Anh N.V.A. (24 tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ) bị bụi bay vào mắt và có đưa tay lên dụi mắt cách đây khoảng 3 tuần. Ban đầu mắt chỉ cộm, đau nhức nhẹ, nghĩ là không sao nên anh chỉ rửa mắt bằng nước muối nhưng một tuần sau, mắt đỏ lên và đau nhức nhiều. Do tâm lý chủ quan nên anh tự đi mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ.
Sau khi dùng thuốc được ba ngày, mắt trở nên đau nhức nặng hơn, mi mắt sưng nề, nhìn mờ; lúc này anh mới đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ và được chẩn đoán loét giác mạc do nấm. Vì không đi khám sớm, bệnh đã gây tổn thương trên giác mạc nên cho dù được điều trị tích cực nhưng mắt trái của anh đã bị suy giảm thị lực.
BSCKI. Hoàng Kim Tuyến, Trưởng Khoa Kết giác mạc - Chấn thương, Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ cho biết: Người bệnh viêm loét giác mạc do nấm thường khởi đầu lặng lẽ, âm thầm, tiến triển chậm, kích thích ít và kéo dài. Bệnh bùng phát dữ dội nếu người bệnh có sử dụng corticoid. Với các dấu hiệu như đau nhói ở mắt (một cách đột ngột), mắt tăng nhạy cảm với ánh sáng, thường xuyên chảy nước mắt và tăng tiết dịch nhiều từ mắt.
Tại Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ, ghi nhận phần lớn người bệnh bị viêm loét giác mạc do nấm thường làm nghề nông, mắc bệnh sau khi bị chấn thương vào mắt (từ bụi, cành cây, lá lúa, hạt thóc, mạt sắt...). Thời gian từ lúc khởi phát bệnh tới khi đến bệnh viện thường kéo dài sau khi tự điều trị nhưng không khỏi. Do vậy, việc điều trị của người bệnh thường rất khó. Đồng thời, các loại thuốc có sẵn để điều trị tại mắt bị hạn chế do không có khả năng thâm nhập sâu vào giác mạc.
Điều trị viêm loét giác mạc do nấm thường phải rất tích cực, kiên trì và tuân theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa mắt. Bệnh nếu phát hiện muộn và điều trị không kịp thời có thể dẫn tới biến chứng nặng nề như hoại tử, thủng giác mạc. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan, khi xuất hiện các biểu hiện bệnh như trên sau một vi chấn thương mắt do bụi, cành cây, lá lúa chọc vào mắt… cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh viêm loét giác mạc do nấm, cần thận trọng trong quá trình sinh hoạt và lao động, tránh chủ quan để xảy ra chấn thương ở mắt. Trang bị kính bảo vệ mắt khi làm việc và khi đi ngoài đường.
Nếu không may bị cát bụi, hạt sạn, hạt thóc... bắn vào mắt, tuyệt đối không được day, dụi mắt vì rất dễ dẫn đến xước và rách giác mạc. Cách xử trí đúng trong trường hợp có thể kiểm soát được (như chỉ bị hạt bụi bay vào mắt) thì nên rửa mắt bằng nước sạch để bụi tự trôi ra. Nếu tình hình không cải thiện hoặc khi bị dị vật to hơn bắn vào mắt, cần đến cơ sở chuyên khoa mắt để thăm khám và có phương án điều trị thích hợp.
Với người thường xuyên sử dụng kính áp tròng, cần tuân thủ chặt chẽ khâu vệ sinh. Khi có những triệu chứng bệnh ở mắt nói chung như ngứa, cộm, đau, đỏ mắt, không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Việc khám và điều trị bệnh mắt nên được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên khoa.