Câu chuyện về áp lực đè nén của một thế hệ "nghèo sang chảnh": 29 tuổi, tôi đã gánh món nợ bạc tỷ bắt nguồn từ thời thực tập như thế nào?

Jayden, Theo Trí Thức Trẻ 02:37 11/05/2020

Công việc nghe rất oách, quần là áo lượt và những buổi hẹn hò như ném tiền qua cửa sổ. Đó là phần đẹp đẽ nhất mà nhiều người trẻ trưng ra với xã hội. Nhưng không nhiều "khán giả" biết được rằng, những con người ảo diệu này lại đang sống "ký sinh" vào tấm thẻ tín dụng.

Tôi có được công việc đầu tiên trong ngành tài chính vào năm 24 tuổi và điên cuồng để hòa nhập. Các đồng nghiệp đều mặc suit đắt tiền, hơn nữa, dường như họ có nguồn quỹ vô tận để chi tiêu cho cuối tuần hay đi ăn nhà hàng sang trọng.

Công việc này không giống như việc cũ của tôi trong lĩnh vực tình nguyện - nơi mọi người nhận lương thấp nhưng dốc hết sức mình. Vị trí ở tập đoàn tài chính hoàn toàn ngược lại: môi trường rất phóng túng, cạnh tranh, và đột nhiên tôi bị bao vây giữa các đồng nghiệp có xuất thân khá giả.

Câu chuyện về áp lực đè nén của một thế hệ nghèo sang chảnh: 29 tuổi, tôi đã gánh món nợ bạc tỷ bắt nguồn từ thời thực tập như thế nào? - Ảnh 1.

Tôi làm ở bộ phận sales, luôn chịu áp lực phải kết thân với càng nhiều người trong ngành. Vậy nên chẳng mấy chốc, tôi đã ra ngoài ăn tối tới 4 lần/tuần, đu đưa tại những quầy bar không hề rẻ. Thỉnh thoảng tôi trả nổi những bữa túy lúy đó, nhưng đa phần là không. Nhiều khi đến lượt mình khao đồng nghiệp một chầu, tôi lại đổ mồ hôi hột vì sợ thẻ tín dụng không được chấp nhận. Tôi không thể nghĩ ra điều gì nhục nhã hơn việc thừa nhận: xin lỗi, tôi chẳng đủ tiền trả phen này!

Giống như 25% người trẻ ở Anh và xứ Wales, tôi nợ như chúa chổm. Cụ thể, tôi vay khoảng 60.000 bảng (~1,76 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại), bao gồm nợ sinh viên. Khoản này gấp hơn 7 lần mức nợ trung bình của bất kỳ ai sống ở Vương quốc Anh (khoảng 8.000 bảng, tương đương 235 triệu đồng).

Nghĩ về món nợ luôn khiến tôi quặn thắt trong lòng. Tỷ lệ người trẻ cần tư vấn tài chính cũng đang gia tăng đáng kể: hiện nay khoảng 15% lượt điện thoại gọi về đường dây nóng National Debtline là của thanh niên từ 18 đến 24 tuổi, tăng lên từ mức 8% năm 2008.

Câu chuyện về áp lực đè nén của một thế hệ nghèo sang chảnh: 29 tuổi, tôi đã gánh món nợ bạc tỷ bắt nguồn từ thời thực tập như thế nào? - Ảnh 2.

Kinh tế của tôi bắt đầu tụt dốc không phanh từ năm 21 tuổi. Lúc mới ra trường và chẳng dành dụm được gì sau kỳ nghỉ hè, tôi vay 1.000 bảng để chi trả cho công việc thực tập 6 tháng không lương ở tổ chức từ thiện. Nói đúng hơn, tôi nhận về tổng cộng 12.000 bảng cho 1 năm, mức siêu thấp ở London. Bạn nên biết mức lương trung bình ở thủ đô nước Anh là 37.804 bảng và một người cần kiếm được 10,55 bảng/giờ để đủ sống. 

Lúc đó, tôi nhận ra là sau khi trả tiền trọ, tôi sẽ không còn một chút gì để ăn uống hay đi lại. Một cách ngu ngốc, tôi đã không nhờ sự giúp đỡ của mẹ hay các sếp, mà đăng ký thẻ tín dụng hạn mức 4.000 bảng. Vậy mà lúc đó, tôi còn thở phào nhẹ nhõm.

Tua nhanh đến sinh nhật lần thứ 23, tôi chật vật đóng tiền trọ và mọi khoản khác bằng thẻ tín dụng. Từ lâu, tôi đã lảng tránh việc kiểm tra các hóa đơn. Giờ nhìn lại, tôi không thể tin được mình đã ngây thơ và ngu ngốc đến vậy. Tôi chẳng có ý niệm nào về số tiền mà mình đang tiêu xài. Cuối cùng, mẹ đã đứng ra cho tôi mượn tiền thuê nhà, và tôi cảm thấy tồi tệ kinh khủng. Mẹ tôi là giáo viên nghỉ hưu và không đủ khả năng chu cấp, vậy nên tôi nghĩ mình đã làm mẹ thất vọng rất nhiều.

