6 năm đi làm, miệt mài tiết kiệm đến 60% thu nhập mỗi tháng, cuối cùng có 700 triệu và 2 mảnh đất

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 00:01 06/10/2024
Chia sẻ

Thu nhập tối thiểu 18 triệu, mỗi tháng, Thanh Bình tiết kiệm ít nhất 11 triệu, chỉ tiêu 7 triệu.

Thanh Bình (30 tuổi) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Hồi bé, Bình đau ốm nhiều, nên thành ra đi học chậm hơn 1 năm so với các bạn cùng tuổi. Thế nên 30 tuổi mà mới chỉ có hơn 5 năm thâm niên đi làm kiếm tiền.

Dẫu vậy, những gì mà anh bạn này tích góp được lại khiến không ít người đã đi làm cả chục năm phải hổ thẹn.

Mỗi tháng tiết kiệm ít nhất 11 triệu, sau 6 năm, mua được 2 mảnh đất

Bình làm việc trong lĩnh vực IT. Thu nhập có tháng lên tới 30-40 triệu, tính trung bình, thu nhập một tháng bao gồm cả “job trong lẫn job ngoài” rơi vào khoảng 18-20 triệu. Với mức thu nhập như vậy, Bình cho biết mỗi tháng, anh chỉ tiêu khoảng 7-8 triệu, còn lại bao nhiêu đều tiết kiệm hết.

“Mình thuê nhà cùng 2 thằng bạn thân, 3 đứa thuê 1 nhà nguyên căn 3 phòng ngủ, hết có 6 triệu. Điện nước giá dân nữa nên khoản tiền nhà mình không tốn lắm. Tốn nhất là tiền ăn với tiền xăng vì công việc bận nên mình chủ yếu ăn ngoài, nhà thuê ở xa công ty nên đi lại cũng tốn. May là công ty mình bao ăn sáng với ăn trưa, mình chỉ tốn tiền ăn bữa tối thôi nên tầm 8 triệu/tháng thì cũng đủ tiêu, chứ không đến mức phải sống khổ quá” .

6 năm đi làm, miệt mài tiết kiệm đến 60% thu nhập mỗi tháng, cuối cùng có 700 triệu và 2 mảnh đất- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bình còn cho biết thêm bản thân anh cũng không nghiêm túc với việc quản lý tài chính cá nhân. Việc duy nhất Bình duy trì chỉ là tháng nào cũng tiết kiệm trước, chi tiêu sau.

Một mực khẳng định bản thân không giỏi quản lý chi tiêu, nhưng thực tế, những gì mà Bình làm được lại trái ngược hoàn toàn.

Sau gần 6 năm cần kiệm tích góp, đến giờ này, Bình đã mua được 2 mảnh đất, 1 mảnh ở quê - Hải Dương, 1 mảnh ở Hải Phòng.

“Năm 2020, mình mua mảnh đất đầu tiên ở Hải Dương quê mình. Hồi đấy giá đất thổ cư chưa tăng như bây giờ, thêm nữa là đất trong ngõ, ở huyện nhỏ chứ không phải thị trấn hay tỉnh, cũng không phải đất mặt đường nên không đắt. Diện tích trên sổ là 31m2, giá 17 triệu/m2. Vì cùng quê, nên chủ đất ra lộc cho 2 triệu, còn 525 triệu. Lúc đó, mình mới có khoảng 320 triệu thôi, mình vay ngân hàng thêm 80 triệu, 125 triệu còn lại, mình vay bố mẹ mà đến giờ vẫn chưa trả luôn” - Bình vừa cười vừa kể.

Vẫn còn nợ bố mẹ 125 triệu chưa trả, nhưng cuối năm 2022, Bình lại mạnh dạn cùng bạn mua thêm 1 mảnh đất nữa ở Hải Phòng.

“Mảnh ở Hải Phòng thì đắt hơn, không phải trung tâm thành phố nhưng gần khu công nghiệp nên cũng 27 triệu/m2. Mảnh đó 40m2, giá 1 tỷ 80 triệu; thì mình góp 450 triệu; còn lại bạn mình góp 630 triệu” - Bình chia sẻ và cho biết khi mua mảnh đất thứ 2 này, anh đã phải cắm sổ đỏ mảnh đất đầu tiên để vay ngân hàng 200 triệu.

