Cậu bé mồ côi vào cửa hàng xin giày miễn phí để thi chạy và câu hỏi khiến người lớn cũng phải vỡ lẽ: Tự tay tạo ra mới là giá trị đáng trân trọng nhất

Phương Thuý, Theo TRÍ THỨC TRẺ 22:59 30/09/2019
Chia sẻ

Không phải thứ gì miễn phí cũng là rẻ nhất, đạo lý đơn giản đến cậu bé mồ côi cũng hiểu, nhưng cố tình người lớn lại bỏ qua.

Cậu bé mồ côi vào cửa hàng xin giày miễn phí để thi chạy và câu hỏi khiến người lớn cũng phải vỡ lẽ: Tự tay tạo ra mới là giá trị đáng trân trọng nhất - Ảnh 1.

Khi Trần Đông vừa lên 5, cha cậu qua đời trong một tai nạn lao động. Đến khi Trần Đông lên 10, mẹ cậu cũng ra đi sau một cơn bệnh nặng mà không có tiền chạy chữa. Trở thành cô nhi không cha không mẹ, sống dựa vào sự giúp đỡ của những thân thích họ hàng ở xa cùng với làng xóm láng giềng xung quanh, Trần Đông vẫn kiên cường lớn lên từng ngày, từng ngày. Do thiên phú thể thao vượt trội, đặc biệt là trong môn điền kinh, cậu thỉnh thoảng vẫn giành được học bổng của trường để hỗ trợ phần nào cho hoàn cảnh khó khăn của bản thân.

Đến năm lớp 9, trong khi tập chạy cho một cuộc thi quan trọng, đôi giày cũ rích của cậu đã chính thức "đình công", bên thì bong gót, bên thì rách toạc cả mũi giày không thể sửa lại được nữa. Trong khi chỉ còn một tuần nữa là cuộc thi bắt đầu, kết quả của cuộc thi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến học bổng mà cậu nhận được trong năm sau, do đó, Trần Đông bắt buộc phải tham gia và nỗ lực hết sức mình để giành giải thưởng. Tuy nhiên, cậu lại không có tiền để có thể mua được một đôi giày mới.

Trên đường về nhà, cậu bé dừng lại trước một cửa tiệm bán giày thể thao rất đẹp và lấy hết can đảm để gõ cửa bước vào. Đứng trước mặt ông chủ, cậu khẽ nói: "Cháu muốn mua một đôi giày mới, cho hỏi giá đôi rẻ nhất là bao nhiêu ạ?"

Trước giờ, mọi người trong thị trấn đã không còn xa lạ gì với hoàn cảnh của Trần Đông. Họ biết cậu bé ngoan ngoãn gặp nhiều khó khăn và thương cảm cho cảnh ngộ đó cho nên hiếm khi mọi người lấy tiền của cậu. Ông chủ cửa tiệm giày cũng nói: "Cậu bé đáng thương, hỏng giày rồi à? Lại đây nào, để ta cho cháu một đôi nhé."

Cậu bé mồ côi vào cửa hàng xin giày miễn phí để thi chạy và câu hỏi khiến người lớn cũng phải vỡ lẽ: Tự tay tạo ra mới là giá trị đáng trân trọng nhất - Ảnh 2.

Trần Đông lắc đầu: "Không ạ, cháu muốn mua."

Ông chủ nói: "Sao mà mọi người nỡ lấy tiền của cháu chứ? Cứ để dành đóng tiền ăn học đi. Đôi giày này cũng không đáng bao nhiêu đâu."

Trần Đông vẫn từ chối: "Nếu cháu nhận đôi giày miễn phí thì rốt cuộc đó là giày của bác hay của cháu?"

Trong khi chủ tiệm ngẩn người chưa biết trả lời làm sao thì cậu bé nói tiếp: "Cảm ơn ý tốt của bác rất nhiều nhưng vậy không nên đâu ạ. Đúng là bây giờ cháu chưa có tiền thật, nhưng cháu có thể xin đi phát báo, cháu cũng có tiền học bổng nữa. Cháu nhất định sẽ trả tiền. Bác cứ bán đúng giá cho cháu nhưng để cháu nợ một thời gian thôi nhé."

Không chỉ chủ tiệm và cả những người khách xung quanh cũng phải cảm phục vì sự thông thấu đạo lý trong lời nói của cậu bé nhỏ tuổi. Không ngờ một thiếu niên mới mười mấy tuổi đã hiểu rõ "Của biếu là của lo, của cho là của nợ". Thay vì dùng sự nghèo khổ, đáng thương của mình làm cái cớ để xin xỏ cho mình, cậu bé vẫn tự gánh chịu trách nhiệm của bản thân.

Chủ tiệm suy nghĩ một chút rồi đáp: "Cháu nói cũng có lý, vậy thế này nhé, đằng nào cháu cũng sẽ đi làm thêm, vậy mỗi chiều sau khi tan học hãy tới đây phụ giúp công việc buôn bán ở cửa hàng đến tối cùng ta. Bữa tối ta cũng bao luôn cho cháu. Chỉ cần làm trong 1 tuần thôi, thế nào?"

Cậu bé nghe vậy thì mừng rỡ, quyết đoán đồng ý luôn. Mỗi chiều, trở về cửa hàng, cậu giúp ông chủ lau dọn kệ hàng, sắp xếp bày biện đồ đạc, lại kiên nhẫn tiếp chuyện với khách hàng. Ăn tối xong thì cậu ở lại giúp ông chủ dọn dẹp một chút, rồi khóa cửa về nhà để làm bài tập cho hôm sau.

Cậu bé mồ côi vào cửa hàng xin giày miễn phí để thi chạy và câu hỏi khiến người lớn cũng phải vỡ lẽ: Tự tay tạo ra mới là giá trị đáng trân trọng nhất - Ảnh 3.

Một tuần trôi qua nhanh chóng, khi cầm được đôi giày trong tay, Trần Đông mới cảm thấy hạnh phúc không gì kể xiết. Cậu cười toe toét rồi nói cảm ơn với ông chủ: "Nếu ngay từ đầu ngài đã cho cháu đôi giày này thì làm sao cháu có thể hiểu được cảm giác trân trọng và vui vẻ như hiện tại chứ. Cháu nhất định sẽ dùng nó để đạt được càng nhiều giải thưởng hơn nữa! Cảm ơn bác rất nhiều!"

Đúng như những lời mà cậu bé hứa hẹn cùng chủ tiệm giày, những cuộc thi điền kinh sau này, Trần Đông đều xuất sắc đạt được giải nhất. Năng khiếu của cậu ngày một được rèn luyện, phát triển mạnh mẽ hơn. Sau 4 năm, cậu bé ngày nào được tuyển thẳng vào trường Đại học Thể dục thể thao, rồi trở thành vận động viên tham gia các giải đấu lớn của khu vực.

Khi công thành danh toại trở về quê hương cũ, Trần Đông cầm trên tay đôi giày năm xưa, tuy đã sờn cũ nhưng vẫn vô cùng sạch sẽ tinh tươm, gõ cửa cửa tiệm bán giày ngày ấy. Tại đây, anh học được cách tự lập, tin tưởng vào năng lực của bản thân và biết khai thác giá trị của chính mình. Đó chính là nền tảng động lực để anh không ngừng phấn đấu mỗi ngày cho tương lai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày