Xin việc là một hành trình gian nan đòi hỏi mỗi cá nhân phải chuẩn bị kỹ càng. Đối diện với vấn đề này, nhiều dân công sở cho rằng năng lực sẽ quyết định tất cả, các thứ khác đều không quan trọng bằng. Tuy nhiên, sai lầm từ đây mà ra, kết quả sau cuối của một người ứng tuyển xin việc, được chọn hay không được chọn chưa chắc chỉ phụ thuộc vào học vấn, kinh nghiệm hay trí tuệ mà đôi khi nó còn dựa vào… đạo đức.
Chuyện kể rằng có một chàng du học sinh trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường với thành tích xuất sắc đã nhanh chóng nộp đơn xin việc vào các công ty lớn trong thành phố nơi mình đang theo học. Ban đầu, chàng ta cho rằng "mình giỏi thế này sẽ nhanh chóng có được việc thôi", vậy mà ngờ đâu hàng loạt công ty anh ta ứng tuyển đều từ chối không nhận.
Khó hiểu trước kết quả đau lòng, chàng trai liền đến một công ty vừa từ chối đơn ứng tuyển của mình và yêu cầu Giám đốc Nhân sự cho mình một lý do hợp lý. Và rồi vị Giám đốc đã đáp ứng nguyện vọng này.
Đầu tiên, vị Giám đốc chia sẻ: "Cậu mà một nhân tài, thành tích của cậu ở trường đại học thật sự xuất sắc. Tôi tin rằng mọi công ty đều muốn có cậu trong bộ máy nhân sự".
Chàng trai tròn mắt hỏi: "Thế tại sao lại không nhận tôi về công ty các người?".
Vị Giám đốc ôn tồn nói tiếp: "Đáng lý là cậu đã được nhận, nhưng đáng tiếc khi kiểm tra thẻ tín dụng của cậu, chúng tôi phát hiện cậu đã từng bị xử phạt 3 lần trong quá khứ vì tội lậu vé xe buýt. Cậu đã không tuân thủ nguyên tắc ở đất nước chúng tôi là đi xe buýt phải trả tiền mua vé".
Nghe xong, chàng trai liền lúng túng không nói nên lời. Hóa ra, trước đây khi còn đang là sinh viên vừa đến đất nước này du học, chàng trai đã phát hiện ra các chuyến xe buýt hàng ngày đưa mình đến trường hoàn toàn tự động. Nghĩa là hàng khách được chủ động từ việc mua vé, trả tiền, cho đến chọn quãng đường đi.
Xe buýt thậm chí không có cửa soát vé và việc kiểm tra tính tự giác của hàng khách cũng rất hiếm khi xảy ra với xác suất rất thấp. Lợi dụng điểm này, chàng trai cứ thế ngày ngày thực hiện hành vi trốn vé xe buýt đến trường để tiết kiệm tiền. Tất nhiên, trong suốt thời gian trốn vé, chàng ta đã bị phạt 3 lần.
"Nhưng bị phạt có 3 lần thì có đáng là bao so với hàng nghìn lần được đi xe buýt miễn phí trong 4-5 năm học đại học ròng rã" - chàng trai đã nghĩ như thế và tiếp tục thực hiện hành vi xấu mãi cho đến lúc tai họa ập tới sau khi ra trường.
Quay trở lại câu chuyện xin việc. Khi được vị Giám đốc nhắc về quá khứ bất hảo 3 lần bị phạt do trốn vé xe buýt của mình, chàng trai lúng túng im lặng được một lúc rồi tiếp tục phân trần: "Tôi nghĩ đây chỉ là việc nhỏ, sao các người lại nghiêm trọng như thế? Tôi không trả tiền mua vé do lần đầu tới đây tôi chưa quen với kiểu xe buýt tự động này, hai lần sau là do tôi không có tiền lẻ trong người".
Vị Giám đốc giận dữ trả lời: "Cậu nghĩ đây là việc nhỏ sao? Cậu nghĩ chúng tôi ngu ngốc tới mức không biết rằng xác suất bị kiểm tra khi đi lậu vé xe buýt là rất thấp nên con số 3 lần bị phạt của cậu chỉ là con số nhỏ trong hàng nghìn lần cậu trốn vé sao?
Cậu bị phạt lần đầu với lý do chưa quen, chúng tôi hoàn toàn có thể thông cảm. Nhưng 2 lần sau bị phạt mà cậu viện cớ là không có tiền lẻ thì chúng tôi không thể chấp nhận được. Qua đây có thể thấy rằng, cậu là người không tôn trọng quy tắc, không tự giác chấp hành quy định chung mà tận dụng sơ hở để mưu đồ cá nhân.
Người không đáng tin tưởng như cậu, chúng tôi tuyển vào để làm gì? Dù quý ứng viên có năng lực nhưng chúng tôi vẫn xem trọng đạo đức nhất. Đó là lý do cậu bị loại, và tôi tin rằng bất kỳ công ty nào biết về 3 lần bị phạt vì lậu vé xe buýt của cậu cũng không bao giờ cho phép cậu vào văn phòng của họ làm việc".
Lúc này, chàng trai du học sinh trẻ mới chợt giật mình và cảm thấy hối hận vô cùng. Đáng tiếc, dù có hối hận cũng đã muộn màng…
Vậy đó, trong bất kỳ ngành nghề hay lĩnh vực nào cũng thế, những nhà lãnh đạo rất quý trọng nhân tài. Nhưng tiếc rằng tài giỏi, thông minh, thành tích học tập xuất sắc thôi vẫn chưa đủ bởi suy cho cùng đạo đức mới là quan trọng nhất.
Đạo đức ở đây chẳng có gì to tát cả, nó bao gồm các đức tính mà tin chắc rằng mỗi cá nhân đều được gia đình và nhà trường giáo dục ngay từ tấm bé như kỷ luật, tự giác, trung thực, siêng năng, kiên trì,... Cơ bản như thế mà còn không làm được thì trở thành nhân tài có ích chi.
Nhưng nếu không bị phát hiện chuyện trốn vé xe buýt thì chàng trai kia vẫn được tuyển vì giỏi đấy sao? - đây có lẽ là câu hỏi mà không ít người đặt ra trong đầu khi đọc xong câu chuyện trên. Thay vì trả lời câu hỏi này, xin hỏi ngược lại một câu ngắn gọn: Một người không có đạo đức, sẽ trụ vững bao lâu trên con đường sự nghiệp?
Nên nhớ rằng, trong một thời điểm nhất định, có những chuyện chỉ có trời biết đất biết và ta biết, nhưng trong tương lai, thời gian vẫn có thể cho tất cả mọi người xung quanh cùng biết. Một kẻ vô đạo đức không bao giờ giữ vỏ bọc đạo mạo được lâu!