người dùng có vô vàn lựa chọn, vô vàn cách thức để có thể mua hàng? Đây chính là bài toán khó mà nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang loay hoay tìm lời giải.
Thực tế là nhãn hàng có rất nhiều cách để ứng dụng mua hàng trực tuyến và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng như sử dụng ô trò chuyện, xây dựng một cửa hàng đẹp trên mạng xã hội hay hợp tác với người có sức ảnh hưởng… Tuy nhiên, nếu nghiên cứu sâu thị trường, có thể thấy rằng hành vi mua sắm của người dùng hiện nay đã thay đổi , dần dịch chuyển. Giờ đây chúng ta mua hàng phần nhiều vì cảm xúc, tin vào số đông, vì sự tin tưởng vào người bán hơn là vào giá cả của sản phẩm. Vì lẽ đó, KOC - Key Opinion Consumers (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) sẽ là "vũ khí bí mật" để doanh nghiệp giành chiến thắng trong cuộc chạy đua về doanh số.
Theo số liệu của Influence Marketing Hub, giá trị của chiến lược tiếp thị thông qua sức ảnh hưởng đã tăng mạnh qua các năm, từ 1.7 tỷ USD (39.6 nghìn tỷ đồng) vào năm 2016 lên tới 13.8 tỷ USD (321.5 nghìn tỷ đồng) vào năm 2021. Trong năm 2022, con số này được dự báo là khoảng 16.4 tỷ USD (382.1 nghìn tỷ đồng).
Tuy là một xu hướng có nhiều tiềm năng nhưng thực tế môi trường cho KOC hoạt động ở Việt Nam còn rất yếu và thiếu. Đa số các KOC đang hoạt động trên mạng xã hội tập trung vào các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ hoặc có giá trị rất thấp. Chưa kể, nghề KOC ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được định hình rõ ràng. Nhiều nhãn hàng vẫn hợp tác với họ như một KOL (người có sức ảnh hưởng) hay Micro Influencer (người ảnh hưởng có lượng fan nhỏ). Song thực chất KOC rất khác biệt so với KOL, người nổi tiếng hay người có sức ảnh hưởng.
KOC có thể là bất kỳ ai. Họ không cần là một chuyên gia trong một lĩnh vực như KOL, cũng không cần là một ngôi sao như người nổi tiếng. Họ chỉ là một người tiêu dùng am hiểu và có tầm ảnh hưởng. Khác biệt lớn nhất giữa KOL và KOC là KOC mang lại doanh thu cho nhãn hàng. Hay nói 1 cách khác, KOC chính là đối tác kinh doanh chứ không chỉ là người giới thiệu câu chuyện về nhãn hàng đơn thuần.
Từ chính định nghĩa, KOC đã nói lên điểm khác nhau giữa KOC và người có sức ảnh hưởng/ người nổi tiếng. Người tiêu dùng có sức ảnh hưởng nhưng lại được phát triển đầu tiên trên các nền tảng giải trí nên việc KOC phải vừa đảm bảo làm tốt được công việc trải nghiệm sản phẩm còn phải mang yếu tố giải trí. Từ đó thúc đẩy thói quen vừa xem giải trí vừa mua hàng của đối tượng mua hàng ngày nay.
KOC không chỉ là trải nghiệm các sản phẩm một cách nhàm chán mà phải luôn sáng tạo nội dung để thu hút người xem, chỉ khi người xem thật sự yêu thích rồi chuyển thành tin tưởng, mua sắm theo thì KOC mới có thể xem là thành công. Từ những điều trên, chúng ta có thể nhận ra KOC gần như là một tổng hòa giữa KOL, content creator (người sáng tạo nội dung) và business partner (đối tác làm ăn) mà các nhãn hàng tìm kiếm.
Dẫn chứng số liệu từ kết quả của chương trình thực tế đầu tiên về KOC - KOC VIETNAM 2022 do VCCorp đồng tổ chức cùng Lazada, CEO Admicro đã chứng minh được những lợi ích mà KOC có thể mang lại cho doanh nghiệp. Cụ thể, các thí sinh tham gia chương trình đã chốt thành công 4179 đơn hàng khi phát trực tuyến trên ứng dụng Lazada. Trong đó, thông qua 20 kênh phát sóng, có thí sinh đã chốt được 126 đơn hàng chỉ trong 30 phút phát trực tuyến ngắn ngủi.
Tất cả những dẫn chứng đó chứng minh về giá trị thực mà các KOC có thể mang lại.
Nhưng nếu họ chỉ hoạt động đơn lẻ và rời rạc thì hiệu quả đem lại chưa phải là quả bùng nổ mà nhãn hàng mong muốn. Nên nếu có được sự hợp tác đa bên giữa KOC, các công ty dữ liệu, kỹ thuật, nhãn hàng, công ty truyền thông… thì sẽ mở ra 1 kỷ nguyên mới cho thị trường thương mại xã hội.
Kết thúc phần trình bày ấn tượng, CEO Phan Đặng Trà My khẳng định VCCorp và Admicro cam kết đồng hành cùng KOC Việt Nam và kêu gọi sự đồng hành của các nhãn hàng tạo nên 1 giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp trong tương lai.