Cao thủ đi trước Lý Tiểu Long, kết hợp kungfu-boxing đánh bại võ sĩ châu Âu

Sơn Tùng/VTC News, Theo VTC News 10:51 25/04/2025
Chia sẻ

Rất nhiều năm trước khi Lý Tiểu Long nổi danh, Trung Quốc từng có một võ sư tiên phong kết hợp giữa võ cổ truyền với hiện đại.

Lý Tiểu Long được coi là một võ sư có tầm nhìn vượt thời đại, dù xuất thân từ võ thuật truyền thống Trung Quốc (Vịnh Xuân Quyền) nhưng vẫn tích cực học hỏi boxing phương Tây. Ông từng giành chiến thắng trong một trận boxing thời trung học trước đối thủ Gary Elms.

Tuy nhiên, Lý Tiểu Long không phải là người duy nhất theo đuổi con đường này. Trước ông, Chu Quốc Phúc (1891–1968) – đại sư Hình Ý Quyền, được mệnh danh là “cha đẻ quyền anh Trung Quốc” – cũng từng sử dụng boxing để đánh bại một nhà vô địch quyền anh người Nga, tạo tiếng vang lớn trong giới võ thuật Trung Quốc.

Cao thủ Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng

Chu Quốc Phúc sinh ra với thể trạng yếu ớt, suy dinh dưỡng nặng. Gia đình đưa ông đi học võ để cải thiện sức khỏe, và Chu Quốc Phúc may mắn được đại sư Hình Ý Quyền Mã Ngọc Đường truyền dạy. Nhờ tư chất thông minh, khả năng lĩnh ngộ vượt trội, chỉ trong vòng 2 năm, ông đã nắm vững tinh túy của Hình Ý Quyền. Sau đó, Chu Quốc Phúc được học thêm Bát Quái Chưởng từ cao thủ Trương Trường Phát – bạn thân của sư phụ ông – nhờ vậy nhanh chóng tinh thông cả hai môn võ.

Đến năm 20 tuổi, Chu Quốc Phúc đã thành thạo Hình Ý Quyền, Bát Quái Chưởng, cùng với đao pháp và côn pháp. Ông bắt đầu hành nghề tiêu sư, nổi danh nhờ võ công cao cường và đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tàu hỏa khiến ngành tiêu sư suy tàn, buộc ông phải chuyển hướng. Cơ hội mới đến khi ông gia nhập Hội Võ sĩ Trung Hoa tại Thiên Tân, do võ sư Hình Ý Quyền là Lý Tồn Nghĩa sáng lập.

Cao thủ đi trước Lý Tiểu Long, kết hợp kungfu-boxing đánh bại võ sĩ châu Âu- Ảnh 1.

Chu Quốc Phúc là cao thủ Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng

Tại đây, Chu Quốc Phúc được học “Hình Ý Thập Nhị Hình” – tinh hoa của Hình Ý Quyền – và đạt tới đỉnh cao võ học. Nhờ mối quan hệ của Lý Tồn Nghĩa, ông còn gặp được đại sư Bát Quái Chưởng Tôn Lộc Đường và tiếp thu thêm những tinh túy của môn phái này. Khi mới 24 tuổi, võ công của Chu Quốc Phúc đã đạt cảnh giới rất cao.

Năm 1915, ông được giao nhiệm vụ bảo vệ đại học sĩ Châu Thiện Bồi trong chuyến đi từ Thiên Tân đến Thượng Hải. Sự chuyên nghiệp và năng lực của ông đã thuyết phục Châu Thiện Bồi giữ ông lại Thượng Hải, đồng thời giúp ông thành lập Hội Võ học Thượng Hải, đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp.

Tại đây, đúng lúc tô giới Pháp tổ chức giải đấu quyền anh quốc tế. Qua giới thiệu của bạn bè, Chu Quốc Phúc xem vài trận và sinh hứng thú với quyền anh, bắt đầu nghiên cứu môn này, kết hợp kỹ thuật quyền anh với lực Hình Ý và bộ pháp Bát Quái.

Không lâu sau, võ sĩ quyền anh Nga Ykhabel thách đấu võ lâm Thượng Hải, dễ dàng đánh bại nhiều đối thủ và liên tục đưa ra những lời khiêu khích coi thường võ thuật Trung Quốc. Chu Quốc Phúc phẫn nộ, quyết định tham gia. Tuy nhiên, ông cẩn trọng, quan sát vài trận của đối thủ trước khi đăng ký thi đấu. Ykhabel nặng hơn Chu Quốc Phúc hơn 40 cân, khiến nhiều người cho rằng ông không phải đối thủ. Ykhabel cũng nghĩ Chu Quốc Phúc liều mạng, yêu cầu ký giấy sinh tử.

Đánh bại nhà vô địch Nga

Trước trận, không khí cực kỳ căng thẳng. Trận đấu dự kiến 6 hiệp, theo luật quyền anh. Tuy nhiên Chu Quốc Phúc chỉ mất 4 hiệp đã khiến đối thủ sùi bọt mép, không thể đứng dậy. Hiệp 1, Chu Quốc Phúc dùng bộ pháp né tránh khiến đối thủ đánh hụt. Sang hiệp 2, Chu Quốc Phúc tung ra các đòn jab và hook khiến Ykhabel gặp khó khăn. Đặc biệt, võ sĩ người Nga trúng 1 đòn vào bụng, khiến hít thở khó khăn. Tới hiệp 4, Chu Quốc Phúc tung cú jab hạ đo ván Ykhabel.

Sau khi đánh bại võ sĩ ngoại quốc, Chu Quốc Phúc nổi danh, chấn động võ lâm Thượng Hải. Ông nhận ra tầm quan trọng của thể lực và sự tinh giản của quyền anh phương Tây nên dày công tập luyện môn này. Chu Quốc Phúc thường xuyên luyện quyền anh, mời em trai Chu Quốc Lộc đến Thượng Hải làm bạn tập. Từ đó, Chu Quốc Phúc chuyên tâm kết hợp võ thuật truyền thống Trung Quốc với quyền anh, trở thành người tiên phong đạt thành tựu trong lĩnh vực này.

Năm 1929, Chu Quốc Phúc đảm nhiệm giám đốc giáo vụ Trung ương Quốc thuật quán. Đối mặt với tình trạng môn phái tranh chấp, “Thiếu Lâm” và “Võ Đang” đấu đá ngầm, ông cải cách mạnh mẽ: tinh giản cơ cấu, xóa bỏ ranh giới môn phái, áp dụng phương pháp giảng dạy mới, đưa cả boxing phương Tây vào giảng dạy.

Cao thủ đi trước Lý Tiểu Long, kết hợp kungfu-boxing đánh bại võ sĩ châu Âu- Ảnh 2.

Chu Quốc Phúc từng đảm nhiệm vị trí giám đốc giáo vụ Trung ương Quốc thuật quán

Những cải cách này gây tranh cãi, nhiều người cho rằng Quốc thuật quán nên tập trung vào võ thuật Thiếu Lâm, Võ Đang thay vì quyền anh. Nhưng qua hai giải đấu lớn ở Chiết Giang và Thượng Hải, phương pháp của Chu Quốc Phúc được công nhận rộng rãi.

Tháng 11/1929, “Đại hội võ thuật Chiết Giang” và sau đó là “Đại hội võ thuật Thượng Hải” được tổ chức – 2 giải đấu võ đài lớn nhất thời cận đại Trung Quốc. Các võ sư nổi tiếng từ khắp nơi, bao gồm Chiết Giang, Giang Tô, Hồ Nam, Hà Bắc, Sơn Đông, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Nam Kinh, Thượng Hải, Bắc Bình, Thiên Tân, Thanh Đảo, cùng các tăng nhân, đạo sĩ tham gia.

Cao thủ đi trước Lý Tiểu Long, kết hợp kungfu-boxing đánh bại võ sĩ châu Âu- Ảnh 3.

Chu Quốc Phúc đưa quyền anh vào giảng dạy

Kết quả bất ngờ: Top 10 xuất sắc tại Đại hội Chiết Giang đều là học viên Trung ương Quốc thuật quán và Giang Tô Quốc thuật quán. Các tăng nhân, đạo sĩ, cao nhân ẩn dật đều thất bại.

Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, Chu Quốc Phúc tiếp tục giảng dạy tại Đại học Trùng Khánh, đảm nhiệm Trưởng nhóm nghiên cứu và sắp xếp Tổng hội Thể thao toàn quốc, Ủy viên Hội Võ thuật Trung Quốc, Phó chủ tịch đầu tiên Hiệp hội Võ thuật Trùng Khánh. Tuy nhiên sau này, Chu Quốc Phúc mắc bệnh nặng, bị đột quỵ lần thứ hai năm 1968, qua đời tại Trùng Khánh, hưởng thọ 77 tuổi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày