Cẩn thận với các hình thức lừa đảo vay tiền qua app, người vay tiền qua app có bị tính nợ xấu hay không?

Hoàng Tùng, Theo Tổ quốc 08:00 26/08/2022
Chia sẻ

Hiện nay, thủ tục cho vay đơn giản hơn rất nhiều, mọi người có thể ở nhà thông qua các app vay tiền là có thể hoàn tất hồ sơ. Tuy nhiên, hình thức vay này tiềm ẩn nhiều rủi ro, mọi người cần cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo.

1. Vay tiền qua app lừa đảo, tín dụng đen có bị tính "nợ xấu" hay không?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Thông tư 11/2021, nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5, cụ thể:

- Nợ nhóm 3: Nợ quá hạn từ 91 - 180 ngày; nợ được miễn/giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi; nợ gia hạn lần đầu;…

- Nợ nhóm 4: Nợ quá hạn từ 181 - 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần hai; nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng đến 60 ngày vẫn chưa thu hồi được….

- Nợ nhóm 5: Nợ quá hạn trên 360 ngày; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên;...

Cẩn thận với các hình thức lừa đảo vay tiền qua app, người vay tiền qua app có bị tính nợ xấu hay không? - Ảnh 1.

Theo đó, trong trường hợp vay tiền online qua các ngân hàng hoặc công ty tài chính thì thông tin về tình trạng nợ của khách hàng sẽ được chính các ngân hàng, công ty tài chính này quản lý. Do vậy, nếu thuộc nhóm nợ xấu thì đồng thời cũng bị liệt kệ vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC.

Cũng có nghĩa, nếu vay tiền online tại các app không chính thống, các app lừa đảo vay tiền, các app núp bóng tín dụng đen… thì trường hợp không trả nợ sẽ không bị tra ra lịch sử nợ xấu trên CIC.

2. "Bùng" tiền vay qua app, người vay bị xử lý như thế nào?

Vay tiền thực chất là giao dịch vay tài sản được ghi nhận tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, bên vay phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay theo đúng số lượng, chất lượng, lãi suất cho vay (nếu có thỏa thuận) khi đến hạn trả.

Do đó, dù thực hiện vay trực tiếp hay vay online qua app, bên vay đều phải có nghĩa vụ trả lại đúng số tiền đã vay khi đến hạn trả.

Vì thế, hành vi "bùng nợ" khi vay tiền online qua các app bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, người vay thậm chí có thể bị xử lý hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tù.

Ở mức độ nhẹ hơn, người có hành vi "bùng nợ" có thể bị xử phạt hành chính, bị cho vào nhóm nợ xấu hay bị tính lãi chậm trả (nếu có thỏa thuận)…

Về phía bên cho vay, trường hợp cho vay với lãi suất "cắt cổ", vượt quá mức giới hạn cho phép hay sử dụng những hành vi đe dọa đòi nợ trái pháp luật cũng sẽ bị xử lý.

Không vay tiền nhưng bị các app vay nợ quấy rối, "khủng bố" điện thoại, mọi...

3. Cảnh báo các chiêu lừa đảo phổ biến khi vay tiền qua app

Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với nhiều thủ đoạn khác nhau, thế nhưng mục đích chung là nhằm chiếm đoạt một số tiền nào đó. Dưới đây là một số chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo khi cho vay tiền qua app mà ai cũng nên biết:

Lừa đảo cho vay tiền qua app để chiếm đoạt tiền

Các đối tượng lợi dụng hình thức cho vay tiền app để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản như: Yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay; Dụ dỗ vay tiền trên nhiều app, từ đó tạo ra nhiều khoản vay; Đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ;…

Cụ thể, với chiêu lừa đảo yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để nộp phí hồ sơ hoặc bảo hiểm của khoản vay. Tuy nhiên, ngay sau khi đóng phí, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc trong khi khách hàng chưa nhận được giải ngân.

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng chiêu lừa đảo khách hàng đăng ký vay nhưng không giải ngân tiền vay mà vẫn mắc nợ. Những kẻ lừa đảo "tung ra" các lời mời gọi hấp dẫn, các chương trình vay hấp dẫn để thu hút khách hàng.

Sau khi cung cấp cung cấp các thông tin và hoàn thành đăng ký khoản vay, khách hàng sẽ không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ bên cho vay, thế nhưng trên hệ thống quản lý đã có xác nhận về việc đăng ký vay.

Khi đến hạn, các đối tượng sẽ thực hiện nhắc nợ, thậm chí là đe dọa khách hàng phải trả nợ.

Lừa đảo cho vay tiền qua app với lãi suất "cắt cổ"

"Tín dụng đen" núp bóng app cho vay tiền cũng là chiêu trò phổ biến trong thời gian gần đây, đã có không ít người bị sập bẫy và phải gánh thêm một khoản tiền lãi vay lớn.

Các đối tượng mời gọi khách hàng đăng ký vay với những lời quảng cáo đầy thu hút như "vay tiền với thủ tục đơn giản, không cần giấy tờ", "vay tiền giải ngân trong 01 phút"… Theo đó, khách hàng chỉ phải làm các thủ tục đơn giản là đã có thể đăng ký vay tiền.

Theo đó, người vay phải thanh toán số tiền gốc ban đầu trong khoảng thời gian ngắn, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên nhiều lần.

4. Số điện thoại báo app vay tiền lừa đảo

Nạn nhân của các app vay tiền lừa đảo có thể gọi đến đường dây nóng của cơ quan Công an để tố giác tội phạm:

- Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:

+ Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;

+ Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.

+ Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: https://canhbao.ncsc.gov.vn.

- Đối với người dân tại TP. Hồ Chí Minh: Số đường dây nóng là 08.3864.0508

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày