Câu chuyện về những người hùng đằng sau các vụ khủng bố dã man

Thảo Ngô, Theo Thời Đại 09:48 24/03/2017
Chia sẻ

Trong những giờ phút tăm tối của các vụ khủng bố, có những người hùng bất chấp cả tính mạng của mình để cứu giúp những người mà họ không hề quen biết.

Những ngày này, cả thế giới đang xôn xao về vụ tấn công ở nước Anh và sự hy sinh của viên cảnh sát đội bảo vệ ngoại giao tòa nhà Quốc hội - PC Keith Palmer. Anh đã đối đầu với tên khủng bố và bị đâm trọng thương, không lâu sau đó thì qua đời. 

Giữa khung cảnh hỗn độn đầy mùi thuốc súng và máu me như vậy, luôn xuất hiện những người sẵn sàng hy sinh vì người khác, bất chấp cả tính mạng. Nhưng không phải ai cũng may mắn sống sót trở về. 

Câu chuyện của viên cảnh sát trên không phải là duy nhất. Thế giới đã chứng kiến không ít những người như vậy. Người ta gọi họ là anh hùng.

1. Người đàn ông dũng cảm trong vụ khủng bố ngày Quốc khánh Pháp

Câu chuyện về những người hùng đằng sau các vụ khủng bố dã man - Ảnh 1.

Ông Franck (mặc áo trắng) nhận huy chương của thành phố Nice.

Ngày 14/7 năm ngoái là một ngày Quốc khánh "đen tối" cho toàn thể nước Pháp khi chứng kiến hàng loạt vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris. Một chiếc xe tải cố tình đâm vào đám đông đang ăn mừng Lễ Quốc Khánh tại khu vực Promenade du Paillon, thành phố Nice, Pháp khiến ít nhất 84 người thiệt mạng và 100 người khác bị thương.

Khi chiếc xe tải đang lao vào dòng người trên phố, một người đàn ông lái xe máy phân khối lớn đã cố gắng bám theo và ngăn cản hung thủ. Ông đẩy chiếc xe tay ga 300 phân khối vào bánh xe tải, sau đó nhảy lên bám vào buồng lái và đánh tên khủng bố bằng tay không. Mặc dù bị tên khủng bố đánh trả đến mức văng ra khỏi xe tải và bị gãy xương sườn, bầm dập khắp người, nhưng ông không chịu bỏ cuộc cho đến khi cảnh sát nổ súng vào chiếc xe tải.

Được biết, người đàn ông dũng cảm đó là ông Franck, 49 tuổi, làm nhân viên sân bay ở Nice. Ông đã được nhận huy chương của thành phố Nice, Pháp vì sự dũng cảm của mình.

2. Người hùng cứu nước Pháp khỏi vụ đánh bom ở sân vận động

Câu chuyện về những người hùng đằng sau các vụ khủng bố dã man - Ảnh 2.

Salim Toorabally đã ngăn kẻ đánh bom liều chết Bilal Hadfi vào sân vận động Stade de France hôm 13/11.

Trong những vụ tấn công ở thủ đô Paris hôm 13/11, tên khủng bố Bilal Hadfi, âm mưu đánh bom liều chết trong sân vận động Stade de France, nơi diễn ra trận đấu bóng giữa hai đội Pháp – Đức với khoảng 80.000 cổ động viên và cả Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tuy nhiên, âm mưu của những tên khủng bố đã bị ngăn lại bởi một nhân viên an ninh ở cổng sân vận động.

Salim Toorabally, 42 tuổi, là một thành viên trong đội ngũ an ninh gồm 150 người làm nhiệm vụ tại các cổng vào sân vận động. Khi thấy một người đàn ông mặc áo khoác tối màu len lỏi giữa dòng người để vào sân, Salim nhanh chóng tiến tới và ngăn hắn ta lại. 

Sau đó, người này có những hành động bất thường khiến Salim nghi ngờ. Ông lập tức cảnh báo tới đồng nghiệp. Kẻ khủng bố sau đó nhận thấy ​y không thể vào sân nên quay trở ra và lủi mất. Khoảng 50 phút sau, Salim nghe thấy tiếng nổ đầu tiên nhưng ông không nghĩ rằng người mà ông vừa chặn bên ngoài sân vận động chính là kẻ gây ra vụ việc.

