Tin nữ diễn viên
Carrie Fisher, nổi tiếng với loạt phim Star Wars qua đời đã để lại nhiều tiếc
thương đối với người hâm mộ. Vĩnh biệt "Leia Organa", nàng công chúa
của một thiên hà xa rất xa nay về với Thần Lực vĩnh hằng.
Ở tuổi 60, nữ
tài tử Carrie Frances Fisher vẫn lộ rõ một nét đẹp phúc hậu nhưng mạnh mẽ, khi
cô tham gia vào phần 7 của thương hiệu "Chiến tranh giữa các vì sao"
- Star Wars: Episode VII - The Force Awakens vào năm 2015. Vì thế, việc cô lên
cơn đau tim trên máy bay, rồi qua đời tại bệnh viện của Los Angeles vào ngày
27/12 vừa rồi thực sự là một cú shock lớn với cộng đồng yêu điện ảnh.
Trong sự nghiệp
của mình, Carrie Fisher nổi tiếng bởi loạt phim Star Wars
Trải qua nhiều
thăng trầm trong làng nghệ thuật thứ bảy như bao bạn diễn khác, thế nhưng nhắc
đến Carrie Fisher, người ta chỉ có thể nghĩ đến hình ảnh một Công chúa Leia
ngoan cường, cầm súng phản kháng lại binh đoàn Stormtrooper của phe Đế chế
Thiên hà độc ác. Công chúa/ Tư lệnh Leia Organa không chỉ là một trong những
bông hoa nữ quyền sớm nở trên màn bạc Hollywood, cô còn là một tượng đài, một
biểu tượng đã góp phần hoàn thiện văn hóa giải trí đương đại.
Cả thiên hà đứng nấp sau bờ vai một cô gái nhỏ
Theo mạch truyện
chính, Leia Organa là nàng công chúa của hành tinh Alderaan - một tinh cầu thuộc
quyền kiểm soát của Đế chế Thiên hà (The Galactic Empire) tàn độc. Nàng đồng thời
cũng là một gián điệp của phe Kháng chiến, ngấm ngầm hỗ trợ những chiến sĩ cách
mạng ngăn chặn những cuộc tấn công quy mô lớn của Đế chế. Trên thực tế, nàng là
con gái của Hoàng hậu Padmé Amidala và hiệp sĩ Jedi Anakin Skywalker, đồng thời
cũng là em gái sinh đôi của "Người được chọn" Luke Skywalker (Mark
Hamill). Ngoại hình của Công chúa Leia cũng khá nổi bật: Nàng thường mặc đầm trắng,
có khuôn mặt xinh đẹp ngây thơ cùng mái tóc búi hai bên vô cùng đặc trưng.
Mở đầu phần 4 -
Star Wars Episode IV: A New Hope (1977) là hình ảnh Chúa tể Bóng tối Darth
Vader lạnh lùng triệt hạ quân Kháng chiến, truy bắt Công chúa Leia nhằm thu hồi
lại bản vẽ của vũ khí hủy diệt Death Star (sự kiện này được liên kết bởi cảnh
cuối của Rogue One: A Star Wars Story vừa ra rạp trong năm nay). Nàng Leia mang
trong tay niềm hy vọng của cả thiên hà đã bỏ trốn thành công, nhưng cô cũng phải
bất lực nhìn hành tinh mà mình lớn lên bị hủy diệt.
Với mở màn không
quá mới lạ, cùng với việc nửa đầu phim Leia chỉ xuất hiện trong hình dạng ảnh ảo
và hỗ trợ hai người hùng chính của phim là Luke Skywalker và Han Solo (Harrison
Ford), khán giả dễ lầm tưởng Fisher chỉ vào một vai "nữ nhi thường
tình", một người đẹp chờ đợi cánh mày râu đến giải cứu. Nhưng không, lần đầu
tiên hai cánh mày râu ấy mặt đối mặt với Leia, cũng là lúc họ thấy được sự dũng
mãnh của nữ tư lệnh trẻ tuổi. Không ngại vén chiếc đầm trắng quyền quý lên cao,
Leia với sự sắc sảo và dũng cảm của mình đã cùng với Luke và Han trở thành một
bộ ba ăn ý.
Không Thần Lực, không kiếm ánh sáng, không sao cả!
Cách đây vài
năm, chính đạo diễn George Lucas đã thừa nhận ra phần phim Star Wars đầu tiên
chịu ảnh hưởng nhiều từ bộ phim cổ trang The Hidden Fortress (1958) của ông hoàng điện ảnh Nhật Bản - Akira Kurosawa. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, khi lối dẫn
truyện, hình ảnh kiếm ánh sáng cũng như giáp phục của Darth Vader và các
Stormtrooper cũng chứa đầy phong vị Á Đông. Công chúa Leia vì thế cũng chính là
"phiên bản Hollywood" của Công chúa Akiyuki Yuki (Uehara Misa), với
đôi mắt đầy lửa của lòng kiêu hãnh và trái tim sẵn lòng chịu rỉ máu vì đại nghiệp.
Như đã nói, hình
tượng của Công chúa Leia còn mang tầm vóc vượt ra ngoài loạt phim Chiến tranh
giữa các vì sao. Năm 1977, hay thập niên 70 nói chung là thời điểm nền điện ảnh
Mỹ mở rộng, những góc nhìn của nhà làm phim lẫn khán giả đại chúng vẫn còn hạn
hẹp. Họ quá quen với những hình ảnh rập khuôn về các người hùng nam giới phong
trần, lao vào hang ổ kẻ ác và luôn có một mỹ nữ nằm đó chờ sẵn. Sự xuất hiện của
nhân vật Leia Ornaga, ngoài dự kiến của cả Carrie Fisher, đã thay đổi tất cả.
Khoảnh khắc nàng
công chúa không biết sử dụng Thần Lực như Luke Skywalker, cũng không biết sử dụng
kiếm ánh sáng như các hiệp sĩ Jedi bình tĩnh chĩa súng vào bè lũ Stormtrooper
hùng hậu khiến không chỉ phe hắc ám trong phim mà cả người xem trên toàn thế giới
cũng phải chết lặng. Nhân vật có hẳn một lượng fan hùng hậu chỉ sau khi phần đầu
tiên công chiếu, lượng sản phẩm ăn theo của Công chúa Leia cũng vô cùng bán chạy.
Nhiều nhà phê bình thời bấy giờ đã lý giải hiện tượng này rằng trong khi tuyến
nhân vật nam quá "lề thói", thì nữ chính mới là điểm nhấn, là tinh hoa của cả bộ
phim.
Trước khi người
mẹ Sarah Connor che chắn cho con mình trước lũ người máy sát thủ đến từ tương
lai (loạt phim The Terminator - phần đầu tiên ra mắt năm 1984), trước cả khi nữ
chiến binh Ellen Ripley cầm súng máy xả vào lũ quái vật ngoài hành tinh (loạt
phim Aliens - 1977), đã có một Leia Ornaga can trường. Có thể nói, cô không chỉ
khơi dậy dũng khí cho phe Kháng chiến, mà còn làm thức tỉnh tinh thần nữ quyền
cho những tựa phim về sau của Hollywood.
Leia tạo cảm hứng
cho nhiều hình ảnh nữ giới hành động sau này
Câu chuyện vui về "Chiếc áo ngực ngoài không
gian" hay "sự cứng đầu" đáng khâm phục của Carrie Fisher
Fan của loạt
phim Star Wars sẽ còn nhớ mãi hình ảnh một nàng công chúa nhỏ bé dũng cảm chất
vấn Darth Vader - kẻ không chỉ cao hơn cô hai cái đầu, mà còn là nỗi khiếp sợ của cả thiên hà. Đã là gì khi trước đó, chính
Carrie Fisher ngoài đời cũng làm điều tương tự với "Đấng sáng tạo" của
Vũ trụ Star Wars - Đạo diễn George
Lucas.
Số là trước khi quay, Lucas đã quả quyết rằng nhân vật của cô sẽ không được... mặc áo ngực, với lý do
rằng đó là tình tiết phi logic, trong không gian áo ngực sẽ không tương đồng
với cơ thể người dẫn đến việc người mặc bị siết cổ. Điều đó thật nực cười,
Carrie Fisher thì cho rằng Lucas chỉ muốn thêm chút "mát mẻ"
để câu khách mà thôi; vì loạt phim cũng đã có rất nhiều tình tiết phi thực tế
(nguyên lý hoạt động của kiếm ánh sáng, âm thanh phát ra giữa không gian) mà
vẫn được người xem chấp nhận đấy thôi!
Rốt cuộc thì
nàng tài tử năm ấy chỉ vừa 21 tuổi cũng giành chiến thắng. Cô cũng nhắc lại
tình tiết này bằng một giọng văn đầy hóm hỉnh trong quyển hồi ký Wishful Drinking
của mình: "Khi tôi chết, tôi muốn mình được thông báo rằng đã qua đời vì
chết ngợp dưới
ánh trăng, bị siết cổ bởi chính áo ngực của mình"
(Nguyên văn: No matter how I go, I want it report that I drowned in moonlight,
strangled by my own bra).
Dù đây chỉ là lời
đùa vui, nhưng để tỏ lòng kính trọng, nhiều trang thông tin như Justjared,
Deadline, Mirror đã đề cập lại dòng "drowned in moonlight, strangled
by my own bra" trong tựa đề chính thức thông báo cái chết của cô.
Bìa quyển hồi ký
Wishful Drinking
Cuối cùng, thay
cho lời kết, xin gửi lời từ biệt đến Carrie Fisher, một phần tuổi thơ của bao
thế hệ "mọt phim" nay đã ngủ yên vĩnh viễn. Trong tín ngưỡng của các
Hiệp sĩ Jedi, những người có liên kết mãnh liệt với Thần Lực khi qua đời sẽ hòa
làm một với nguồn năng lượng vĩ đại này. Vậy nên, cầu cho Thần lực luôn ở bên
Người!
Hay như cách nói
của những đặc vụ mặc đồ đen trong bộ phim khoa học viễn tưởng Men In Black:
"Cô ấy không chết, cô ấy chỉ về nhà thôi!"