Bao bì xanh cho tương lai
Trong một hội thảo diễn ra đầu tháng 6/2019, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc đưa ra con số đáng giật mình: 1,8 triệu tấn là lượng nhựa được thải ra ở Việt Nam mỗi năm. Đáng nói là, một sản phẩm từ nhựa cần 20 – 1.000 năm để phân hủy hoàn toàn. Vì vậy, việc giảm thiểu rác thải nhựa trở nên vô cùng cấp thiết. Theo dự báo của Viện công nghiệp giấy và Xenluylô, thị trường đang có xu hướng chuyển đổi từ bao bì không có khả năng tái chế hoặc tỷ lệ tái chế thấp sang bao bì giấy.
Việt Nam lần đầu tiên có nhà máy sản xuất vật liệu hộp giấy đựng đồ uống.
Không khó để nhận thấy sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc cắt giảm rác thải nhựa và chuyển sang nguồn nguyên liệu bền vững. Nếu dạo quanh các kệ trưng bày sữa, nước hoa quả đóng hộp tại siêu thị, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy logo FSC (viết tắt của Hiệp hội rừng thế giới) in trên thân vỏ hộp một số nhân hàng. Chọn mua những hộp giấy có logo FSC là bạn đang chọn mua các sản phẩm sử dụng gỗ từ nguồn rừng tái sinh và được kiểm soát.
Hay như đầu tháng 6 vừa qua, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam gồm chín "đại gia" trong ngành hàng tiêu dùng và bao bì đã được thành lập để thúc đẩy hoạt động tái chế hộp giấy. Mục tiêu đầy tham vọng của liên minh này là tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế vào năm 2030.
Mới đây, Tetra Pak - hãng chế biến và sản xuất bao bì đến từ Thụy Điển đã công bố thử nghiệm ống hút giấy cho các sản phẩm đồ uống đóng hộp tại châu Âu. Giấy làm ống hút cũng có logo FSC và có thể tái chế cùng với vỏ hộp. Đặc biệt là, hãng này quyết định không đăng ký sáng chế cho cải tiến này mà công khai, chia sẻ với các doanh nghiệp trong ngành để cùng chung tay phát triển ống hút giấy.
Hộp giấy Tetra Pak sử dụng nguyên liệu gỗ từ nguồn rừng tái sinh và được kiểm soát.
Kết hợp song song với các hoạt động kể trên là các chương trình nâng cao nhận thức của người dân, trong đó lứa tuổi học sinh – mầm non tương lai của đất nước được đặc biệt chú trọng. Chỉ trong 6 năm từ 2007 – 2013, đã có trên 2.000 trường tiểu học tham gia chương trình tái chế học đường do Tetra Pak khởi xướng. Nhờ đó, trên một triệu em học sinh tiểu học đã học cách gấp, là phẳng và bỏ vỏ hộp hộp giấy đựng sữa sau khi uống vào thùng rác để tái chế.
Vòng đai bảo vệ thực phẩm
Khoảng bảy thập niên trước, khi chưa có sự xuất hiện của hộp giấy, các thực phẩm dạng lỏng như sữa, nước hoa quả thường được đựng trong các loại bình thủy tinh, chai, lọ cồng kềnh. Vì vậy, việc vận chuyển thường khó khăn, tốn kém trong khi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng đồ uống.
Tetra Pak bắt đầu thử nghiệm ống hút giấy tại châu Âu.
Chiếc hộp giấy tiệt trùng sáu lớp dùng để đựng sữa, nước quả… ngày nay là phát minh của Tetra Pak. Hộp giấy này giúp bảo quản thực phẩm, đồ uống trong thời gian lên đến 6 tháng mà không cần chất bảo quản. Vì vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm với những sản phẩm được in "không chất bảo quản" trên vỏ hộp giấy. Đây không phải là chiêu trò quảng cáo của nhà sản xuất mà do hộp giấy tiệt trùng đã bảo vệ thực phẩm thông qua lớp màng ngăn cản tác động của không khí và vi sinh vật.
Đồng thời, với thiết kế nhỏ, gọn, trọng lượng nhẹ nên hộp giấy đựng đồ uống dễ dàng vận chuyển, tiết kiệm chi phí và vô cùng tiện lợi, có thể mang đến những vùng sâu, vùng xa nhất. Không quá khoa trương khi nói sự xuất hiện của những chiếc hộp giấy này đã tạo nên một cuộc cách mạng cho sự phổ biến của sữa và nước quả, biến chúng trở thành người bạn đồng hành trong bữa ăn hằng ngày của hàng triệu gia đình Việt.