Sau ngày Paris bị khủng bố đẫm máu, trong một cuộc phỏng vấn với cảnh sát, Salim kể lại toàn bộ sự việc và nhận ra người đàn ông trong chiếc áo khoác tối màu hôm 13/11 giống với khuôn mặt đẫm máu của một kẻ đánh bom liều chết là Hadfi.

Salim đã nhận được rất nhiều lời khen và được coi như một anh hùng sau cuộc tấn công hôm 13/11. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng mình chỉ là một người bình thường và đó là công việc mà ông phải làm.

3. Người hùng và chiếc khăn đỏ trong thảm kịch 11/9 (Mỹ)

Câu chuyện về những người hùng đằng sau các vụ khủng bố dã man - Ảnh 3.

Tòa Tháp Đôi bị tấn công.

Ngày 11/9/2001 đánh dấu một mốc bi thương trong lịch sử nước Mỹ. Nhóm không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, New York.

Khi tòa tháp phía Nam bốc cháy, hàng trăm người đứng chờ thang máy khẩn cấp đến cứu họ. Nhưng không phải ai cũng may mắn được giải thoát. Theo lời kể của những người này, trong giờ phút hỗn loạn, một người đàn ông lạ mặt đã xuất hiện và đưa những người bị thương đến nơi an toàn. Họ chỉ nhìn thấy mập mờ hình ảnh cao lớn của một người đàn ông quấn chiếc khăn tay màu đỏ quanh miệng và mũi.

Sau khi cứu được ít nhất 10 người, người ta thấy bóng dáng đó biến mất hẳn trong khói bụi mờ mịt. Mãi đến 6 tháng sau, người ta mới tìm thấy thi thể của anh trong đống đổ nát.

Câu chuyện về những người hùng đằng sau các vụ khủng bố dã man - Ảnh 4.

Welles Crowther, người hùng trong vụ thảm kịch 11/9.

Đó là Welles Crowther, nhà kinh doanh chứng khoán cho ngân hàng Sandler O'Neill. Từng là lính cứu hỏa tình nguyện ở New York, anh đã nhanh tay xử lý các tình huống khẩn cấp. Khi sự việc xảy ra, Welles vẫn kịp nhắn tin cho mẹ: "Mẹ ơi! Con vẫn ổn.", nhưng sau đó anh không bao giờ trở về nữa.

Vào tháng 5/2014, tại lễ khai mạc của Bảo tàng tưởng niệm sự kiện 11/9, Tổng thống Obama đã lựa chọn vinh danh Welles Crowther - người đàn ông trẻ tuổi đã "anh dũng hi sinh tính mạng của mình để cứu những người khác."

4. Những người hùng trên chuyến tàu tới Pháp

Câu chuyện về những người hùng đằng sau các vụ khủng bố dã man - Ảnh 5.

Từ trái qua phải: Anthony Sadler, Spencer Stone, đại sứ Mỹ tại Pháp Jane Hartley và Alek Skarlatos.

Ngày 21/8/2015, chuyến tàu cao tốc Amsterdam – Pháp suýt biến thành một cuộc thảm sát đẫm máu. Theo lời kể của các hành khách lúc đó, kẻ khủng bố bước ra từ nhà vệ sinh trên tàu với khẩu AK trên tay, xô ngã một hành khách khác và bắt đầu nã đạn về phía đám đông.

Khi đó một nam hành khách vừa thức giấc và nghe thấy tiếng súng nổ, liền lao tới khống chế tên khủng bố. Cùng với sự hỗ trợ của 2 người bạn, anh đã áp chế thành công tên khủng bố. Dù bị thương trong lúc vật lộn với tay súng, anh vẫn nén đau để cầm máu cho người bị trúng đạn.

Được biết, 3 công dân người Mỹ đã cùng khống chế nghi phạm gồm Spencer Stone – quân nhân Không quân Mỹ, sinh viên Anthony Sadler, và thành viên lực lượng Vệ binh quốc gia Alek Skarlatos. Cùng giúp sức cho họ còn có hành khách người Anh Chris Norman, 62 tuổi, một nhà tư vấn đang sinh sống tại Pháp.

Họ được tổng thống Pháp Francois Hollande trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh, huy hiệu cao quý nhất của Nhà nước Pháp vào ngày 24/8 sau đó.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày