Câu hỏi tưởng dễ mà lắm người không biết: Làm sao để chùi rửa sạch sau khi "đi cầu"?

J.D, Theo Helino 08:15 20/02/2019

Tưởng không khó mà khó không tưởng, hóa ra rất nhiều người đang chùi "mông" sai cách.

Nên chùi hay rửa sau khi đi cầu là một câu hỏi từng gây tranh cãi cho nhiều thế hệ - cả người xưa lẫn cư dân mạng ngày nay. Nhưng thực ra bạn chọn chùi hay rửa cũng không quá quan trọng, vì mục đích chính của cả 2 là để giúp "cổng sau" của bạn được sạch sẽ.

Vấn đề là bạn có biết làm sao để nó thực sự sạch không? Tưởng như là 2 kỹ năng cơ bản nhất của con người, nhưng theo như một khảo sát trên diễn đàn Reddit thì hóa ra có rất nhiều người không biết chùi rửa ra sao cho đúng cách.

Hệ quả là gì? Dĩ nhiên là "cổng hậu" của bạn sẽ không sạch. Ngoài ra, việc chùi rửa không đúng cách có thể gây nứt nẻ, nhiễm trùng, rồi dẫn đến mùi, cảm giác khó chịu không thoải mái cho chính đương sự. 

Câu hỏi tưởng dễ mà lắm người không biết: Làm sao để chùi rửa sạch sau khi đi cầu? - Ảnh 1.

Tóm lại, ai cũng cần phải biết cách chùi rửa sao cho chuẩn. Và dưới đây là hướng dẫn của Joel Krachman - bác sĩ vệ sinh dịch tễ tại Trung tâm Y tế AtlantiCare của New Jersey (Mỹ) để bạn biết mình đang sai ở điểm nào.

Cách chùi chuẩn

"Chùi" có lẽ là một trong những động tác vệ sinh đầu tiên chúng ta được học trong đời. Có thể trực tiếp từ cha mẹ, hoặc tự học qua thời gian. 

Theo tiến sĩ Krachman thì quả thực là chẳng có quy chuẩn cụ thể nào cho việc chùi, có thể chùi ngang dọc tùy ý. Tuy nhiên, có một quy tắc mà nhất định ai cũng phải tuân thủ, đó là đừng chùi quá nhanh và quá mạnh bạo. 

Câu hỏi tưởng dễ mà lắm người không biết: Làm sao để chùi rửa sạch sau khi đi cầu? - Ảnh 2.

"Vì xem đây là một hành động "bẩn" nên nhiều người có thói quen chùi rất nhanh và thô bạo, dẫn đến chuyện hậu môn bị kích ứng," - Krachman cho biết. Đây chính là nền tảng dẫn đến các chứng bệnh đầy bi kịch như trĩ, áp-xe hậu môn gây chảy máu, ngứa ngáy... 

Theo Krachman, bạn nên chia câu chuyện lau ra làm 2 giai đoạn. Đầu tiên là giấy ướt - bạn sẽ cần đặc biệt để ý đến thành phần hóa học bên trong. Rất nhiều thương hiệu giấy có chứa methylisothiazolinone - một thành phần có khả năng gây dị ứng. Mà hẳn là bạn sẽ không muốn đưa một tác nhân dễ gây dị ứng vào một nơi "hiểm hóc" như vậy đúng không?

Sau khi dùng giấy ướt, hãy nhỏ một vài giọt nước lên giấy vệ sinh thông thường để làm ẩm rồi lau lại một lượt nữa. Dù không thể sạch trên phương diện vi khuẩn, nhưng Krachman cho biết cách chùi này đủ để đem lại cảm giác sạch sẽ thoải mái, và đặc biệt là "giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn." - trích lời dược sĩ Joe Graedon.

Câu hỏi tưởng dễ mà lắm người không biết: Làm sao để chùi rửa sạch sau khi đi cầu? - Ảnh 3.

Vậy còn rửa thì sao?

Về câu chuyện rửa, công cụ phổ biến nhất là sử dụng vòi xịt (bidet) hoặc vòi hoa sen - đây là điều ai cũng biết. Nhưng câu chuyện không đơn giản chỉ là dí vòi vào xịt là xong, cũng không phải dí thêm bánh xà phòng vào là mọi chuyện được giải quyết.

Krachman cho biết vùng hậu môn của chúng ta là khu vực hết sức nhạy cảm, nên xà phòng cần phải chọn nhãn tương tự với loại dùng cho... da mặt. Đồng thời khi rửa, hãy để vòi càng sát càng tốt (nếu nước yếu), sau đó dùng loại xà phòng phù hợp để cọ rửa một cách nhẹ nhàng, tránh gây trầy xước.

Câu hỏi tưởng dễ mà lắm người không biết: Làm sao để chùi rửa sạch sau khi đi cầu? - Ảnh 4.

Và sau khi rửa sạch sẽ, hãy lau khô khu vực nhạy cảm ấy bằng khăn. Đừng thấy điều đó là bẩn, vì lúc này bạn đã rửa sạch sẽ rồi. Vùng da ấy lúc này sẽ chẳng khác gì những khu vực khác trên cơ thể bạn cả.

Tham khảo: Men's Health