Dùng máy rửa chén hay rửa bằng tay truyền thống để rửa bát? Đây là câu hỏi mà nhiều người vẫn băn khoăn. Hầu hết các gia đình thường có thói quen rửa tay vì cho rằng sử dụng máy rửa chén không đáng tiền. Nhưng liệu rửa tay có thực sự rẻ hơn và hiệu quả hơn dùng máy rửa chén "như lời đồn"?
Mary Hunt, biên tập viên của trang tiết kiệm chi tiêu EverydayCheapSkate đã viết một bài phân tích so sánh chi phí và hiệu quả giữa hai phương pháp này. Bài viết cung cấp thông tin toàn diện, có thể giúp bạn quyết định cách nào phù hợp hơn với bản thân và nhu cầu của gia đình.
Loại bỏ dầu mỡ
Hiệu quả của việc rửa bát bằng tay phụ thuộc vào từng cá nhân - tức là người rửa có cẩn thận, kỹ càng hay không - nhất là ở bước kỳ cọ và xả sạch. Trong nhiều trường hợp, các góc khó tiếp cận có thể bị bỏ sót sẽ khiến dầu mỡ không được loại bỏ hoàn toàn.
Trong khi đó, máy rửa chén làm sạch dầu mỡ chính xác hơn nhờ sử dụng nước nóng và dòng nước áp lực cao, đảm bảo mọi bề mặt, kể cả những chỗ khó chạm tới đều được làm sạch.
Khử trùng và diệt khuẩn
Theo Tiến sĩ Kelly Reynolds - Giáo sư, Tiến sĩ tại Đại học Y tế Công cộng Zuckerman, Tucson, Mỹ cho hay, để tiêu diệt vi khuẩn trên bát đĩa, nước cần đạt nhiệt độ rất cao, khoảng 140°F (60°C) và phải xả trong ít nhất 2 phút. Tuy nhiên, nếu bạn rửa theo phương pháp truyền thống với nước ở mức nhiệt này có thể dẫn tới khả năng bị bỏng. Do đó nhiệt độ nước nóng mà các gia đình thường hay sử dụng là 120°F (49°C), nhưng mức này không đủ để khử trùng hiệu quả.
Máy rửa chén có thể tăng nhiệt độ nước lên 140-145°F (60 - 63°C), đảm bảo làm sạch kỹ càng và diệt khuẩn hiệu quả. Vì vậy, về khả năng khử trùng, máy rửa chén vượt trội hơn so với rửa tay.
Về kinh tế
Nói đến kinh tế thì khía cạnh so sánh đầu tiên là lượng nước tiêu thụ. Nhiều người cho rằng máy rửa chén tiêu tốn nhiều nước hơn. Nhưng theo BTV Mary Hunt, một chiếc máy rửa chén đạt chứng nhận Energy Star chỉ tiêu thụ khoảng 16 lít nước mỗi chu trình. Trong khi đó, rửa tay thường dùng nhiều nước hơn, đặc biệt khi để vòi nước chảy liên tục hoặc phải xả nhiều lần.
Tiếp theo là xét về thời gian, Mary Hunt cho biết rửa từng món đồ sau mỗi bữa ăn rất lâu, cảm thấy bát đĩa liên tục chồng chất trong bồn. Ngược lại, máy rửa chén có thể xử lý toàn bộ một cách hiệu quả, tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức.
Cuối cùng là về chi phí. Dù chi phí ban đầu của máy rửa chén khá cao, song theo ý kiến của Mary Hunt, việc tiết kiệm nước, năng lượng và thời gian khiến món đồ này rất đáng để đầu tư. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng cần tính thêm các yếu tố như chi phí điện, sửa chữa và chất tẩy rửa khi sử dụng máy rửa chén.
Rửa tay vẫn có thể khử trùng hiệu quả
Tóm lại, tổng quan thì dùng máy rửa chén sẽ có phần "nhỉnh" hơn rửa bằng tay truyền thống. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua máy rửa chén. Hơn nữa, một số trường hợp như bát đĩa tinh xảo, dễ vỡ hay khi cần diệt khuẩn bát đĩa do có người bệnh trong nhà thì rửa tay vẫn là một lựa chọn hợp lý.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên tuân thủ đúng quy trình như sau:
- Kỳ cọ kỹ càng: Rửa bát đĩa bằng nước nóng và chất tẩy rửa, đảm bảo kỳ sạch mọi bề mặt, loại bỏ cặn bẩn và dầu mỡ.
- Khử trùng: Theo hướng dẫn từ Đại học Bang Oregon, pha 1 muỗng canh chất tẩy trắng (chlorine bleach) vào 3.8 lít nước nóng. Ngâm bát đĩa đã rửa trong dung dịch này từ 5-10 phút.
- Không xả lại: Không cần xả lại bằng nước. Thay vào đó, để bát đĩa tự khô trên giá hoặc khăn lau. Khi khô, chất tẩy sẽ bay hơi, giữ cho bát đĩa sạch và an toàn.
Dung dịch tẩy trắng giúp tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại mà việc rửa tay thông thường không xử lý được. Thêm bước khử trùng này, bạn vẫn có thể đảm bảo bát đĩa sạch sẽ và an toàn mà không cần dùng máy rửa chén.
Nguồn: Aboluowang