Trước đây, tôi nghĩ rằng việc đặt những mục tiêu đơn giản, trong ngắn hạn sẽ giúp mình tiến bộ nhanh hơn việc nhìn về tương lai quá xa hay nhắm tới những thứ quá lớn. Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều thất bại, cuối cùng tôi cũng nhận ra đó không phải cách hay.
Chìa khóa làm nên một cuộc sống đủ đầy cả về mặt vật chất lẫn tinh thân chính là chủ nghĩa dài hạn. Theo đuổi chủ nghĩa dài hạn cũng là cách mà những người thành công quanh tôi luôn thực hành.
Chủ nghĩa dài hạn là một triết lý sống nhấn mạnh đến việc không theo đuổi những kết quả nhất thời, mà tập trung sức lực, tiền bạc để có được sự tiến bộ bền vững, ổn định. Nó khiến tôi hiểu rằng cuộc sống không thể thay đổi qua những nỗ lực đơn lẻ, nhất thời.
Ví dụ, khi nói đến việc giảm cân, tôi luôn mong muốn giảm cân nhanh chóng bằng cách ăn kiêng khắt khe hoặc tập thể dục cường độ cao, nhưng kết quả thường là cân nặng lại tăng trở lại. Nhưng khi tôi ăn uống điều độ và tập thể dục vừa phải, trong ba tháng, tôi giảm được 10kg mà không hề phải vật vã kiêng khem, đồng thời tôi cũng thiết lập được thói quen sinh hoạt lành mạnh. Đây chính là “sự tăng trưởng lâu dài” mà tôi mong muốn.
Còn với chuyện tiết kiệm và đầu tư, trước đây, tôi luôn kỳ vọng mỗi tháng mình phải để dành được một nửa tiền lương, và đầu tư thì chắc chắn phải sinh lời. Cách tư duy này làm tôi gặp muôn vàn trở ngại trong cuộc sống thường nhật. Tiết kiệm quá nhiều khiến tôi không còn đủ tiền để trang trải những nhu cầu cơ bản nhất, và bởi quá nóng lòng với việc đầu tư phải có lời, tôi chẳng còn tâm trí để bất kỳ việc gì, kể cả công việc chính hay chuyện chăm sóc gia đình.
Kết cục, tôi chẳng tiết kiệm và đầu tư nữa. Sai lầm trong góc nhìn lẫn kỳ vọng trong ngắn hạn dồn tôi vào tình thế khó khăn, rồi dẫn tới sự từ bỏ.
Trước đây, tôi thường bị thu hút bởi đủ thứ mới lạ. Kết quả là tôi mua một đống đồ về nhà, rồi nhận ra rằng mình không thực sự sử dụng chúng, và nhà cửa chỉ ngày càng bừa bộn hơn dù tôi dọn nhà thường xuyên cỡ nào. Việc này khiến tôi căng thẳng cực độ.
Tôi buộc phải mua sắm ít lại, đồng thời thanh lý bớt đồ bếp, quần áo, đồ trang trí để con có không gian vui đùa, chạy nhảy, và chồng đỡ phàn nàn.
Tủ quần áo đã giảm từ hơn 50 bộ xuống còn 20 bộ, đồ bếp từ mấy chục món giờ chỉ còn chưa quá 10 đầu ngón tay, nhưng tôi lại hào hứng vào bếp hơn.
Nhìn chung, sau khi “tống khứ” khoảng 40% đồ đạc trong nhà, ngạc nhiên thay, cuộc sống của gia đình và cảm nhận của cá nhân tôi lại tuyệt vời hơn hẳn. Chúng tôi không cảm thấy thiếu thốn, ngược lại, còn thấy nhẹ gánh, thảnh thơi bội phần.
Cuộc sống “ít hơn nhưng tốt hơn” này giúp tôi giảm bớt áp lực, tiết kiệm cả thời gian, tiền bạc và công sức.
Theo cảm nhận cá nhân của tôi, những người có cuộc sống đủ đầy về mọi mặt là những người có thể kiểm soát cơn giận giữ. Họ rất hiếm khi nổi nóng, tác phong nhẹ nhàng mà toát ra vẻ tinh tế.
Sếp của tôi chính là một người như vậy. Trong số những người tôi quen, cô ấy là người thành công nhất, giàu có nhất, những cũng là người sống giản dị nhất. Cô đang sống trong biệt thự, có tới 3 căn hộ cho thuê nhưng tuyệt nhiên, chưa bao giờ tôi thấy cô dùng túi hiệu, chiếc ô tô mà cô dùng để đi lại hàng ngày cũng là chiếc xe cô mua từ 12 năm trước.
Cô từng nói với tôi rằng không phải cô cố gắng sống giản dị để che giấu khối tài sản của mình, mà chính bởi sống giản dị, nên cô mới tích lũy được số tài sản đó. Mỗi ngày, khi chạy bộ vào buổi sáng, cô đều nghĩ về cuộc sống của mình trong vòng 10 năm nữa. Đó là động lực để cô sống giản dị.
“Sống cho hiện tại cũng tốt, nhưng chỉ tập trung vào hiện tại và không hề nghĩ cho tương lai thì chính là đang vô tâm với cuộc sống của chính mình” - Cô nói.