Khoản vay 200 triệu này, đến hiện tại, Bình cũng đã trả hết.

Sau 2 năm, 2 mảnh đất ở quê sinh lời gần 4 tỷ

Chia sẻ về lý do mua đất thổ cư ở Hải Dương và Hải Phòng thay vì gom tiền mua nhà ở Hà Nội, Bình cho biết: “Thực ra, ban đầu mình không định sống ở Hà Nội nên không tính chuyện mua nhà Hà Nội làm gì. Sau này thì cuộc sống cũng có nhiều chuyện không tiện chia sẻ, nên mình vẫn chưa thực hiện được dự định của mình, nên vẫn đang ở Hà Nội. Còn lý do mình mua đất ở quê, chứ không mua đất ở Hà Nội thì đơn giản là vì mình không đủ tiền” .

Mua đất từ thời BĐS còn đang “ngủ đông” vì tình hình dịch bệnh, đến giờ này, khi BĐS đang ở giai đoạn “nóng” hơn bao giờ hết, Bình cho biết, 2 mảnh đất của anh đã sinh lời gần 4 tỷ.

6 năm đi làm, miệt mài tiết kiệm đến 60% thu nhập mỗi tháng, cuối cùng có 700 triệu và 2 mảnh đất- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

“Mảnh đất ở Hải Phòng, mình không nghĩ là nó tăng giá đến thế. Hồi mình mua là 27 triệu/m2, thì giờ nó tăng gần 80 triệu/m2 rồi. Hai đứa mình (Bình và người bạn mua chung mảnh đất ở Hải Phòng - PV) cũng đang tính bán mảnh ấy đây, vì bạn mình thì muốn mua nhà Hà Nội, còn mình thì không, nhưng vì bạn góp vốn nhiều hơn, nên từ đầu chúng mình đã thỏa thuận là nếu được giá, thì quyết định giữ hay bán thuộc về bạn mình” - Bình kể.

Là người tay ngang đầu tư BĐS, và đầu tư cùng bạn, Bình cho rằng có 2 điều rất đáng lưu tâm trong việc đầu tư BĐS nói chung và đầu tư BĐS cùng bạn nói riêng.

1 - Không mua vì rẻ, mua vì thấy ưng

“Mình mua đất với mục đích sinh lời, nói thế mới đúng chứ bảo là đầu tư BĐS thì mình nghĩ mình chưa đủ tầm. Nhưng ngay từ đầu, mình đã xác định là phải mua mảnh đất nào mình ưng 100%, không có lấn cấn gì về mặt pháp lý hay phong thủy, thì sau này mới dễ bán. Chứ với số vốn mà mình dành để mua mảnh đất ở Hải Dương quê mình, thì ở thời điểm ấy, mình có thể mua mảnh với diện tích lớn hơn, nhưng vì lấn cấn nhiều yếu tố, nên mình không tham làm gì.

Đến giờ, mình vẫn thấy tư duy này là đúng” - Bình chia sẻ.

2 - Làm hợp đồng thỏa thuận riêng với người cùng mình mua đất và mang đi công chứng

“Mảnh đất ở Hải Phòng, cả mình và bạn mình đều đứng tên trên sổ. Nhưng để hạn chế việc bất đồng hoặc anh em lừa nhau, nên ngay từ đầu chúng mình đã thỏa thuận rất rõ về việc ủy quyền giao dịch, tỉ lệ góp vốn, quyền bán và tỷ lệ chia tiền lãi.

Mọi thỏa thuận của chúng mình đều được công chứng và cả hai cũng thấy như vậy là hợp lý, không có gì mích lòng. Đụng đến tiền nong đã dễ mâu thuẫn, chứ nói gì đến đất đai, nên phải cẩn thận, rõ ràng ngay từ đầu mới yên tâm được” - Bình nhấn mạnh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày