20 triệu năm trước, các đại dương bị thống trị bởi những con quái vật khát máu. Đó là Megalodon - những siêu cá mập khổng lồ với thân hình dài ít nhất 18m, cùng hàm răng "máy xay thịt" theo đúng nghĩa đen.
Megalodon (ảnh minh họa)
Sở hữu một ngoại hình đáng sợ, Megalodon trở thành hình tượng đầy cảm hứng cho các nhà làm phim, tiểu thuyết gia và cả các nhà khoa học nữa. Thậm chí có người còn cho rằng Megalodon vẫn đang sống ở đâu đó trong lòng đại dương, giống như ý tưởng của phim "Meg" chẳng hạn.
Dù sao đó cũng chỉ là một ý tưởng hư cấu thôi, vì Megalodon đã chính thức tuyệt chủng rồi. Nhưng sinh vật nào đã góp phần khiến Megalodon tuyệt chủng? Theo các bằng chứng hóa thạch mới nhất, thủ phạm dường như chính là một sinh vật đang sống ở thời đại ngày nay. Chúng cũng là những ông hoàng, là sinh vật trên đỉnh chuỗi thức ăn dưới đại dương.
Đó chính là cá mập trắng khổng lồ - Great white shark (Carcharodon carcharias).
Cá mập trắng có thể là thủ phạm khiến Megalodon tuyệt chủng
Thời gian là yếu tố quan trọng nhất. Trong các nghiên cứu trước kia, Megalodon tuyệt chủng vào khoảng 2,6 triệu năm trước - trùng với sự kiện tuyệt chủng sinh vật biển hàng loạt với nguyên nhân là biến đổi khí hậu.
Nhưng khi lục lại các hóa thạch của Megalodon bờ Tây của Bắc Mỹ, khoa học nhận thấy nhiều mẫu vật đã bị nhầm lẫn khi đánh giá niên đại. Sau khi xét nghiệm kỹ hơn, có vẻ như Megalodon đã biến mất từ sớm hơn 1 triệu năm nữa, nghĩa là cách đây 3,6 triệu năm.
"Việc Megalodon tuyệt chủng được cho là có liên hệ với sự kiện tuyệt chủng sinh vật biển hàng loạt vào 2,6 triệu năm trước. Nhưng thực tế thì cả 2 dường như không liên quan gì đến nhau." - Robert Boessenecker, nhà cổ sinh vật học tại ĐH Charleston (Hoa Kỳ) cho biết.
Với mốc thời gian mới thì chúng ta cần một lời giải thích mới cho sự biến mất của Megalodon. Và có vẻ nhóm của chuyên gia đã tìm ra đáp án. Theo Boessenecker, trong giai đoạn cuối của Megalodon có sự xuất hiện đông đảo của một loài cá mập khác, là họ hàng với chúng nhưng nhỏ hơn. Đó chính là cá mập trắng khổng lồ.
Cá mập trắng tồn tại trên Trái đất từ 6 triệu năm trước. Ban đầu chúng chỉ tung hoành tại Thái Bình Dương, nhưng sau đó 2 triệu năm, chúng đã phát triển và xuất hiện trên phạm vi toàn thế giới.
Trong quá trình di chuyển khắp các đại dương, cá mập trắng hẳn phải lạc vào lãnh địa của Megalodon không ít lần. Dĩ nhiên là nếu "solo", cá mập trắng không có cửa so với Megalodon. Tuy nhiên, chúng sẽ chỉ nhắm vào những con Megalodon còn non trẻ. Đồng thời do có số lượng đông hơn, cá mập trắng săn cạn mồi của các "anh chị đại" kia.
Số lượng mồi giảm theo thời gian, số lượng Megalodon dần thu hẹp lại, và rồi cá mập trắng vươn lên chiếm đỉnh chuỗi thức ăn.
"Chúng tôi cho rằng giai đoạn chồng chéo giữa 2 loài (3,6 - 4 triệu năm trước) là đủ để cá mập trắng loai bỏ hoàn toàn Megalodon, thay vì tác nhân từ môi trường," - Boessenecker chia sẻ.
Đây là một giả thuyết nghe rất hợp lý, nhưng có lẽ những tranh cãi về câu chuyện tuyệt chủng của Megalodon sẽ không dừng lại ở đây. Như một chuyên gia nghiên cứu về cá mập tại National Geographic đã không tin rằng chỉ một mình cá mập trắng có thể khiến Megalodon tuyệt chủng được.
Ông tin rằng các tác giả nghiên cứu lần này đã bỏ qua những thủ phạm khác, như cá mập hổ chẳng hạn. Bản thân Boessenecker cũng cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn để giải quyết được bí ẩn này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PeerJ.