Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, câu chuyện một cô vợ bàng hoàng, sửng sốt khi phát hiện ra toàn bộ vàng cưới đều là vàng giả, đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Theo những gì cô vợ chia sẻ, vàng cưới của cô gồm 2 vòng kiềng, 1 lắc tay, 1 vàng nhẫn - tất cả đều là vàng giả. Sau khi cưới, cô đã cất số vàng này trong tủ và khóa lại, chìa khóa giấu ở 1 tủ khác. Gần đây mở ra xem, thì mới phát hiện toàn bộ số vàng là vàng giả. Bản thân cô cũng không rõ là số vàng này đã bị đánh tráo, hay ngay từ đầu, nó đã là vàng giả.
Trong phần bình luận của bài đăng, có rất nhiều kịch bản được mọi người đưa ra. Có người cho rằng không thể loại trừ trường hợp ngay từ đầu, người mừng đã vô tình mua phải vàng giả. Cũng có người phản đối quan điểm này, cho rằng bây giờ, chẳng tiệm vàng nào bán vàng giả. Nếu là vàng giả, thì hoặc là bị đánh tráo, hoặc là người mừng cố tình mua vàng giả. Và đương nhiên, cũng không thể loại trừ trường hợp, chính người chồng trong câu chuyện này là người đã lén đánh tráo vàng thật thành vàng giả.
Tựu trung lại, mọi người đều cho rằng cách tốt nhất bây giờ là nói với chồng trước, vì cũng không thể loại trừ khả năng chồng chính là người tráo vàng. Nếu bản thân người chồng vô can, hoàn toàn không biết về việc này, bước tiếp theo mới là hai vợ chồng lựa lời hỏi bố mẹ.
Để không rơi vào tình cảnh éo le, “một mất mười ngờ” như cô vợ phía trên với số vàng cưới mà bản thân nhận được, các cặp vợ chồng nên khắc cốt ghi tâm 3 điều dưới đây.
1 - Tự giữ vàng cưới
Nhiều cặp vợ chồng thường hay đưa vàng cưới cho mẹ chồng, nhờ mẹ giữ giúp. Tuy nhiên, lựa chọn này tiềm tàng khá nhiều rủi ro, dễ gây xích mích giữa mẹ chồng - nàng dâu. Nếu bố mẹ không đòi lại số vàng đã cho 2 vợ chồng trong đám cưới, tốt nhất là tự thân giữ lấy. Người lớn cả rồi, tài sản của mình, mình phải là người giữ. Sau này có muốn bán đi lấy tiền làm việc lớn, cũng chủ động; mà nếu không may có mất, cũng không trách hay đổ lỗi cho ai được.
2 - Mang vàng ra tiệm vàng, đổi thành “vàng chẵn”
Bản chất của vàng cưới chính là mỗi người tặng cô dâu - chú rể một ít, có thể là nửa chỉ hoặc 1 chỉ. Vậy nên sau đám cưới, để dễ quản lý vàng cưới, vợ chồng nên mang hết số vàng này ra tiệm vàng, đổi thành “vàng chẵn” như 1 thỏi hay 5 chỉ vàng nhẫn chẳng hạn. Việc này không chỉ giúp vợ chồng kiểm tra được chất lượng vàng, mà còn tiện bề quản lý, đồng thời đảm bảo vàng không bị mất giá. Vì vàng cưới được tặng có thể là vàng trang sức, so với vàng nhẫn trơn, thì vàng trang sức có thể bị mất giá.
3 - Vợ chồng thống nhất về cách giữ vàng
Vàng cưới là của chung, thế nên trách nhiệm giữ vàng này cũng là trách nhiệm chung mà 2 vợ chồng cần thống nhất. Để vàng ở đâu, có bán hay không,... là những điều mà cả 2 cần làm rõ với nhau để hạn chế những việc ngoài ý muốn như 1 trong 2 người mang vàng đi bán mà người còn lại không biết.
Trong trường hợp 2 vợ chồng không tự tin với việc tự giữ vàng, phương án tối ưu nhất chính là nhờ ngân hàng giữ giúp.
Dịch vụ giữ hộ vàng được Nhà nước cấp phép cho các ngân hàng. Hiện tại, có 4 ngân hàng nhận giữ hộ vàng với mức phí hợp lý. Điều đáng lưu tâm là ngân hàng chỉ nhận giữ hộ vàng miếng, các loại vàng khác, ngân hàng không nhận giữ.
Dưới đây là mức phí gửi vàng ở ngân hàng mà bạn có thể tham khảo:
- Mức phí giữ hộ vàng ở ngân hàng MBBank: 1.000đ/chỉ/tháng (giữ không thời hạn), 800đ/chỉ/tháng (thời hạn từ 1 - 12 tháng), 500đ/chỉ/tháng (thời gian giữ hộ trên 12 tháng). Mỗi lần thu tối thiểu là 30.000đ.
- Mức phí giữ hộ vàng ở ngân hàng Eximbank: 1.600đ/chỉ/tháng. Tối thiểu 30.000 VNĐ cho một lần thu.
- Mức phí giữ hộ vàng ở ngân hàng VietinBank: 2.000đ/chỉ/tháng. Tối thiểu 50.000đ cho một lần thu.