Câu chuyện về áp lực đè nén của một thế hệ nghèo sang chảnh: 29 tuổi, tôi đã gánh món nợ bạc tỷ bắt nguồn từ thời thực tập như thế nào? - Ảnh 3.

Một tháng sau, tôi đăng ký thẻ tín dụng thứ 2, tự hứa rằng sẽ tiết kiệm hết mức có thể. Tôi không đi tàu điện nữa mà cuốc bộ 1 giờ đồng hồ đến công ty mỗi ngày. Tôi sẽ mang theo bữa trưa và xin một công việc làm thêm ở quán bar... Khi thẻ tín dụng được gửi đến nhà vào 4 ngày sau, tôi gần như không ngủ được vì lo lắng.

Món nợ cũ của tôi không đáng kể, gần như sẽ vượt qua được. Đó là lí do vì sao tôi được cấp thẻ tín dụng thứ hai: cứ điền đơn và nhận về hạn mức tới 5.000 bảng. Tôi nhận ra mình cực kỳ may mắn khi cầm tấm thẻ trên tay. 

Nhưng thỉnh thoảng, khi không còn nhìn thấy lối thoát, tôi lại lục lọi trên Internet về các trường hợp vay nợ hàng đống tiền. Một vài người thảo luận về nỗi sợ của họ khi mất nhà cửa, con cái không ai chăm sóc... Những câu chuyện như vậy giúp tôi thức tỉnh về cuộc sống hiện tại.

Tôi không muốn đẩy mình vào đường cùng thêm nữa. Tôi đã tiết lộ một phần về tình trạng túng quẫn của mình với mẹ. Sau đó, tôi may mắn có được công việc mới trong ngành ngân hàng với lương khoảng 37.000 bảng/năm (hơn 1 tỷ đồng). Đây giống như chiếc phao cứu sinh giúp cuộc đời tôi dần trở về quỹ đạo.

Lúc đó, tôi đã hi vọng những nỗi lo lắng về tiền bạc sẽ biến mất. Nhưng kỳ thực chúng chỉ mới bắt đầu. Tôi đã trả một vài khoản nợ nhờ vào tháng lương đầu tiên của mình, vì vậy giữ được thẻ tín dụng nhưng bị hạ hạn mức. Song song đó, chủ nhà quyết định tăng tiền phòng. Hai người bạn ở chung thì đủ khả năng chi trả, nên tôi cũng đành cắn răng chịu tiền thuê cao hơn. Tôi từng suy nghĩ dọn về nhà với mẹ nhưng nó ở vùng nông thôn cách xa London, đồng nghĩa tôi phải bỏ việc.

Câu chuyện về áp lực đè nén của một thế hệ nghèo sang chảnh: 29 tuổi, tôi đã gánh món nợ bạc tỷ bắt nguồn từ thời thực tập như thế nào? - Ảnh 4.

Khi tôi 26 tuổi, một số bạn bè bắt đầu kết hôn. Suốt hơn 3 năm qua, tôi đã tham dự khoảng 15 tiệc độc thân và đám cưới. Trong số đó, hôn lễ xa hoa nhất diễn ra ở Las Vegas và tôi làm phù rể. Chi phí đội lên thật không thể lường được. Hàng ngàn bảng Anh đã bốc hơi sạch sẽ, và quan trọng hơn là nó "biến mất" từ thẻ tín dụng. Ngay cả những tiệc độc thân "nhẹ nhàng" cũng đi tong mấy trăm bảng. Mặc dù nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ rằng: "Họ là những người bạn thân thiết nhất, không đi làm sao được?".

Sâu thẳm bên trong, tôi thường xuyên bứt rứt về việc chi tiêu của mình. Thay vì cố gắng giải quyết vấn đề, tôi tìm cách để có thêm thẻ tín dụng, mượn chỗ này trả nợ chỗ kia, và cố gắng "săn deal" nhưng chẳng bao giờ trả dứt điểm món gì. Tôi cảm thấy như mình đã nghiện tiêu tiền mất rồi. Mỗi lần trả cho một món đồ xa xỉ như giày thể thao hay bữa ăn sang chảnh, tôi cảm thấy adrenaline tăng cao. Vung tiền khiến tôi cảm thấy tình hình tốt đẹp hơn, giống như cảm xúc bình ổn lại - mặc dù thực tế hoàn toàn trái ngược.

Mỗi lần được tăng lương, các khoản nợ của tôi cũng tăng theo tương ứng. Tôi biết rằng sẽ có ngày mình phá sản, sụp đổ nhưng cố gắng không nghĩ về nó. Các thư từ hóa đơn không được mở ra, các dãy số của thẻ tín dụng cũng khiến tôi mụ mị, thỉnh thoảng tôi còn lo bị tống khứ ra khỏi nhà.

Cách đây 2 năm, nhiều bạn bè bắt đầu mua nhà. Lúc đó tôi mới chợt nhận ra mình đang ngụp lặn giữa 6 món nợ tín dụng. Tôi cũng phát hiện nếu mình dành dụm ngay từ ngày đầu tiên, gửi tiết kiệm và nhận lãi, thì bây giờ đã đủ tiền mua nhà thế chấp rồi.

Tôi biết mình không thể sống và mang nợ như thế này nữa, nên đã xin lời khuyên từ các nhà tư vấn. Họ hướng dẫn hãy viết ra cụ thể tất cả món nợ. Tôi làm theo và tốn cả ngày chủ nhật để hoàn thành. Sau đó, tôi vùi đầu trong lòng bàn tay, cố gắng để không bật khóc. Tôi cảm thấy quá nhục nhã. Tôi cũng muốn gọi cho mẹ và kể hết tất cả những thứ tồi tệ này. Nhưng vì tôi đã nói dối suốt nhiều năm nên không biết mở đầu như thế nào. Các khoản nợ đã khiến tôi trở nên tự cô lập mình. Thay vì tâm sự với ai đó, tôi lại nốc vodka (được tặng trong dịp sinh nhật) cho đến khi không còn biết gì nữa. Tôi nghĩ rằng đó là điểm chạm đáy của cuộc đời.

Câu chuyện về áp lực đè nén của một thế hệ nghèo sang chảnh: 29 tuổi, tôi đã gánh món nợ bạc tỷ bắt nguồn từ thời thực tập như thế nào? - Ảnh 5.

Sau đó, tôi quyết định sẽ có những sự thay đổi tích cực đầu tiên: dọn ra phòng trọ rẻ hơn, vay ngân hàng để trả hết các món nợ tín dụng. Trong vòng vài tháng kế tiếp, tôi đau đớn cắt hết những khoản tiêu xài sung sướng của mình: không ăn tối nhà hàng, bỏ thẻ thành viên phòng gym... Thành thật mà nói, tôi thấy mình vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng phù phiếm.

Đó là lần đầu tiên trong 5 năm, khoản nợ của tôi không tăng thêm. Đó cũng là lúc tôi hiểu rằng để thoát nợ, tôi cần phải đối diện và chấp nhận sự thật. Hầu hết bạn bè vẫn ở lại khi tôi thừa nhận mình nghèo túng. Bạn gái vẫn không rời đi ngay cả khi tôi không mua quà cho cô ấy vào các dịp đặc biệt.

Tôi may mắn giữ được công việc của mình, và còn thăng chức. Nếu không, tôi sẽ đánh mất tia hi vọng cuối cùng để trả nợ. Nhưng đồng thời, tôi nhận ra bạn bè đã tiến xa thế nào trong cuộc đời của họ - mua nhà, an cư lạc nghiệp; còn tôi vẫn mắc kẹt ở đâu đó. Tôi đã có những cảm giác vô cùng đặc biệt và phải trả một cái giá đắt cho nó, bao gồm chuyện chứng kiến sự thất vọng của những người thân thiết nhất với mình. Tôi đã tài trợ cho những năm tháng đôi mươi bằng vay nợ và tín dụng, và giờ sẽ dành cả quãng đời phía trước để gồng gánh trả nợ.

* Theo chia sẻ của một nhân viên ngân hàng với tờ BBC vào tháng 2/2019.

5 hướng dẫn từ các chuyên gia của StepChange và National Debtline (Anh) giúp bạn thoát cảnh nợ nần:

1. Liệt kê trung thực tất cả nguồn thu nhập và chi tiêu. Bằng cách này, bạn sẽ thấy được mức độ cấp thiết của việc cắt giảm tiêu xài mỗi ngày, thậm chí đưa ra hành động mạnh mẽ hơn.

2. Nếu đang mượn tiền để trả cho nhu cầu thiết yếu như thức ăn; bạn hãy cố gắng thương lượng với chủ nợ để được nhận lãi thấp hơn. Mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn nếu bạn có kế hoạch cụ thể khi đàm phán.

3. Chìa khóa để thoát nợ là phải ưu tiên trả nợ. Đầu tiên, bạn kiểm soát mức chi trả cho các hoạt động thiết yếu, bao gồm thuế các loại. Hãy đảm bảo chúng ở mức thấp nhất có thể. Sau đó, ưu tiên trả những món nợ có lãi cao nhất.

4. Tìm cách cắt giảm chi tiêu, bao gồm hạn chế các siêu thị bán hàng cao cấp, đổi sang các dịch vụ thu phí rẻ hơn và cân nhắc đi bộ, dùng phương tiện công cộng thay vì tự lái xe.

5. Tìm kiếm sự tư vấn ngay khi bạn không thể trả các hóa đơn và cả những món nợ có lãi suất thấp nhất.

(Nguồn, ảnh: BBC)